'Giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình'

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Giúp nhân dân nước bạn tức là tự mình giúp mình', nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam tại Lào của tỉnh Sơn La đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, sát cánh cùng các lực lượng cách mạng Lào chiến đấu, chống đế quốc Mỹ xâm lược. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về năm tháng sống và chiến đấu trên đất nước Triệu voi của những cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam của tỉnh Sơn La vẫn luôn là khoảng thời gian đáng nhớ, thắm đượm tình hữu nghị, đoàn kết.

Ban liên lạc tổ chức gặp mặt đón mừng Tết Bun pi may của nhân dân Lào.

Ban liên lạc tổ chức gặp mặt đón mừng Tết Bun pi may của nhân dân Lào.

Những ký ức không quên

Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là Thiếu tướng Cầm Xuân Ế, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh. Ông kể: Tháng 6/1968, khi mới 18 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi rời quê hương Phù Yên tham gia nhập ngũ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, xã Chiềng Ve, huyện Mộc Châu. Trải qua nhiều trận đánh ở Lào, như: Pa Thí, Na Khằng, Pom Lọng, Cánh đồng chum... nhưng nhớ nhất trận đầu tiên tại Pa Thí diễn ra 12/1968. Đây là trận quan trọng quyết định, nên khi đoàn quân Việt Nam sang, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông khi đó là lãnh đạo cao cấp của Lào từ căn cứ cách mạng, thủ đô kháng chiến ở Sầm Nưa ra đứng trên đường đón đợi đoàn quân Việt Nam để động viên và tặng cho mỗi chiến sỹ 1 điếu thuốc lá, 1 cái kẹo. Chúng tôi ai cũng rất vui, xúc động cảm nhận được tình cảm Việt - Lào anh em. Chỉ sau 1 đêm, đoàn quân Việt Nam đã đánh thắng, chiếm được Pa Thí, tuyến đường 6 Tây Bắc đi lại an toàn, đảm bảo, hướng Sơn La, Pa Thí cũng ít bị máy bay đánh phá, nhưng trận đó, quân tình nguyện hy sinh nhiều, chiếc kẹo, điếu thuốc lá của nhiều đồng đội còn nguyên trong áo ngực.

Kể đến đây, giọng ông Ế nghẹn ngào, ông phải dừng lại hồi lâu cho bớt xúc động, rồi nói tiếp: Tôi được kết nạp Đảng ngay trên trận địa, hiểu được ý nghĩa giá trị vào Đảng không chỉ là lý tưởng, mà còn là cống hiến, hy sinh; tôi đã thề hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào Đảng giao phó.

Còn với cựu chiến binh Hà Văn Đức, hiện đang là Trưởng ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào tỉnh Sơn La, năm nay gần 80 tuổi, nhưng những kỷ niệm về ngày tháng chiến đấu gian khổ và ác liệt tại thủ đô Vàng Pao. Ông kể rành rọt: Vàng Pao được mệnh danh là “vua Mèo” tại Thượng Lào từ năm 1960, thủ đô Vàng Pao có một sân bay, ba trường huấn luyện sĩ quan và san sát những dãy nhà mái tôn của lính phỉ. Vàng Pao đã chỉ huy lực lượng chống lại Pathet Lào và Quân đội Nhân dân Việt Nam tại vùng Thượng Lào.

Cho chúng tôi xem những vết sẹo dài chằng chịt trên cánh tay trái, ông Đức nói: Đây là vết thương trận chiến ở thủ đô Vàng Pao. Tháng 4/1971, tôi là Trung đội trưởng của Trung Đoàn 148, Sư đoàn 316 thuộc Quân Khu Tây Bắc được giao nhiệm vụ trinh sát tiến thẳng chiến đấu khu vực ngoài thủ đô Vàng Pao, tiến đánh các cao điểm tiền tiêu và vào bên trong khu ở của Vàng Pao. Cả tiểu đội phải chui qua hàng rào, địch đánh ác liệt, pháo dội lên sáng như ban ngày, tôi chỉ huy lực lượng tiến lên tấn công, ngay lúc đó bị đạn bắn vào cẳng chân, tôi ngã xuống, rồi lại xông lên thì bị 1 viên đạn bắn xuyên qua cánh tay trái ngất đi, lúc tỉnh lại đã được băng bó ở bệnh viện dã chiến! Sau những năm 1973-1975, tôi là giảng viên huấn luyện đặc công cho khoảng 600 bộ đội Lào, những năm tháng sau này, các học viên gặp lại vẫn gọi “thầy Đức” rất tình cảm.

Không phải là nơi sinh ra, lớn lên, nhưng trong câu chuyện của cựu chiến binh Quàng Văn Khoa, sinh năm 1962, hiện đang là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Sơn La thì nước bạn Lào đã trở thành quê hương thứ 2 của ông. Hơn 30 năm đã trôi qua, ông không thể nào quên kỷ niệm sâu sắc cùng đồng đội và đồng bào các bộ tộc Lào anh em.

Ông Khoa kể: Năm 1987, tôi khi đó đang là trợ lý trinh sát của Tiểu đoàn 11 pháo binh, Trung đoàn 484, mặt trận 379, được phân công làm nhiệm vụ ở vùng cao biên giới tỉnh U Đôm Xay. Nhớ nhất lần đi trinh sát trận địa vào ban đêm, đến trú nhờ tại một gia đình có 2 mẹ con người Lào sống đơn thân, con gái bị sốt rét nguy cơ sắp chết. Thấy vậy, tôi liền nói với y tá khám và tiêm trợ lực, sau 3-4 tiếng, người con gái tỉnh lại, thời đó thuốc rất hiếm, chỉ phát cho đủ chiến sỹ dùng ra mặt trận. Thấy bộ đội Việt Nam lấy thuốc để chữa cho con mình, gia đình cảm ơn và nhận luôn 6 anh em làm con nuôi. Sau đó, cả bản đến xin nhận kết nghĩa, giúp đỡ đùm bọc như người con trong gia đình. Sau khi đất nước Lào làm chủ được chiến trường, đoàn xe đưa các chiến sỹ Việt Nam về nước, các đồng chí lãnh đạo, những người mẹ, người chị, các em các bản làng nước Lào bịn rịn tiễn đưa đoàn xe trở về Điện Biên. Hình ảnh đó mãi khắc sâu trong tâm trí tôi về tình cảm sâu đậm, đoàn kết đặc biệt Việt - Lào.

Kết thúc nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào, nhiều tập thể, cá nhân là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào tỉnh Sơn La được Đảng, Nhà nước Lào tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Giữ gìn, vun đắp tình cảm hữu nghị đặc biệt

Năm 2014, Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào tỉnh Sơn La được thành lập, đến nay, có trên 5.000 hội viên ở ban liên lạc các huyện, thành phố. Hằng năm, Ban liên lạc tổ chức, tham gia đón tiếp, tọa đàm, hội thảo, giao lưu với đoàn đại biểu các tỉnh Bắc Lào sang thăm làm việc tại Sơn La; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà động viên các thương binh, gia đình liệt sỹ và tri ân các liệt sỹ tại các nghĩa trang tỉnh Nghệ An, Điện Biên; tổ chức các đợt đi thăm chiến trường xưa và tìm hài cốt liệt sỹ tại các tỉnh Bắc Lào; luôn được đánh giá là Ban liên lạc hoạt động tốt nhất trên toàn quốc...

Thiếu tướng Cầm Xuân Ế và CCB Hà Văn Đức ôn lại kỷ niệm chiến đấu tại Lào.

Thiếu tướng Cầm Xuân Ế và CCB Hà Văn Đức ôn lại kỷ niệm chiến đấu tại Lào.

Ông Hà Văn Đức, Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào tỉnh Sơn La, chia sẻ: Hằng năm, Ban liên lạc tổ chức đoàn chúc mừng, động viên, tặng quà lưu sinh viên Lào nhân dịp Tết cổ truyền Bun Pi May của dân tộc Lào và Ngày Quốc khánh của nước CHDCND Lào; gặp mặt, chúc mừng, động viên các lưu sinh viên Lào kết thúc khóa học, tốt nghiệp ra trường; chuẩn bị trở về đất nước Lào, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thắm đượm tình đoàn kết gắn bó tốt đẹp giữa Ban liên lạc tại Lào của tỉnh với sinh viên Lào, góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị giữa hai nước...

Ban Liên lạc tặng quà Tết lưu học sinh Lào tại Trường cao đẳng Y tế Sơn La.

Ban Liên lạc tặng quà Tết lưu học sinh Lào tại Trường cao đẳng Y tế Sơn La.

Sang Sơn La học tập ngay trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, anh Sổm Bun In Tha Vông, sinh viên năm cuối cao học K9 Trường đại học Tây Bắc, cảm nhận rõ tình cảm của Ban liên lạc quân tình nguyện tại Lào ở Sơn La dành cho mình và các bạn. Anh Sổm Bun chia sẻ: Ban liên lạc quân tình nguyện thường xuyên tổ chức gặp mặt, truyền lửa, giáo dục thế hệ trẻ hai nước để phát huy “Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”. Nhất là trong hai năm dịch bệnh Covid-19 vừa qua, chúng tôi không thể về nhà, Ban liên lạc thường xuyên gọi điện động viên, kịp thời hỗ trợ kinh phí để sinh viên vượt qua khó khăn, học tập tốt hơn.

Phát huy tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình, tuy mái đầu đã ngả bạc, những cựu chiến binh, quân tình nguyện Việt Nam tại Lào tỉnh Sơn La tiếp tục có những hoạt động ý nghĩa thiết thực, góp phần viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang về tinh thần quốc tế, tô thắm thêm mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giup-nhan-dan-nuoc-ban--la-tu-giup-minh-53045