Giúp người dân lập nghiệp, phát triển sản xuất

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hoạt động cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm luôn được các cấp, các ngành ở TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang quan tâm triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, nhiều hộ gia đình làm giàu trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình...

“Cần câu” thoát nghèo

Với ngôi nhà cấp 4 khang trang bên cạnh cửa hàng tạp hóa, không ai có thể tưởng tượng cách đây gần 10 năm, gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn là một trong những hộ thuộc diện khó khăn của phường Thới An Đông (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Vợ thường xuyên đau ốm, 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, anh Tuấn phải làm thuê khắp nơi để trang trải cuộc sống. Năm 2010, được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, anh Tuấn mạnh dạn vay 30 triệu đồng để thực hiện mô hình chăn nuôi rắn kết hợp trồng cây ăn trái. Chăn nuôi thuận lợi, trả được nợ, anh tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất; từ 50 con rắn voi tượng ban đầu, hiện đã tăng lên 400 con, trong đó 30 rắn bố mẹ và 370 rắn con. Ngoài ra, anh còn kết hợp nuôi thêm 150 con ba ba và trồng 70 cây bưởi, mỗi năm lợi nhuận thu về gần 100 triệu đồng. “Gói vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người dân. Vốn vay phù hợp, lãi suất 0,55%/tháng, thời gian vay đến 60 tháng mà người dân không phải thế chấp nên tạo nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế”, anh Tuấn cho biết.

Bên cạnh tiếp sức cho người dân thực hiện các mô hình kinh tế, những năm qua bằng nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, tỉnh Hậu Giang đã đào tạo và giải quyết việc làm cho hơn 18.000 lao động. Phấn khởi khi được học nghề và có việc làm gần nhà, bà Huỳnh Thị Lượm ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, nói: “Trước đây, gia đình cũng khó khăn lắm, thu nhập của cả nhà chỉ phụ thuộc vào việc làm thuê, làm mướn của chồng tôi. Khi nghe địa phương có mở lớp dạy nghề đan lục bình và giới thiệu việc làm tại chỗ, tôi mạnh dạn đăng ký theo học. Sau khi học được nghề đan lục bình, ngoài đan gia công sản phẩm, tận dụng nguồn lục bình có sẵn ở địa phương, tôi cũng đi cắt để bán nguyên liệu. Nhờ vậy, hằng tháng cũng kiếm thêm khoảng 2,5 triệu đồng để trang trải cuộc sống gia đình”.

Linh hoạt trong cách thức vay

Xác định nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân trên địa bàn tạo ra và duy trì ổn định các công việc, mô hình sản xuất, kinh doanh, giúp phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua bằng nhiều cách thức khác nhau, TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang đã góp phần đưa người dân tiếp cận gần hơn với nguồn vốn.

Nhờ học được nghề đan lục bình, bà Huỳnh Thị Lượm ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A có thêm nguồn thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng.

Xác định hồ sơ, thủ tục luôn gây áp lực và cản trở quá trình tiếp cận nguồn vốn của các đối tượng vay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hậu Giang phối hợp với các cấp, các ngành, hội, đoàn thể chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác, công tác bình xét cho vay bảo đảm đúng đối tượng. Việc giải ngân cho vay được xem xét phê duyệt trên cơ sở căn cứ vào kết quả đề nghị, bình xét của Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), tổ chức hội nhận ủy thác và xác nhận của chính quyền địa phương.

Theo ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Cần Thơ: Thời gian qua, ngân hàng đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; chủ động phối hợp với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn. “Với phương pháp thu hồi vốn, lãi suất vay tại các điểm giao dịch thông qua sự phối hợp chặt chẽ của Tổ TK&VV và chủ dự án, giúp người vay vốn tiết kiệm được chi phí đi lại và các khoản thu nhỏ để trả lãi. Hình thức thu này tạo kênh giám sát vốn vay thường xuyên từ Tổ TK&VV, cơ quan thực hiện chương trình và ngân hàng. Từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của người vay, nâng cao vòng quay vốn của chương trình, tránh thất thoát vốn đến mức thấp nhất, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều dự án được vay vốn, tạo thêm nhiều việc làm mới cho xã hội”, ông Thuận cho biết.

Cũng theo ông Thuận, nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp góp phần giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng khi có nhu cầu. Tháng 11 tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Cần Thơ sẽ tăng thêm nguồn vốn vay cũng như thời hạn vay vốn để người dân yên tâm triển khai các dự án mang tính lâu dài, ổn định sản xuất.

Theo thống kê, tại TP Cần Thơ, qua 16 năm triển khai thực hiện, Ngân hàng CSXH đã giải ngân 23.900 dự án vay vốn với tổng số tiền hơn 600 tỷ đồng. Đến nay, dư nợ cho vay giải quyết việc làm 325 tỷ đồng, với 9.500 hộ còn dư nợ, mức dư nợ bình quân 34 triệu đồng/lao động. Tại Hậu Giang, tính từ đầu năm đến hết tháng 9 năm 2019, toàn tỉnh có 776 hộ được vay vốn, với tổng số tiền hơn 21,8 tỷ đồng. Phần lớn các hộ gia đình vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào mô hình chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất, kinh doanh. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi này, nhiều gia đình cải thiện cuộc sống, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giup-nguoi-dan-lap-nghiep-phat-trien-san-xuat-592593