Giúp học sinh học, làm tốt bài kiểm tra Ngữ văn phần đọc hiểu

Cô Nguyễn Thị Bích Huy, Trường TH&THCS Ea Trol (Phú Yên) chia sẻ giải pháp giúp HS lớp 6 học, làm tốt bài kiểm tra Ngữ văn, phần đọc hiểu.

Cô Nguyễn Thị Bích Huy và học sinh Trường TH&THCS Ea Trol trong giờ Ngữ văn.

Giải pháp cô Nguyễn Thị Bích Huy đưa ra phù hợp với những học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Giúp học sinh vững kiến thức lý thuyết

Giải pháp đầu tiên, theo cô Nguyễn Thị Bích Huy là cung cấp cho học sinh kiến thức lý thuyết liên quan đến câu hỏi đọc hiểu. Từ đó giúp các em biết nhận diện, phân loại các câu hỏi đọc- hiểu theo phạm vi kiến thức.

Kiến thức lý thuyết liên quan đến câu hỏi đọc hiểu gồm: các phương thức biểu đạt; các thể thơ; từ và cấu tạo từ; các biện pháp tu từ.

Cụ thể, về các phương thức biểu đạt, giáo viên cung cấp cho học sinh kiến thức lý thuyết về 6 phương thức thường gặp trong các văn bản đã học và sẽ học như: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính công vụ. Tập trung đến các đặc điểm nhận diện làm rõ các phương thức.

Một văn bản có thể xuất hiện nhiều kiểu phương thức biểu đạt, nhưng trong đó vẫn có một phương thức chủ đạo cần xác định. Do đó, thầy cô nên hệ thống lại kiến thức về đặc điểm các phương thức biểu đạt để học sinh dễ nhận diện trong từng văn bản .

Giúp học sinh dễ nhận biết các thể thơ, giáo viên cung cấp kiến thức lý thuyết về đặc điểm các thể thơ mà học sinh được học để các em nhận biết khi được yêu cầu.

Lý thuyết về từ và cấu tạo từ, giáo viên có thể vẽ sơ đồ từ và cấu tạo từ của tiếng Việt; sau đó hướng dẫn học sinh và lấy ví dụ cụ thể ở từng kiểu từ.

Ở phần lý thuyết về các biện pháp tu từ, giáo viên cung cấp kiến thức lý thuyết về khái niệm, phân loại, tác dụng của từng biện pháp để học sinh nắm bắt và dễ nhận diện.

Muốn xác định được nội dung chủ đề của văn bản, cô Huy cho biết đã hướng dẫn học sinh căn cứ vào các hình ảnh, chi tiết đặc sắc, những câu văn, câu thơ được nhắc đến nhiều lần. Đây có thể sẽ là những từ khóa để bộc lộ nội dung chính, chủ đề của đoạn văn hay đoạn thơ.

Ngoài ra, nếu là đoạn văn, cô còn hướng dẫn học sinh biết xác định xem đoạn văn được viết theo phương pháp nào (diễn dịch, quy nạp, móc xích hay song hành).

Xác định được phương pháp trình bày đoạn văn học sinh sẽ xác định được câu chủ đề nằm ở vị trí nào. Thường thì câu chủ đề sẽ là câu nắm giữ nội dung chính của cả đoạn. Thế nên việc xác định được câu chủ đề cũng là căn cứ để tìm ra nội dung chính của đoạn văn.

Cô Nghiêm Thị Bích Huy: cấu trúc bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ môn Ngữ Văn thường có 3 phân môn: Văn học, Tiếng Việt và Tập làm văn. Riêng phần đọc- hiểu thường chiếm đến 50 %- 60% số điểm toàn đề bài.

Một số lưu ý khi làm phần đọc hiểu

Cô Nguyễn Thị Bích Huy đưa một số lưu ý khi làm phần đọc hiểu, liên quan đến cách nhận diện câu hỏi; cách trả lời.

Cụ thể, về cách nhận diện câu hỏi, học sinh cần đọc kỹ yêu cầu đề bài để xác định xem nội dung đề bài yêu cầu có mấy ý, từ đó trả lời cho đúng, cho trúng trọng tâm, tránh dài dòng lạc đề.

Về cách trả lời: Văn bản phần đọc- hiểu thường không dài nên yêu cầu học sinh phải đọc qua văn bản mới tiến hành trả lời cho phù hợp.

Trước hết, các em cần đọc lướt để tìm ra câu chủ đề hoặc ý chính, sau đó đọc kĩ lại để tìm chi tiết, thông tin. Đặc biệt, các câu trả lời cần trực tiếp, ngắn gọn, rõ ràng, chính xác và đầy đủ ý. Đề hỏi gì thì trả lời đó, không trả lời thừa vì như thế chỉ tốn thêm thời gian mà cũng không đạt thêm điểm.

Tóm lại, khi học sinh nắm vững lý thuyết, kết hợp với ôn tập các dạng bài tập về một số nội dung trọng tâm như: phương thức biểu đạt, các thể thơ, các phép tu từ từ vựng, các phép liên kết đoạn văn, cách cảm cách hiểu nội dung một đoạn văn được tách ra từ văn bản..., các em sẽ tự tin làm tốt những dạng bài đọc- hiểu.

Trước đây, gần cuối mỗi học kỳ, tôi cũng như nhiều giáo viên bộ môn Ngữ văn thường tiến hành ôn tập cho học sinh theo hướng rà soát lại kiến thức trọng tâm của từng phân môn ở mỗi học kỳ. Sau đó, kết hợp hướng dẫn học sinh làm các dạng câu hỏi, bài tập có liên quan đến phần lý thuyết ở phân môn đó.

Song cách làm này có phần dàn trải, riêng lẻ, chưa thể hiện rõ tính tích hợp của bộ môn. Học sinh cũng quen với cách làm kiến thức riêng lẻ nên khi gặp kiểu đề tích hợp như thời gian gần đây thì có phần lúng túng. Đặc biệt với học sinh lớp 6 mới chuyển cấp, việc làm dạng đề đọc- hiểu lại càng khó khăn hơn.

Cô Nguyễn Thị Bích Huy

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giup-hoc-sinh-hoc-lam-tot-bai-kiem-tra-ngu-van-phan-doc-hieu-post671326.html