Giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững

Cùng với đảm bảo an sinh xã hội, việc triển khai, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo được coi như “chìa khóa” mở cửa thoát nghèo, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước trong công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Tường, chị Nguyễn Thị Liên, xã Vĩnh Thịnh đã phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa kết hợp trồng bưởi Diễn mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Trà Hương

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Tường, chị Nguyễn Thị Liên, xã Vĩnh Thịnh đã phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa kết hợp trồng bưởi Diễn mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Trà Hương

Gia đình chị Nguyễn Thị Phương, thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường trước đây thuộc hộ nghèo, công việc không ổn định, thêm nuôi 2 con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Từ năm 2012-2015, chị Phương được Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Tường cho vay 80 triệu đồng, cùng với số tiền vay thêm của người thân, chị mạnh dạn đầu tư mua 4 con bò sữa. Nhờ vậy, vợ chồng chị có công việc ổn định và có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, vươn lên thoát nghèo vào năm 2017.

Tuy nhiên, đầu năm 2022, do mắc căn bệnh hiểm nghèo, lại thêm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kinh tế gia đình chị kiệt quệ và tái nghèo. Chị Phương tiếp tục được hỗ trợ vay 100 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo và 77 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Từ nguồn vốn vay này, vợ chồng chị quyết định cải tạo mô hình trang trại gia đình, tiếp tục phát triển kinh tế.

Chị Phương cho biết: "Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, đến nay, cuộc sống của gia đình tôi cơ bản ổn định, có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Đây là nguồn động viên rất lớn, tiếp thêm sức mạnh để gia đình tôi vượt qua khó khăn, tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo".

Là một trong những hộ nghèo lâu năm của xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hiền ở thôn Ngọc Liễn không có công việc ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của thôn, bà Hiền được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Lập Thạch với số tiền 50 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Có vốn, bà Hiền đã đầu tư mua 4 con bò sinh sản. Nhờ chịu khó chăm sóc, 2 cặp bò phát triển khỏe mạnh và sinh sản tốt, nhờ đó kinh tế gia đình bà ngày càng được cải thiện.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều hộ nghèo được tiếp cận vốn vay tín dụng chính sách (TDCS) kịp thời và vươn lên thoát nghèo. Thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH tỉnh đang thực hiện cho vay 15 chương trình TDCS ưu đãi.

Thường xuyên phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền, hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương về TDCS, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích; xây dựng mạng lưới điểm giao dịch Ngân hàng CSXH đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với 136 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và hơn 2.200 Tổ TK&VV…

Tỉnh đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng CSXH cho vay 515.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt hơn 10.300 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 7.000 tỷ đồng.

Đến hết tháng 7/2022, tổng dư nợ 15 chương trình TDCS của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt hơn 3.500 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,4%/năm với hơn 78.300 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn, dư nợ bình quân 45 triệu đồng/khách hàng, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh ở mức dưới 0,2% tổng dư nợ.

Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài, đây là cơ hội giúp người nghèo tiếp cận với vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình.

20 năm qua, nguồn vốn TDCS đã giúp hơn 148.000 hộ nghèo, gần 27.000 hộ cận nghèo, 17.000 hộ mới thoát nghèo được vay vốn và góp phần giúp 68.500 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 131.500 lao động, giúp 70.400 học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới và cải tạo hơn 339.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng hơn 5.000 ngôi nhà cho hộ nghèo...

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng từng thời kỳ.

Năm 2021, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn tỉnh đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng hơn 17 lần so với năm 2002; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 1,51%, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn TDCS đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo tổ chức thực hiện TDCS xã hội; tập trung nguồn lực để Ngân hàng CSXH thực hiện hiệu quả các chương trình TDCS.

Đảm bảo vốn TDCS được truyền tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến thời hạn; nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống kiểm tra, giám sát trong tổ chức triển khai thực hiện TDCS…

Phương Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82785/giup-ho-ngheo-thoat-ngheo-ben-vung.html