Giữ vững vị thế, hướng tới mục tiêu lớn

Qua nhiều kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) gần đây, thể thao Hà Nội luôn giữ được vai trò nòng cốt cả về số lượng vận động viên trong thành phần đoàn thể thao Việt Nam và cả về số huy chương giành được. Trước thềm SEA Games 29, khi mục tiêu lọt vào nhóm 3 nước dẫn đầu của thể thao Việt Nam gặp phải trở ngại nhất định, việc giữ vững vị thế, hướng tới mục tiêu lớn của thể thao Hà Nội lại càng trở nên quan trọng.

Giữ vị thế trụ cột

Từ nhiều năm qua, thể thao Hà Nội đã khẳng định được vị thế hàng đầu trong làng thể thao Việt Nam nhờ được đầu tư mạnh mẽ cũng như sở hữu dàn huấn luyện viên, vận động viên giỏi ở nhiều môn. Hiếm có ngành thể thao địa phương nào được tạo điều kiện để đưa vận động viên đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài như Hà Nội.

Nhờ sự quan tâm đó, thể thao Hà Nội sở hữu nhiều người tài, trong đó rõ nhất là trường hợp các vận động viên ở môn điền kinh (Nguyễn Thị Tĩnh), bóng bàn (Nguyễn Nam Hải, Trần Tuấn Quỳnh), karatedo (Nguyễn Hoàng Ngân), thể dục dụng cụ (Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Đỗ Thị Ngân Thương), bơi (Đỗ Huy Long)… Và, trong cả nước cũng chưa có tỉnh, thành phố nào có cơ ngơi tập luyện hiện đại như Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội.

Nhờ có quy trình đào tạo bài bản nên Hà Nội luôn duy trì được đội ngũ vận động viên hùng hậu với trên 3.000 người ở 40 - 50 bộ môn và phân môn thể thao. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho thể thao thành tích cao của Hà Nội cũng đứng hàng đầu cả nước, ước tính khoảng trên 300 tỷ đồng/năm.

Tại đấu trường SEA Games, nhiều vận động viên Hà Nội đã ghi danh vào bảng vàng, giúp đoàn thể thao Việt Nam luôn ở tốp đầu khu vực, khẳng định vị thế hàng đầu của thể thao Thủ đô. Căn cứ vào thành tích ổn định của các vận động viên Hà Nội, Kế hoạch phát triển thể thao Thủ đô đến năm 2020 do UBND TP Hà Nội ban hành vào năm 2014 đã chỉ rõ: "Thể thao Hà Nội phải bảo đảm lực lượng nòng cốt của đoàn thể thao Việt Nam và đóng góp trên 30% tổng số huy chương vàng để đoàn Việt Nam giữ vững vị trí trong nhóm 3 nước dẫn đầu tại SEA Games”.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Nguyễn Đình Lân nhận xét: “Đó là nhiệm vụ không dễ dàng nhưng khi đã nhận mức đầu tư lớn, thể thao Hà Nội phải cố gắng hoàn thành”.

Kỳ SEA Games khắc nghiệt

Vừa qua, trong chương trình gặp gỡ huấn luyện viên, vận động viên Hà Nội tham dự SEA Games 29, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nhắc đến truyền thống đóng góp 30% tổng số huy chương của Việt Nam tại những kỳ SEA Games gần đây của thể thao Hà Nội - gián tiếp giao nhiệm vụ cho vận động viên Thủ đô chứ không đưa ra mục tiêu cụ thể.

Đó là điều dễ hiểu bởi đây là kỳ SEA Games khắc nghiệt nhất kể từ năm 2003 đối với thể thao Việt Nam khi nhiều nội dung thế mạnh của chúng ta không có trong chương trình thi đấu, đáng kể nhất là môn vật, canoeing, rowing, boxing nữ, cử tạ nữ, đối kháng muay nữ, các nội dung đồng đội môn đấu kiếm và bắn súng, nội dung đối kháng môn wushu…

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Phan Anh Tú nói: "Đa số môn và nội dung thi đấu bị cắt đều nằm trong chương trình thi đấu của Olympic. Thể thao Hà Nội mất cơ hội đoạt ít nhất 11 - 13 huy chương vàng, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu chung tại SEA Games”.

Tại SEA Games 29, thể thao Hà Nội có 25 huấn luyện viên, 101 vận động viên dự thi (gần 1/4 trong tổng số vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam), thi đấu và chỉ đạo chuyên môn ở 24 môn, phân môn là nhảy cầu, bắn cung, điền kinh, cầu lông, billiards, xe đạp, đấu kiếm, bóng đá nữ, bóng đá trong nhà nữ, judo, karatedo, thể dục nghệ thuật, thể dục dụng cụ, bóng rổ nam - nữ, pencak silat, bi sắt, cầu mây, bắn súng, bóng bàn, taekwondo...

Hy vọng giành huy chương vàng được dồn vào những gương mặt đã thành danh như Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ), Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh), Dương Thúy Vi (wushu), Vũ Thành An (đấu kiếm), Hà Thị Nguyên (taekwondo), Lộc Thị Đào, Nguyễn Tiến Cương (bắn cung), Lê Nghĩa (bắn súng)…

Theo ông Phan Anh Tú, trong bối cảnh bị "mất" một số nội dung thế mạnh, thể thao Hà Nội đầu tư mạnh vào những môn có thể giành huy chương vàng. Các vận động viên hàng đầu của wushu, điền kinh, bóng bàn, đấu kiếm, pencak silat… được tạo điều kiện tập huấn, thi đấu quốc tế nhằm hoàn thành mục tiêu tranh huy chương. Những mục tiêu dài hơi như ASIAD năm 2018 và Olympic 2020 cũng đã được tính toán cụ thể và màn thể hiện của các vận động viên được đầu tư cho ASIAD 2018 và Olympic 2020 quan trọng không kém việc giành huy chương SEA Games 29.

Khó khăn khách quan khiến mục tiêu tại SEA Games có thể không thành hiện thực. Điều quan trọng là các vận động viên cần tận dụng tối đa cơ hội tham gia đấu trường khu vực để hướng tới những mục tiêu lớn hơn, xa hơn.

Thể thao Hà Nội mong tái lập thành tích như ở SEA Games 28

Tại SEA Games 28 - năm 2015 diễn ra tại Singapore, đoàn thể thao Việt Nam giành được 186 huy chương (73 huy chương vàng, 53 huy chương bạc, 60 huy chương đồng). Trong số này, các vận động viên Hà Nội đóng góp 68 huy chương (25 huy chương vàng, 18 huy chương bạc, 25 huy chương đồng) - bằng 34,5% tổng số huy chương của đoàn thể thao Việt Nam. Đến SEA Games 29, do gặp bất lợi về nội dung thi đấu, thể thao Hà Nội chỉ đặt mục tiêu tái lập thành tích nói trên.

SEA Games 29 năm 2017 sẽ diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 19-8 đến 30-8-2017.

Minh An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/SEAGames/875389/giu-vung-vi-the-huong-toi-muc-tieu-lon