Giữ vững thành quả để nâng hạng chuyển đổi số

Thái Nguyên là địa phương được đánh giá cao trong thực hiện Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, bộ, ngành (DTI), với vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đoàn công tác của tỉnh Bình Phước tham quan Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thái Nguyên.

Đoàn công tác của tỉnh Bình Phước tham quan Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thái Nguyên.

Hạ tầng số đi trước

Xác định yếu tố hạ tầng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả và sự bền vững của CĐS, tỉnh Thái Nguyên ưu tiên đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) và hạ tầng trung tâm dữ liệu, các nền tảng ứng dụng.

Trên cơ sở định hướng này, tỉnh quan tâm mở rộng mạng lưới viễn thông di động, Internet băng rộng di động, Internet cáp quang băng rộng tới các khu vực vùng sâu, xa, vùng “lõm” thông tin. Song song với đó, Thái Nguyên quan tâm phát triển mạng nội bộ, mạng truyền số liệu chuyên dùng, các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh, cấp huyện…

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, gần 100% các xóm trên địa bàn tỉnh đều được kết nối Internet băng thông rộng qua hạ tầng mạng lưới cáp quang, với tốc độ tải về trung bình đạt 82Mbps (tăng 30% so với năm 2021 và cao hơn mức trung bình toàn quốc). 100% các cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính của tỉnh có mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tại 100% các cơ quan, đơn vị hành chính...

Toàn tỉnh hiện có 86% người dân sử dụng các dịch vụ Internet, với trên 1,1 triệu thuê bao Internet băng thông rộng di động, 251 nghìn thuê bao Internet băng thông rộng cố định (tăng 38% so với năm 2020); 1,3 triệu người dân sử dụng điện thoại, chiếm 95% dân số. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt trên 1,7 nghìn tỷ đồng (năm 2022)…

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra việc triển khai mô hình chợ 4.0 trên địa bàn huyện Võ Nhai.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra việc triển khai mô hình chợ 4.0 trên địa bàn huyện Võ Nhai.

Hệ thống thông tin được triển khai gồm: Cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin của các sở, ban, ngành, địa phương; Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh; hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; phần mềm quản lý văn bản và điều hành; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; ứng dụng Thái Nguyên ID, C-ThaiNguyen…

Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa cấp tỉnh được triển khai, kết nối liên thông đến tất cả các huyện, thành phố, 178 xã, phường, thị trấn và kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia…

Trên cơ sở hạ tầng số phát triển đồng bộ, Thái Nguyên đẩy mạnh CĐS trên cả 3 trục: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Điều này được phản ánh rõ nét qua kết quả xếp hạng đánh giá mức độ CĐS (DTI) năm 2022 của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo đó, với điểm số DTI đạt 0,6469 (tăng 0,1536 điểm so với năm 2021), năm 2022, Thái Nguyên giữ vững vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng CĐS ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai) hướng dẫn bà con người dân tộc Dao tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến.

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai) hướng dẫn bà con người dân tộc Dao tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến.

Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được kết nối thông suốt đến 100% các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Toàn tỉnh đã cấp trên 1 triệu căn cước công dân gắn chip, đạt tỷ lệ 99%.

Thái Nguyên đã hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống ở cả 3 cấp; cung cấp tích hợp 100% thủ tục hành chính toàn trình gồm 760 thủ tục lên Cổng dịch vụ công Quốc gia; 87% đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh đăng ký Sổ tay đảng viên điện tử; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã tiếp nhận khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 4 triệu văn bản điện tử được trao đổi giữa các đơn vị trên hệ thống, ước tính tiết kiệm khoảng hơn 15 tỷ đồng; hơn 300 cuộc họp trực tuyến đã được thực hiện.

Về phát triển đô thị thông minh, Thái Nguyên tiếp tục triển khai thí điểm IOC của tỉnh và 2 thành phố Sông Công, Phổ Yên; ứng dụng công dân số C-ThaiNguyen đã phát huy hiệu quả, vai trò là nền tảng kết nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp, với hơn 75 nghìn người đăng ký…

Năm 2022, 324 doanh nghiệp số tại Thái Nguyên đã đóng góp giá trị kinh tế đạt 26 tỷ USD, đứng top đầu cả nước.

Trong lĩnh vực kinh tế số, toàn tỉnh đã phát triển được 324 doanh nghiệp số; triển khai thành công hóa đơn điện tử cho trên 9,3 nghìn tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh (đạt tỷ lệ 100%). Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đang triển khai dịch vụ Mobile Money đến gần 435 nghìn khách hàng, với trên 9,3 nghìn điểm chấp nhận thanh toán; sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên đã có hơn 2,6 nghìn sản phẩm được cập nhật và được tích hợp trên phần mềm C-ThaiNguyen; gần 190 nghìn hộ sản xuất được tạo tài khoản, với 1,9 nghìn sản phẩm nông nghiệp được chào bán trên sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ sò…

Trong lĩnh vực xã hội số, Thái Nguyên đã triển khai nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID, hỗ trợ công dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ số phục vụ cuộc sống như dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ việc làm, dịch vụ nhà ở… thu hút trên 74,5 nghìn lượt cài đặt, gần 3 nghìn người đăng ký. Thái Nguyên cũng thành lập 2.255 tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số; xây dựng Hệ thống du lịch thông minh; số hóa 16 điểm di tích tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa.

Sau hơn 1 năm triển khai, toàn tỉnh đã triển khai được 107 chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt. Thái Nguyên cũng đã vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ trên 4,7 nghìn máy tính bảng, thiết bị học trực tuyến hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo…

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Sau hơn 2 năm đẩy mạnh CĐS, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có những bước tiến quan trọng trong công tác CĐS, khẳng định vị thế là top các tỉnh dẫn đầu trong lĩnh vực này trên toàn quốc.

Kết quả đạt được cũng là điều kiện để Thái Nguyên tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 phát triển cáp quang băng rộng đến 100% các xóm, phủ sóng 5G tại 100% các khu trung tâm hành chính cấp xã, 80% hộ gia đình có Internet cáp quang, tốc độ kết nối băng rộng di động đạt 100Mbps, tốc độ kết nối băng rộng cố định đạt 200Mbps, tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 70%...

Riêng năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tỉnh đã xây dựng và triển khai hạ tầng viễn thông, Internet băng rộng đến 19 xóm (10 xóm được triển khai hạ tầng thông tin di động băng rộng và 9 xóm được triển khai hạ tầng cố định băng rộng); sắp xếp, chỉnh trang 18 tuyến cáp, với tổng chiều dài gần 42km. Tỉnh cũng hoàn thành triển khai hạ tầng kết nối, giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng đối với 36 kênh cấp tỉnh, huyện và 142/178 kênh cấp xã…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202308/giu-vung-thanh-qua-de-nang-hang-chuyen-doi-so-da649d7/