Giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế

Năm 2023 đã qua 3/4 chặng đường, trong 9 tháng qua, tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này cho thấy, những giải pháp phục hồi kinh tế của tỉnh đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn nhiều tồn tại và khó khăn phía trước, do đó, tỉnh cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp căn cơ hơn nữa, nhất là quan tâm giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế, làm động lực quan trọng hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ cả năm.

Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên).

Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hộicó những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen song nhờ dự đoán đúng, trúng ngay từ cuối năm 2022 với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn cùng sự nỗ lực, cố gắng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực, nổi bật. Trong đó, đặc biệt là đã giữ vững sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, giữ vững ý chí và hành động, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kỷ luật, kỷ cương, nhất là sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; giữ vững sự ổn định kinh tế - xã hội; nhịp độ phát triển của các ngành kinh tế chủ lực như than, điện, dịch vụ, du lịch…

Nổi bật tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng khoảng 9,94%, cao hơn 0,31 điểm % so với Kịch bản tăng trưởng, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 9,08%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,19; khu vực dịch vụ ước tăng 12,76%... Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu du lịch đạt 26.460 tỷ đồng, tăng 34,8%. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn đạt 3,1 tỷ USD, tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2022. Thu hút vốn đầu tư trong nước, ngoài ngân sách đạt 45.372,6 tỷ đồng (tăng 5,5% so với kế hoạch), tăng 33,8% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI ước đạt 853,93 triệu USD, đạt 85,4% kế hoạch.

Tiếp tục phát huy những nỗ lực và kết quả trên, trong quý IV, tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%, đóng góp thiết thực để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 11% năm. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời điểm này, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm. Đặc biệt quyết tâmgiữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế, nhất làphát huy tối đa vai trò trụ cột của khu vực công nghiệp - xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng các sản phẩm; bảo đảm cung cấp đầy đủ, ổn định điện trong các KCN, CCN; tạo điều kiện tốt nhất, tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc cho ngành Than, ngành Điện để tận dụng các cơ hội thị trường tăng tối đa sản lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng và tăng thu ngân sách (phấn đấu sản lượng than quý IV đạt trên 11,7 triệu tấn, cả năm đạt 45,2 triệu tấn; sản lượng điện quý IV đạt trên 9,05 tỷ Kwh, cả năm đạt 37,66 tỷ Kwh); đảm bảo cung ứng đủ nguồn than cho sản xuất điện, không để thiếu than cho sản xuất điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục.

Đoàn khách du lịch người Ấn Độ và người Hồi giáo (Ha Lal) tới thăm Quảng Ninh tháng 8-2023.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình, dự án đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Rà soát kỹ lưỡng từng dự án đủ điều kiện khởi công, dự án còn vướng mắc về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của tỉnh, vướng mắc về mặt bằng thi công, mỏ đất san lấp, đường công vụ, bãi tập kết... theo từng địa bàn, ưu tiên những dự án sản xuất kinh doanh, dự án động lực để chỉ đạo tháo gỡ với lộ trình cụ thể; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm ngoài ngân sách.

Đối với lĩnh vực dịch vụ, du lịch, tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược đã đi vào hoạt động, tăng mức chi tiêu và doanh thu du lịch. Rà soát, đánh giá tổng thể tất cả các quy hoạch, đề án, dự án du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; tập trung thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ, logistics vào Khu Kinh tế Vân Đồn, Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái. Thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Móng Cái, Cô Tô…, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Vân Đồn, Cô Tô, sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trên bờ, dưới vịnh Hạ Long, Bái Tử Long… Phát triển các sân golf phục vụ thể thao và du lịch theo quy hoạch đảm bảo khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất nguồn lực đất đai.

Cùng với đó, tiếp tục tập trung phát triển kinh tế biển, dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức, dịch vụ tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu... Tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía bắc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 492/CĐ-TTg ngày 31-5-2023.

Lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ đầu tiên của Công ty Than Uông Bí đang sản xuất bình quân 1.000 tấn than/ngày. Ảnh: Hoàng Yến

Các ngành, đơn vị liên quan cũng cần chủ động bám sát các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ xét công nhận các địa phương trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Rà soát và hoàn thành quy hoạch trồng rừng gỗ lớn, phấn đấu thực hiện hiệu quả các mục tiêu theo Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28-11-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn phục vụ việc di dời các lồng bè nuôi thủy sản và công tác quản lý nhà nước theo quy định pháp luật; kiên quyết cưỡng chế di dời các lồng bè nuôi thủy sản trái phép trên địa bàn vào vùng đã được quy hoạch vùng nuôi lồng bè thủy sản theo đúng tiến độ chỉ đạo của tỉnh.

Có thể thấy, với tốc độ tăng trưởng tích cực và toàn diện trong mọi lĩnh vực trong 9 tháng đầu năm cùng những giải pháp căn cơ, cụ thể đang được tỉnh quyết liệt triển khai, chắc chắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 11% năm 2023 Quảng Ninh sẽ hoàn thành.

Hoài Anh (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/150684/giu-vung-suc-san-xuat-cua-cac-tru-cot-kinh-te