Giữ vững niềm tin

Số tiền cơ quan điều tra thông tin liên quan đến các 'chuyến bay giải cứu' trong đợt dịch Covid-19 vừa qua được cơ quan truyền thông công bố những ngày gần đây khiến cho không ít người phải choáng ngợp.

Đó là những con số không hề nhỏ và ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Nhiều người choáng ngợp bởi lẽ chắc chắn không ít người nghĩ điều này sẽ rất khó có thể xảy ra trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn, cuộc sống người dân đảo lộn hoàn toàn và hơn hết hàng chục ngàn người phải ra đi.

Nhưng lạ thay nó vẫn diễn ra theo một mắc xích liên hoàn và chặt chẽ. Nói đúng hơn điều này được xem là tội ác đối với đồng bào trong lúc nguy khó. Pháp luật đã bị “bẻ cong” theo những ý đồ cá nhân và như thế hàng loạt cán bộ phải vào vòng lao lý.

"Chuyến bay giải cứu" trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Ảnh: BNG.

"Chuyến bay giải cứu" trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Ảnh: BNG.

Nhưng lẽ đương nhiên, hiện tượng trục lợi thông qua đại dịch Covid-19 vừa qua chắc chắn chưa dừng lại, bởi còn nằm trong vụ Việt Á liên quan đến bộ kist test và không ít những vụ việc khác. Nhìn một cách rộng hơn, hiện tượng trục lợi trong giai đoạn khó khăn diễn ra không phải là hiếm nhưng chắc chắn rằng giai đoạn cao điểm lại rơi vào đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Những hệ lụy do đại dịch để lại không biết bao giờ được xóa nhòa, nhưng hơn hết những vụ án tham nhũng vừa được phanh phui sẽ làm xoáy mòn niềm tin của người dân vào một bộ phận những người cố tình kiếm lợi trên lưng người khó.

Bởi trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, nhìn những dòng người từ TP. Hồ Chí Minh đổ về các tỉnh, thành mới cảm thấy xót xa. Đó là những phận người đi tìm nơi để sinh kế. Đó là những đợt di cư để tìm những tia hy vọng mới. Đó cũng là cách để mưu sinh, chúng ta mới cảm nhận được rằng con đường sinh kế của hàng triệu người cũng còn lắm chông chênh.

Nhìn một cách rộng hơn, những vụ tham nhũng, tiêu cực đã và đang được phanh phui gần đây cho thấy mức độ của các vụ án ngày càng quy mô và tinh vi hơn. Tham nhũng, tiêu cực hiện nay diễn ra trên nhiều lĩnh vực, với nhiều mức độ khác nhau. Điều này cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng khó khăn.

Tác phẩm Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ ra những thách thức gây ra từ tham nhũng, tiêu cực: Bước vào thời kỳ đổi mới, trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng bộc lộ rõ nét, diễn biến phức tạp, Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ: Tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước” (Đại hội VI); “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước” (Đại hội XI); “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước” (Đại hội XII).

Đặc biệt, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (tháng 1-1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta” và đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” (Đại hội XIII). Điều đó cho thấy, chúng ta chưa bao giờ chủ quan; trái lại, luôn luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất.

TT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202304/giu-vung-niem-tin-975849/