Giữ tàu lặn của Mỹ, TQ muốn lập ADIZ ở Biển Đông bất chấp luật pháp?

Chuyên gia Mỹ cho rằng Bắc Kinh thu tàu lặn của Washington ở Biển Đông nhằm “thử” ông Trump và có thể là tín hiệu muốn lập ADIZ một cách phi pháp.

Ngày 16/12, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay Trung Quốc đã thu giữ bất hợp pháp một tàu lặn tự hành của Mỹ trong khi thiết bị trên hoạt động ở vùng biển quốc tế tại Biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh trả lại ngay lập tức.

Một tàu lặn tự hành của Mỹ.

Ông Harry Kazianis, Giám đốc Nghiên cứu Quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ cho rằng đây là động thái leo thang và đã được lên kế hoạch để chứng tỏ “Bắc Kinh không xem nhẹ các vấn đề sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục “thách thức” ông Trump sau khi ông vào Nhà Trắng vào tháng 1 tới, giống như những gì Bắc Kinh từng thực hiện trước đây.

Năm 2001, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng bị Trung Quốc thử thách ở Biển Đông chỉ trong 77 ngày sau khi ông nhậm chức khi chiếc chiến đấu cơ của Bắc Kinh đâm vào một máy bay trinh sát của Mỹ, thường được gọi là Sự cố EP-3, chuyên gia Kazianis cho biết.

Cũng theo ông Kazianis, thậm chí, Tổng thống Barack Obama còn bị Bắc Kinh thử chỉ trong vòng 44 ngày sau khi ông nhận nhiệm sở bằng cách điều tàu chiến tới bao vây một chiếc tàu của hải quân Mỹ.

Theo vị chuyên gia này, có thể Trung Quốc sẽ ngang ngược tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông giống như Bắc Kinh đã từng làm ở Biển Hoa Đông vào năm 2013, cũng như một cách để thử thách ông Trump trong vòng 6 tháng đầu tiên sau khi ông nhậm chức.

Hành động phi pháp trên của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng với cả Mỹ và các bên liên quan tới tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Vì vậy, nhiều khả năng ông Trump sẽ phải đối phó với những tình huống tương tự, đặc biệt là việc Trung Quốc có ý định lập ADIZ một cách phi pháp ở Biển Đông.

Cuối tháng trước, VOA cho biết các học giả Trung Quốc đã lớn tiếng cảnh báo rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng thiết lập ADIZ trên Biển Đông, một động thái đơn phương xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác.

Các chuyên gia quốc tế nhận định ADIZ sẽ khiến khuấy động căng thẳng trong khu vực nhưng cũng không thể ngăn cản được tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Mục đích của Trung Quốc là kiểm soát hoạt động của tàu thuyền và máy bay nước ngoài qua vùng biển này.

Việc làm trên của Bắc Kinh là coi thường pháp luật, thể hiện ý định phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA hồi tháng 7, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của nước này ở Biển Đông.

Từ năm 2010, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 95% lãnh thổ ở Biển Đông và tiến hành chiếm đóng, quân sự hóa trái phép ở nhiều cấu trúc đảo, đá thuộc chủ quyền Việt Nam.

Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang ngược tuyên bố có quyền lập ADIZ chỉ dựa vào cái mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền và lợi ích quốc gia ở Biển Đông”.

Tàu khu trục USS Decatur của Mỹ trên Biển Đông hồi tháng 10/2016.

Những cố vấn của Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc đã vin vào việc Mỹ tiến hành 700 cuộc tuần tra trong năm 2015 để ngang nhiên khẳng định Bắc Kinh đã sẵn sàng thiết lập vùng ADIZ nếu Washington không chịu ngừng những hoạt động trên.

Trước đó, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự ngành chính trị học của Đại học New South Wales (Australia) nhận định Trung Quốc có thể sẽ thiết lập một vùng nhận dạng phòng không có lắp đặt radar ở khu vực Scarborough phía tây Philippines nhằm tạo thành góc thứ 3 trong tam giác kết nối các chuỗi đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thực tế cho thấy, những tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc thường chỉ có tính chất "hăm dọa" mỗi khi Bắc Kinh muốn thể hiện sự phản đối trước những tuyên bố hoặc động thái bất lợi từ bên ngoài.

Trước đây, khi thiết lập ADIZ ở biển hoa Đông, Trung Quốc từng yêu cầu máy bay vào khu vực này phải chấp hành luật pháp của Trung Quốc, nếu không sẽ phải đối mặt với những cái mà Bắc Kinh gọi là “biện pháp bảo vệ khẩn cấp”. Phía Mỹ sau đó đã đưa 2 máy bay ném bom B-52 từ Guam bay qua vùng biển nói trên nhằm kiểm tra nhưng sau đó Washington cho biết họ không ghi nhận được “phản ứng rõ ràng từ phía Trung Quốc”.

Mỹ khẳng định sẽ không công nhận một "vùng cấm bay" dựa trên nền tảng tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, giống như Washington từng không công nhận ADIZ trên biển Hoa Đông.

Tới thời gian gần đây, các chuyên gia quốc phòng càng lo ngại rằng Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục quân sự hóa Biển Đông thông qua hành động bồi đắp phi pháp các đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo và xây dựng những công trình trái phép trên đó.

Mới đây nhất, trong tuần qua, những hình ảnh vệ tinh của tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) cho thấy Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai trái phép nhiều loại vũ khí, bao gồm cả hệ thống chống tên lửa và chống máy bay trên 7 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp phi pháp.

Hành động đơn phương này có thể đe dọa an ninh khu vực, cũng như kéo theo các bên liên quan phải nhập cuộc.

Trước những động thái xâm phạm chủ quyền và gây leo thang căng thẳng trên Biển Đông, phía Việt Nam luôn duy trì chủ trương nhất quán: Phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, phản đối các hoạt động quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/giu-tau-lan-cua-my-tq-muon-lap-adiz-o-bien-dong-bat-chap-luat-phap-a309637.html