Giữ sức bền khi trời nắng nóng

Trời nắng nóng khiến các hoạt động tập luyện ngoài trời như chạy bộ trở nên thử thách và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cần áp dụng các biện pháp an toàn

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc, Khoa Y học thể thao Viện Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết khi thời tiết nắng nóng, người tập luyện ngoài trời gặp nhiều khó khăn hơn.

Lắng nghe cơ thể khi tập luyện ngoài trời

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc, thực tế đã có nhiều trường hợp say nắng, đột quỵ do tập luyện dưới thời tiết nóng bức. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ khi chạy bộ ngoài trời, như: mất nước, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.

Bác sĩ Lộc cho biết trong quá trình chạy, nhất là chạy đường dài, cơ thể sẽ bị mất nước. Do cơ thể bị mất nước nên máu có xu hướng đặc quánh lại, làm tăng nguy cơ tạo cục máu đông và gây ra đột quỵ.

Chạy bộ cũng sẽ khiến huyết áp của người chạy tăng lên. Vì vậy, người có bệnh nền tăng huyết áp khi tham gia chạy cũng gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Cần khởi động kỹ và thả lỏng trước và sau khi chạy bộ để cơ thể thích nghi, tránh chấn thương. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Với xơ vữa động mạch, việc chạy bộ có thể giúp làm giảm lượng choresterol gây ra mảng xơ vữa. Tuy nhiên, một số trường hợp xơ vữa động mạch khi chạy bộ làm tăng lưu lượng máu chảy trong lòng mạch, khiến các mảng xơ vữa bị đánh bật ra và có thể đi đến mạch máu não, gây ra đột quỵ.

Bác sĩ Lộc nhấn mạnh người tập luyện ngoài trời cần lắng nghe cơ thể, không nên xem thường các dấu hiệu trước và sau khi chạy, như: mệt mỏi kéo dài nhiều ngày, chóng mặt, hoa mắt, đau cơ bắp không thuyên giảm sau 48 giờ, tức ngực… Nếu xuất hiện các triệu chứng này, cần đến bệnh viện thăm khám trước khi tham gia các hoạt động thể chất tiếp theo.

Đáng lưu ý, một số trường hợp cần hạn chế tập luyện, trong đó có chạy bộ khi trời nắng nóng, là người lớn tuổi và trẻ em. Bởi lẽ, khả năng thích nghi với thời tiết và độ mất nước của cơ thể những người này thường kém. Do đó, người lớn tuổi và trẻ em cần hạn chế chạy bộ trong thời điểm nắng nóng.

Tập luyện sao cho an toàn?

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc, đến nay, y khoa vẫn chưa có thống nhất chung về việc đánh giá mức độ an toàn khi chạy bộ. Để bảo vệ sức khỏe khi chạy bộ trong thời tiết nắng nóng, cần thực hiện các biện pháp an toàn. Chẳng hạn, bắt đầu từ từ, chọn đường chạy phẳng và bổ sung nước điện giải... là những biện pháp cần thiết. Khởi động, thả lỏng trước và sau khi chạy cũng giúp cơ thể thích nghi, giảm nguy cơ chấn thương.

Việc khởi động trước khi tập luyện giúp cho nhịp tim tăng một cách từ từ, có kiểm soát. Thông qua khởi động, tim sẽ cho não biết và kích thích tiết ra những hóc-môn để chuẩn bị cho hoạt động thể chất sắp tới.

Việc thả lỏng sau khi chạy bộ sẽ giúp các cơ phục hồi, thải đi những sản phẩm chuyển hóa gây hại. Những sản phẩm này được sinh ra trong quá trình cơ bắp vận động cường độ cao để đáp ứng hoạt động thể chất. Nhờ đào thải được các chất gây hại mà cơ bắp sẽ phục hồi được độ linh hoạt.

Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa II Kiều Xuân Thy, Phó trưởng Cơ sở 3 - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng để duy trì cơ thể khỏe mạnh nhằm hoạt động thể lực, trí óc, cần bổ sung thường xuyên vitamin và khoáng chất, tốt nhất là từ nước khoáng, rau củ quả, trái cây. Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ lượng đạm và các chất dinh dưỡng khác.

"Nhiệt độ máy lạnh ở trong phòng nên cài đặt 25-28 độ C và trước khi ra môi trường nắng nóng, chúng ta nên vận động đôi chút, xoa bóp cơ mặt. Nếu bạn đang ở môi trường nắng nóng và bước vào phòng máy lạnh, hãy bảo đảm cơ thể khô ráo, tránh tiếp xúc ngay với hơi máy lạnh hoặc máy quạt, đặc biệt là vùng đầu - mặt - cổ" - bác sĩ Thy khuyến cáo.

Tránh sốc nhiệt

Bác sĩ Kiều Xuân Thy lưu ý trong mùa nắng nóng, hầu hết các gia đình hoặc công ty, cơ quan đều hoạt động trong môi trường có máy lạnh hay quạt mát. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột từ môi trường máy lạnh ra môi trường bên ngoài sẽ dễ gây sốc nhiệt. Do đó, chúng ta cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giu-suc-ben-khi-troi-nang-nong-196240407200443071.htm