Giữ 'phên dậu' nơi địa đầu Tổ quốc

Vinh dự được giao trọng trách bảo vệ 'phên dậu' nơi địa đầu Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ, BĐBP Quảng Ninh luôn khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của chính quyền và nhân dân địa phương.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ luôn nêu cao tinh thần quyết tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Cột mốc “đặc biệt” - 1378

Chúng tôi có mặt ở cửa sông Bắc Luân (nơi phân định ranh giới biên giới Việt Nam và Trung Quốc) đúng lúc thủy triều đang dâng cao. Do cửa sông rộng nên đứng ở bờ đê, nơi có tấm biển đề “Vành đai biên giới” thuộc khu Trà Mỹ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, không thể thấy được bờ bên kia. Chỉ thấy xa xa, ngoài cửa biển là những con sóng bạc đầu và một số bè nuôi cá.

Trong mênh mông biển nước đó, chợt thấy vững lòng khi nhìn thấy cột mốc 1378 hiên ngang ngay giữa cửa sông Bắc Luân. Gọi “đặc biệt” vì cột mốc này mang 2 “sứ mệnh”: Vừa là cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc; vừa là điểm đầu tiên của đường phân định vịnh Bắc Bộ. Cùng đi với chúng tôi, Đại úy Lê Hồng Nhật, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng kiêm Chốt trưởng chốt số 69, Đồn Biên phòng Trà Cổ nói: Trên khu vực cửa sông Bắc Luân có 3 cột mốc là 1376, 1377 và 1378. Trong đó, 1378 là cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Điểm cuối cùng nơi cửa sông Bắc Luân là giới điểm 62. Giới điểm này là vô hình đối với mắt thường (vì nằm dưới biển) nhưng trên tọa độ GPS, nó luôn hữu hình. Ở bất cứ đâu trên trái đất, cứ truy cập vào GPS là sẽ dễ dàng thấy giới điểm 62.

Để thỏa ước ao được một lần đặt chân tới cột mốc “đặc biệt” này, chúng tôi đã được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của tổ công tác thuộc Đồn Biên phòng Trà Cổ. Một chiếc bobo loại nhỏ và tổ công tác của chốt số 69 đưa chúng tôi từ trong bờ kè ra cột mốc. Khi đặt bước chân lên bậc thang đầu tiên dẫn lên cột mốc 1378, tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sự thiêng liêng của chủ quyền quốc gia. Tôi cố tình đi thật chậm để được tận hưởng nhiều hơn nữa giây phút được đặt chân lên cột mốc “đặc biệt” - 1378. Khi chạm tay vào cột mốc được làm bằng đá hoa cương, giữa bao la nơi cửa sông Bắc Luân, các thành viên trong đoàn đều xúc động. Nơi chúng tôi đang đứng là đất mẹ, chỉ xích qua bên kia một tý thôi là lãnh thổ của nước khác. Cột mốc được xây trên một cái bệ hình trụ tròn cao hơn 10m và có đường kính khoảng 2m. Để thuận tiện cho việc kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, bệ cột mốc được xây thêm bậc thang, nhìn rất chắc chắn.

Đại úy Lê Hồng Nhật nói: Ngày nào chúng tôi cũng đi tuần tra khu vực cửa sông Bắc Luân. Mỗi lần bobo chạy ngang qua, nếu không lên kiểm tra, chúng tôi vẫn làm động tác chào cột mốc. Vì không chỉ là mốc quốc giới mà nó còn là biểu tượng của chủ quyền quốc gia.

Giữ bình yên nơi địa đầu Tổ quốc

Đang là những ngày cao điểm của lạnh giá, nhiệt độ ngoài trời có khi xuống dưới 10 độ C, nhưng 5 giờ sáng, tại chốt gác bên cạnh bờ kè (thuộc khu Trà Mỹ, phường Trà Cổ, gần cửa sông Bắc Luân), tôi vẫn thấy người lính Biên phòng đang đứng gác. Đó là Thiếu tá Hoàng Trọng Hiến, Đài trưởng Đài quan sát Tràng Vĩ, Đồn Biên phòng Trà Cổ. Anh Hiến cho biết, chốt gác này thành lập khi dịch bệnh bùng phát nhằm kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép. Chỉ tay ra hướng cửa sông Bắc Luân, anh Hiến nói: Sông Bắc Luân có chỗ rộng gần 6km, về mùa mưa bão, việc kiểm tra người, phương tiện qua lại, vào ra cửa biển gặp rất nhiều khó khăn. Để quản lý được khu vực biên giới, đơn vị phải triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, chú trọng công tác nắm tình hình và biết dựa vào sức mạnh của nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ bảo vệ cột mốc 1378. Ảnh: Đăng Bảy

Cách đó không xa, nơi khu vực có mốc giới ghi dòng chữ “Từ Trà Cổ đến mũi Cà Mau 3260km”, nhiều người dân đạp xe hoặc đi bộ, khung cảnh rất bình yên. Trò chuyện với tôi ngay tấm biển “Vành đai biên giới”, ông Nguyễn Công Được, ngoài 70 tuổi, trú tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ cho biết, gia đình ông đã có 3 đời sống ở Trà Cổ - nơi địa đầu Tổ quốc. Trước đây, ông sống bằng nghề vận tải, sau này nghỉ thì chuyển sang sinh sống bằng nghề biển. Ngày nào ông cũng đạp xe ra đây, chỉ trừ những hôm mưa gió, cả đi lẫn về là 12km. Tôi hỏi ông có biết đây là khu vực biên giới không, ông Được cười và nói: “Không chỉ tôi mà từ trước đến nay, người dân ở đây đều gắn bó mật thiết với Đồn Biên phòng Trà Cổ. Đâu là khu vực biên giới, đâu là vành đai biên giới, chúng tôi đều biết rõ. Trước đây, tôi hay chống bè đi vớt sứa ngoài cửa biển, thấy có tình hình gì khả nghi, tôi đều báo cho đồn Biên phòng” - ông Được chia sẻ.

Đồn Biên phòng Trà Cổ quản lý, bảo vệ đường biên giới dài 12,5km (trong đó có 6,8km đường biên giới trên biển). Đây cũng là đơn vị duy nhất của BĐBP Quảng Ninh và là 1 trong 2 đơn vị của BĐBP cả nước quản lý, bảo vệ tuyến biên giới cả trên biển và trên đất liền (đơn vị còn lại là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, BĐBP Kiên Giang). Ở 2 đơn vị này còn có thêm một điểm chung, đó là đóng quân ở điểm cuối tuyến biên giới đất liền. Nếu trên địa bàn Đồn Biên phòng Trà Cổ có cột mốc 1378 - điểm cuối của tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thì Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên có cột mốc 314 - điểm cuối tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.

Trung tá Lê Anh Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trà Cổ cho biết, quản lý địa bàn phức tạp, có cả biên giới trên biển và trên đất liền, đơn vị phải triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, tăng cường tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Đồng thời giám sát chặt chẽ các hoạt động trên biên giới, vùng biển, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Trong năm 2022, đơn vị đã tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo vệ biên giới được 2.130 lượt với 10.650 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; chủ trì và phối hợp bắt giữ, xử lý 53 vụ/46 đối tượng/53 phương tiện vi phạm quy chế biên giới, buôn lậu…

Tuy vẫn còn đó những khó khăn, gian khổ, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ luôn quyết tâm vượt qua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, giữ bình yên trên địa bàn biên giới, xứng đáng với sự tin cậy của chính quyền và nhân dân trên địa bàn…

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-phen-dau-noi-dia-dau-to-quoc-post458123.html