Giữ ổn định lãi suất là quan trọng nhất

Theo đại diện doanh nghiệp, để đẩy nhanh tăng trưởng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; quan trọng nhất là ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Nguồn: ITN

Lãi suất giảm nhưng tiếp cận vốn khó

“Nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, chúng ta có thể mất đi ngành sợi”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường đưa ra cảnh báo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, diễn ra sáng 14.3.

Lo ngại của ông Trường là có căn cứ khi xét trong mối tương quan trong chính chuỗi ngành hàng dệt may. Cụ thể, nếu như các doanh nghiệp dệt may không khó tiếp cận tín dụng khi có đơn hàng thì suốt 18 tháng qua, ngành sản xuất nguyên liệu rất khó vay vốn ngân hàng. Hiện tất cả ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản bảo đảm 100%, hoặc áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9.

Theo ông Trường, mỗi năm, các công ty trong ngành sợi phải trả ngân hàng khoảng 300 triệu USD. Việc giảm hạn mức tín dụng có thể an toàn về ngắn hạn, nhưng lại mất an toàn về vốn dài hạn vì không sản xuất sẽ không có tiền trả vay dài hạn trước đây. Thực tế, lãi suất có giảm nhưng để tiếp cận giải ngân là rất khó.

Hai tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng giảm 0,72% so với cuối năm ngoái. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú xác nhận, sự suy giảm này ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, ngoại trừ bất động sản và chứng khoán. Ngoài yếu tố mang tính thời vụ - nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và hạ nhiệt dịp đầu năm, thì còn có yếu tố từ cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng, thiếu đơn hàng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi…

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng giảm còn xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan. Ví dụ, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng; một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng…

Nỗ lực của riêng ngân hàng là không đủ!

Thực tế, chính sách tiền tệ, tín dụng đã đóng vai trò quan trọng để giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, qua đó đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Phú Cường dẫn chứng, 3 đơn vị là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai từng âm vốn chủ sở hữu, thua lỗ nhiều năm, song nhờ hỗ trợ của ngân hàng thương mại đã giúp các đơn vị này hoạt động ổn định, duy trì được dòng tiền. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã tái cơ cấu các khoản vay của 3 đơn vị này thông qua hạ lãi suất vay từ 11% về 8,55%, đồng thời kéo dài thời gian trả nợ thêm và xóa lãi phạt trên lãi chậm trả. Nhờ đó, năm 2022, tổng lợi nhuận của 3 đơn vị đạt được 2.700 tỷ, năm 2023 đạt 1.300 tỷ và riêng 2 tháng đầu năm 2024 nay công suất huy động sản xuất là hơn 90% công suất thiết kế; Đạm Hà Bắc dương vốn chủ sở hữu 600 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nền kinh tế dự báo tiếp tục có những khó khăn, thách thức khó lường trong năm nay, các doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp tục phát huy hỗ trợ từ chính sách tiền tệ là rất quan trọng và cần thiết.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Cùng với đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Hiện nay, chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước khá lớn (từ 4 - 5%). Nếu thu hẹp khoảng cách sẽ giúp các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, ông Trường nói.

Dẫn thực tế dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn hiện là 38.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1.500 tỷ USD, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho rằng, nếu có biến động và rủi ro tỷ giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro theo biến động của tỷ giá. Rất may, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động tỷ giá.

Chính sách tiền tệ hợp lý và tối ưu sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy các chỉ tiêu, bao gồm cả sản xuất kinh doanh và đầu tư, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn từ thị trường tín dụng như Petro Việt Nam. Do vậy, thời gian tới, mong Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có chính sách tiền tệ, tín dụng ổn định, trong đó có ổn định về tỷ giá, ông Hùng đề nghị.

Nỗ lực riêng của ngành ngân hàng là chưa đủ, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng nói. Bởi lẽ dòng vốn tín dụng ngân hàng chỉ là dòng vốn bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo ông, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương phối hợp với ngành ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như xúc tiến thương mại, hoàn thuế giá trị gia tăng, đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng. Cùng với đó, cần tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, đặc biệt về đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất kinh doanh theo tiến độ, đơn giản hóa quy trình đầu tư, thủ tục hành chính.

Ông Hùng cũng đề xuất, Chính phủ cũng cần xem xét cho phép ngân hàng có vốn nhà nước tăng vốn điều lệ, lợi nhuận và điều lệ để lại của các ngân hàng để giúp các tổ chức tín dụng tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp…

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/giu-on-dinh-lai-suat-la-quan-trong-nhat-i362984/