Giữ ổn định chính sách thuế để nhân dân, doanh nghiệp bớt khó khăn

Chiều 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Tại đây, UBTVQH chưa nhất trí với đề nghị điều chỉnh tăng khung thuế bảo vệ môi trường.

Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường với nhiều đối tượng chịu thuế. Trong đó, tính thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng điều chỉnh từ 1.000-4.000 đồng/lít lên từ 3.000-8.000 đồng/lít. Điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường với dung dịch HCFC từ 1.000-5.000 đồng/kg lên 4.000-20.000 đồng/kg. Điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông từ 30.000-50.000 đồng/kg lên 40.000-200.000 đồng/kg.

Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở khoa học để đề xuất nâng mức trần khung đối với xăng lên gấp hai lần như dự luật; đánh giá tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, tăng trưởng kinh tế và tác động đến việc định hướng hạn chế sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường là xăng, dầu như mục tiêu của thuế bảo vệ môi trường (đặc biệt đánh giá tác động đến giá vận tải, giá hàng hóa của các mặt hàng thiết yếu...). Đồng thời, việc điều chỉnh tăng phải phân kỳ, có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong tình hình hiện nay thì chưa nên tăng thuế suất. Thủ tướng Chính phủ đang mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo không khí phấn khởi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Trong khi đó, khung thuế hiện hành vẫn chưa được sử dụng hết, xăng dầu cũng không phải là loại sản phẩm gây ô nhiễm nhất. Đánh thuế vào túi ni lông là cần thiết và là xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, nhấn mạnh “mới chưa đầy hai năm đã tính tăng thuế” là chưa nên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ ổn định chính sách thuế để nhân dân, doanh nghiệp bớt khó khăn, phát triển kinh tế.

Về vấn đề giải quyết khó khăn cho ngân sách, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, cần quản lý thu tốt hơn, giải quyết nợ đọng thuế, trốn thuế, lậu thuế, gian lận thương mại. Hơn nữa, nếu thực hiện chính sách thuế ổn định sẽ giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển, từ đó thúc đẩy thu ngân sách Nhà nước. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo chuẩn bị lại dự án luật cho kỹ để tạo sự đồng thuận cao hơn. Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội được UBTVQH nhất trí cao.

* Trước đó, đầu giờ sáng, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại. Tại nghị định này, Chính phủ đề nghị: “Số tiền phí trong lĩnh vực ngoại giao thực thu được để lại một phần để bù đắp chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, phục vụ công tác thu phí theo quy định; chi hỗ trợ sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, đổi mới thiết bị, hiện đại hóa công nghệ thông tin; chi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và ngoại ngữ; chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”.

Kết quả thảo luận cho thấy, các ủy viên UBTVQH cơ bản đều đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc để lại một phần tiền phí thực thu trong lĩnh vực ngoại giao để bù đắp chi phí hoạt động cho các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và chi bổ sung cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Sau đó, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Ngày 14-9, UBTVQH tiếp tục làm việc.

THÙY LÂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/giu-on-dinh-chinh-sach-thue-de-nhan-dan-doanh-nghiep-bot-kho-khan-517710