Giữ nhịp đờn ca

Đờn ca tài tử (ĐCTT) gắn liền với đời sống của người dân Nam bộ. Là người nặng lòng với nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Hồng Cúc luôn hết mình trong vai trò người truyền lửa đam mê đến với các bạn trẻ, góp phần giữ gìn, phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống.

Cứ vào tối thứ hai, thứ sáu hàng tuần, đi ngang cung đường Nguyễn Huệ, phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An mọi người đều nghe thấy tiếng đờn ca ngọt ngào, sâu lắng ngân vang từ trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Từ là từ phu tướng

Bảo kiếm sắc phong (phán)

lên đàng

Vào ra luống trông tin chàng

Năm canh mơ màng

Em luống trông tin chàng

Ôi gan vàng quặn đau í a…

(trích Dạ cổ hoài lang).

Buổi họp mặt đờn ca tài tử tại quán cà phê của Nghệ nhân ưu tú Hồng Cúc

Đây là những buổi học của lớp ĐCTT do NNƯT Hồng Cúc quản lý. Không chỉ tạo sân chơi cho những người đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống, bà còn mở các khóa học trong vòng 3 tháng để tạo điều kiện cho mọi lứa tuổi tiếp cận những điệu đờn, lời ca. Mỗi khóa học có khoảng 20 học viên tham gia với đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề như ca sĩ, MC, nhiếp ảnh, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, cán bộ hưu trí,...

Lớp học kéo dài từ 18 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút. Trong vòng 2 giờ, các học viên lần lượt trình bày bài vọng cổ được học ở các buổi trước. Sau đó, NNƯT Hồng Cúc nhận xét và chỉ ra các điểm tốt, chưa tốt về giọng hát, thanh điệu, cách ngắt nhịp,... để học viên khắc phục, hoàn thiện khả năng.

Chị Thanh Thủy (SN 1985, ngụ xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) là một trong các học viên của lớp học. Mỗi tuần, chị đều cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ các buổi học. Chị Thanh Thủy hiện là MC, ca sĩ tự do. Có sẵn “máu” yêu ĐCTT, chị mày mò, tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật này.

Chị Thanh Thủy chia sẻ: “Tôi biết đến lớp học ĐCTT của NNƯT Hồng Cúc từ lâu nhưng đến năm nay mới có thể tham gia. Cô giáo chỉ dạy chúng tôi rất tận tình. Các bạn, các anh, chị trong lớp học đều hòa đồng, nhiệt tình, mọi người sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau tiến bộ”.

Bên cạnh lớp học về ĐCTT, NNƯT Hồng Cúc còn tạo điểm họp mặt về ĐCTT tại quán cà phê của mình. Theo bà, đây là nơi tụ họp của những người cao tuổi, hưu trí có niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Đến đây, họ không chỉ thỏa lòng mình với những giai điệu trầm bổng mà còn kể cho nhau nghe chuyện đời thường bình dị.

NNƯT Hồng Cúc hiện ngoài 70 tuổi. Bà là hội viên Hội Nhạc sĩ Sân khấu Việt Nam, hội viên Chi hội Sân khấu tỉnh. Năm 2019, bà là một trong những nghệ sĩ của tỉnh được xét công nhận danh hiệu NNƯT. NNƯT Hồng Cúc gắn bó với ĐCTT từ khi mới 13 tuổi. Sau đó, bà có cơ hội tham gia đoàn văn công, biểu diễn phục vụ bộ đội ở tỉnh Bình Dương.

Sau khi lấy chồng, bà chuyển về thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa rồi công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh vào năm 1990. Duyên “nghề giáo” đến với nghệ nhân Hồng Cúc từ năm 2002 khi bà tiếp nhận quản lý một câu lạc bộ về ĐCTT tại phường 2. Năm 2011, bà thành lập câu lạc bộ ĐCTT riêng và hoạt động đến năm 2018. Hiện nay, bà vẫn tiếp tục công việc truyền dạy, lan tỏa niềm đam mê ĐCTT đến mọi thế hệ, lứa tuổi.

NNƯT Hồng Cúc chia sẻ: “Hơn 21 năm gắn bó với nghề giáo, tôi luôn muốn tìm kiếm được những hạt nhân nổi bật về ĐCTT để phát triển phong trào văn nghệ của tỉnh thêm lớn mạnh. Với những người có năng khiếu, đam mê nhưng khó khăn về tài chính, tôi sẵn sàng hỗ trợ, không thu học phí để học viên có thể theo đuổi nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Tôi hy vọng có thể tạo điều kiện để giới trẻ tiếp cận môn nghệ thuật truyền thống này, qua đó góp phần giữ gìn, duy trì nét đẹp văn hóa dân tộc cho mai sau”./.

Thanh Anh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giu-nhip-don-ca-a170685.html