Giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra là hợp lý

Tiếp tục thảo luận tại hội trường, chiều 13/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận về Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tham gia thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông cho rằng: Dự thảo giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện là hợp lý.

 Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận về Luật Thanh tra (sửa đổi)

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận về Luật Thanh tra (sửa đổi)

Theo đại biểu Trần thị Thu Hằng, cơ quan soạn thảo đã tập trung làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan thanh tra. Đây là cơ sở pháp lý tạo bước đổi mới về tổ chức và hoạt động thanh tra; tăng cường tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đặc biệt là kết hợp chức năng thanh tra với phòng, chống tham nhũng; giữa giải quyết khiếu nại, tố cáo với tiếp công dân nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước.

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, theo đại biểu, Dự thảo giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện là hợp lý.

Trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo luật, có ý kiến cho rằng không nên duy trì cơ quan Thanh tra cấp huyện để giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế… Theo đại biểu Trần thị Thu Hằng là không nên vì, vấn đề đặt ra là: Ai sẽ giúp Chủ tịch thực hiện nhiệm vụ thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi thẩm quyền? Chính quyền cấp huyện có một phạm vi quản lý rộng, trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có hệ thống chính quyền cấp dưới, có nhiều đơn vị trực thuộc. Xét về nguyên lý, có quản lý Nhà nước là phải có thanh tra, kiểm tra. Các phòng ban chuyên môn liệu có đủ lực lượng, khả năng chuyên môn và tính khách quan để thay thế cho thanh tra trong việc phát hiện sai phạm, giải quyết đơn thư và đề xuất xử lý? Hơn nữa, nếu bỏ cơ quan thanh tra cấp huyện sẽ kéo theo phải sửa một loạt các văn bản luật như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng…

 Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường, chiều 13/6

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường, chiều 13/6

Đối với hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, dự thảo Luật quy định ở các Bộ, ngoài Thanh tra Bộ, thì còn có Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập trên cơ sở quy định của pháp luật chuyên ngành… Để bảo đảm tinh gọn bộ máy, khắc phục trình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động nội bộ theo ngành, lĩnh vực thì không nên thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Các hoạt động thanh tra trong phạm vi quản lý của Bộ thì giao cho thanh Tra bộ thực hiện. Trừ một số ngành đặc thù thì đã có luật chuyên ngành điều chỉnh.

Tại khoản 2, Điều 27 dự thảo Luật quy định Thanh tra sở do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào quy định của luật chuyên ngành, yêu cầu quản lý trên từng lĩnh vực và biên chế được giao tại địa phương. Đại biểu tán thành với quy định này của dự thảo Luật để tránh thành lập Thanh tra sở một cách tràn lan. Trên thực tế, hiện nay đang áp dụng theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 Luật Thanh tra năm 2010 thì hầu hết các Sở đều thành lập Thanh tra sở. Trong khi đó biên chế chỉ có 1 hoặc 2 người. Do đó nhiều tổ chức Thanh tra sở hoạt động hình thức, không hiệu quả. Trách nhiệm thực hiện thanh tra hành chính tại các sở không thành lập tổ chức thanh tra do Thanh tra tỉnh đảm nhận.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán (khoản 1 Điều 52) dự thảo Luật Quy định: “Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước thì cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước trao đổi, thống nhất để một cơ quan thực hiện. Trường hợp không thống nhất được thì cơ quan nào đang tiến hành hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện”. Theo đại biểu Trần thị Thu Hằng, quy định nêu tại dự thảo Luật là chưa phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 64a của Luật Kiểm toán nhà nước quy định “Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm, Kiểm toán nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý trùng lặp, chồng chéo” và không có quy định về việc “không thống nhất được thì cơ quan nào đang tiến hành hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện”. Do đó đề nghị chỉnh lý lại quy định này để đảm bảo với Luật Kiểm toán nhà nước.

Đức Diệu

2,057

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/chinh-tri/giu-nguyen-he-thong-to-chuc-co-quan-thanh-tra-la-hop-ly-93537.html