Giữ nghề làm giấy bản truyền thống của người Dao Đỏ, Cao Bằng

Giấy bản là sản phẩm thủ công truyền thống được sử dụng thường xuyên trong đời sống của đồng bào Dao Đỏ ở tỉnh Cao Bằng. Kỹ thuật làm giấy bản cũng là một quy trình công phu, tỉ mỉ và độc đáo vẫn được người dân lưu giữ, bởi không chỉ là nét văn hóa truyền thống đặc sắc, nghề làm giấy bản còn giúp cho nhiều gia đình có thu nhập ổn định.

Xóm Lúng Ót, xã Yên Lạc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng là một trong những nơi người Dao Đỏ vẫn giữ nghề làm giấy bản thủ công và cho thu nhập khá. Xóm Lúng Ót cách trung tâm huyện hơn 40 km, 100% hộ là đồng bào dân tộc Dao Đỏ, trong đó trên 90% hộ làm nghề sản xuất giấy bản truyền thống

Nếu như nhiều nơi nguyên liệu làm giấy bản được lấy từ các loại cây rừng thì ở xóm Lúng Ót, giấy bản lại được làm từ cây trúc non. Mỗi dịp tháng 2 âm lịch hàng năm, khi những cây trúc sào bắt đầu ra lá cũng là lúc các hộ dân lên rừng chặt trúc về làm giấy. Cây trúc non sau thu hoạch sẽ được loại bỏ cành, lá, chia ra từng đoạn dài khoảng 1m, chẻ nhỏ rồi chia thành từng bó và ngâm nước vôi ít nhất 2 tháng. Sau đó, những đoạn trúc được vớt ra và ngâm trong nước sạch khoảng 2 tháng. Khi thân trúc mềm nhũn mới có thể nghiền lấy bột. Theo cách làm truyền thống người thợ sẽ dùng chân nhồi vò cho đến khi thành bột, tuy nhiên, hiện các hộ hầu hết đã sử dụng máy nghiền bột giấy để giảm sức lao động

Chị Hoàng Mùi Chướng, xóm Lúng Ót, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng cho biết: Người dân thường chọn những cây trúc khoảng 40 – 50 ngày tuổi và cao khoảng 3 – 4 mét, không bị sâu đục thân để có được nguyên liệu làm giấy tốt nhất.

Bột trúc sau khi nghiền được pha với nước theo tỷ lệ 1:1 và ngâm khoảng 2 ngày mới thực hiện công đoạn tráng giấy (láng giấy). Một chất phụ gia không thể thiếu là nhựa cây “Chầy kêu” có tác dụng tạo sự kết dính và làm trơn bột giấy và nước ngâm từ cây "chầy kêu" sẽ được đảo đều với bột giấy trước khi người thợ tráng giấy.

Công đoạn láng giấy, người thợ sẽ dùng khuôn tráng giấy làm bằng tre nhúng xuống bể đã pha sẵn hỗn hợp gồm bột giấy và nhựa "chầy kêu", tạo ra những màng bột mỏng, đó chính là giấy bản. Mỗi lần lắng, vớt như vậy tạo sẽ tạo thành một khuôn giấy, mỗi khuôn giấy có khoảng 400 tờ. Trung bình một ngày mỗi hộ chỉ làm được khoảng 5 khuôn.

Những tờ giấy mỏng sau khi thành hình được bóc thành những tập giấy nhỏ và đem đi phơi khô.

Sau khi được hạ xuống từ giàn phơi, giấy sẽ được mài nhẵn các cạnh và đóng thành từng để đưa ra thị trường.

Nghề làm giấy bản đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Lúng Ót, trung bình mỗi năm các hộ sản xuất từ 100 - 200 thếp giấy, giá bán từ 150.000 - 200.000 đồng/thếp; thu nhập từ 10 - 30 triệu đồng/hộ/vụ.

Giấy bản của đồng bào Dao Đỏ ở Lúng Ót khi hoàn thiện có màu vàng nhạt, được nhiều người ưa thích bởi có độ dai, bền.

Ngoài dùng để cắt giấy tiền vàng hương phục vụ thờ cúng, giấy bản dùng để dán bàn thờ tổ tiên hay trang trí trong nhà, dùng để viết chữ Nho, chữ Nôm Dao... trong các gia đình dân tộc Dao Đỏ, bởi giấy dai, thấm mực, chữ viết trên giấy bản sẽ không bao giờ phai nét.

Ông Hoàng Chàn Mình, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng cho biết: Trong thời gian tới, xã Yên Lạc không chỉ bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống sản xuất giấy bản của dân tộc Dao Đỏ mà sẽ huy động nguồn lực để xây dựng xóm Lũng Ót trở thành làng văn hóa du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

CTV Khánh Việt/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/giu-nghe-lam-giay-ban-truyen-thong-cua-nguoi-dao-do-cao-bang-post1083852.vov