Giữ nghề đương bàng vùng Đồng Tháp Mười

Với đặc trưng là vùng đất chua phèn, mấy chục năm trước, vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An từng là 'vương quốc' cỏ bàng. Ngày đó, người dân sống bằng nghề đương bàng từ đệm bàng, giỏ bàng đến nón bàng, nóp bàng,... Trẻ em thời đó 5, 6 tuổi đã biết đương đệm rồi lớn lên lấy đó làm nghề kiếm thêm thu nhập mỗi lúc nông nhàn. Cuộc sống có nhiều thay đổi, nghề đương bàng đã dần mai một nhưng một số người vẫn giữ nghề cho đến nay.

Nhiều phụ nữ tại xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa xem nghề đương bàng là nghề tay trái để có thêm thu nhập lúc nông nhàn

1. Biết đương bàng từ nhỏ, đến nay, bà Nguyễn Thị Lên (ấp 4, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) có hơn 50 năm theo nghề. Từ đệm, túi đến võng bàng, bà đều biết đương. Khi vùng Tân Lập còn hoang hóa, bàng mọc dại khắp nơi, người dân trong vùng chủ yếu sống bằng nghề nhổ bàng và đương bàng. Không chỉ đương đệm, nhiều vật dụng khác cũng được đương bằng bàng.

Bà Lên kể: “Đâu chỉ có đệm bàng, tôi còn đương được võng, giỏ, túi đựng cá, nóp,... Hồi đó, bàng mọc khắp nơi, muốn đương thì nhổ về phơi, rồi giã để đương. Bây giờ, tôi mua bàng, phần vì không còn nhiều nữa, phần để tiết kiệm thời gian, công sức. Bàng được ép và phơi sẵn, bó thành từng neo. Tùy theo chất lượng bàng mà mức giá khác nhau”.

Khi đất hoang thành ruộng lúa phì nhiêu thì những cánh đồng bàng cũng lui vào dĩ vãng. Nghề đương bàng trở thành nghề phụ để có thêm thu nhập lúc nông nhàn vì mỗi sản phẩm đòi hỏi nhiều công sức nhưng nguồn thu nhập lại không quá cao và phụ thuộc vào thời giá. Những đơn đặt hàng đệm bàng hay võng bàng ít dần nhưng bà Lên vẫn không sao bỏ được nghề.

Nhà bà lúc nào cũng có sẵn những neo bàng nguyên liệu để rảnh rỗi, bà lại ngồi đương như một cách giải khuây. “Từ ngày nhỏ, tôi đã biết đương bàng. Nghề được ông bà truyền lại nên tôi không muốn bỏ. Bây giờ đệm bàng, võng bàng cũng ít người dùng tới nhưng hễ còn khỏe là tôi còn đương, không bán thì dùng trong nhà. Đệm bàng, võng bàng nằm vừa êm, vừa mát, đến hư hỏng rồi vứt ra gốc cây cũng thành phân bón cho cây, không phí chút nào”.

Cũng là người giữ nghề đương bàng cho đến nay, chị Đoàn Thị Phượng (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Ở đây chủ yếu đương giỏ, nón, riêng đệm bàng thì hầu như chỉ đương theo đơn đặt hàng. Nghề đương bàng là “lấy công làm lời”. Mỗi chiếc giỏ bàng, trừ hết chi phí, tôi có lợi nhuận khoảng 10.000 đồng. Công việc chính của tôi là làm thuê, hết mùa lúa, việc cũng ít thì tôi đương bàng để có “đồng ra, đồng vào””.

Trong ký ức ông Dương Văn Bưởi (ấp 4, xã Mỹ An), khi vùng này còn là những cánh đồng bàng rộng lớn, ông và các thanh niên trong xóm thường cùng nhau chèo xuồng đi nhổ bàng, còn phụ nữ ở nhà phơi và đương bàng. Ông Bưởi kể: “Hồi đó bàng mọc mênh mông, chỉ lo không có sức nhổ mà thôi. Để có được một tấm đệm hay cái túi bàng cũng gian nan lắm. Nhổ, giã thì nặng nhọc nhưng phơi bàng, đương bàng cũng không dễ dàng gì. Bàng phơi phải đặng nắng, không dư cũng không thiếu. Nếu phơi nhiều thì bàng dễ bị nát, không đương được, nhưng nếu bàng không khô thì sẽ bị “sình”, lúc đương không chỉ khó mà sản phẩm ra còn kém bền và không đẹp”.

2. Cuộc sống ngày càng phát triển, nghề đương bàng vì thế cũng lùi dần như một lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, không vì vậy mà nghề đương bàng mất hẳn. Các sản phẩm đệm bàng, giỏ bàng, nón bàng vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường, dù không thịnh hành như trước.

Võng bàng do bà Nguyễn Thị Lên đương được du khách vô cùng yêu thích

Những người phụ nữ khéo tay của vùng Đồng Tháp Mười vẫn giữ được nghề như một điều không thể thiếu. Từ huyện Đức Huệ, Thủ Thừa đến Tân Thạnh, Mộc Hóa,... nơi nào cũng có những gia đình theo nghề đương bàng. Có nơi, người làm nghề tập trung, những neo bàng phơi dọc các ngả đường; cũng có nơi chỉ có vài gia đình bám vào nghề như lẽ sống. Để rồi, những sản phẩm từ bàng cứ thế lan tỏa khắp mọi nơi, từ góc chợ quê đến vùng thành thị.

Ngày nay, một số nơi, nghề đương bàng còn được khai thác theo hướng phát triển du lịch khi du khách đến tham quan và trực tiếp trải nghiệm cảm giác đương bàng cũng như tìm hiểu về văn hóa, đời sống của người bản địa. Bà Lên chia sẻ: “Cứ mỗi mùa nước nổi sẽ có các đoàn du khách tới đây. Họ chụp ảnh làng quê, bông súng rồi ghé thăm nhà tôi, hỏi tôi về chuyện đương bàng. Được kể về nghề truyền thống của cha ông mình, tôi cảm thấy vui. Nhiều khi họ thích đến nỗi về nhà rồi lại liên hệ đặt tôi đương đệm, đương võng gửi cho họ”./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giu-nghe-duong-bang-vung-dong-thap-muoi-a172885.html