Giữ mãi 'bảo tàng sống' của người Cơ Tu

Tỉnh Quảng Nam có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, nhưng quần tụ đông đảo nhất vẫn là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Đối với đồng bào Cơ Tu sống dọc dãy Trường Sơn huyền thoại, công trình Gươl như một 'bảo tàng sống' mà nơi đó trở thành không gian văn hóa linh thiêng của cả buôn làng.

Gươl lớn của người Cơ Tu ở thôn Pơr'ling, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thủy Lê

Người Cơ Tu tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng tại Gươl như: Lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu, Lễ mừng được mùa... Gươl trở thành nơi hội tụ sức mạnh, lòng tin, sự đoàn kết, gắn bó của đồng bào dân tộc Cơ Tu là vì thế.

“Linh hồn” làng của người Cơ Tu

Già làng Bríu Pố, ở thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang cho hay, theo phong tục từ xa xưa, người Cơ Tu khi lập làng, dựng nhà đều chọn đất. Nhà Gươl được dựng lên bằng tất cả mồ hôi, công sức của mọi người trong làng. “Gươl, tiếng Cơ Tu có nghĩa là cộng đồng. Khi đến nhà Gươl, mọi người đều chan hòa, vui vẻ, không được giận nhau, cãi nhau. Đối với người Cơ Tu, nhà Gươl là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên, cũng là trung tâm sinh hoạt của cả buôn làng” - già làng Bríu Pố nói.

Còn ông Bhriu Liếc (huyện Tây Giang), người dày công nghiên cứu về văn hóa Cơ Tu cho biết, từ bao đời, người Cơ Tu sống chung trong làng, quây quần bên nhau, những ngôi nhà xếp vòng thành hình bầu dục, chính giữa là nhà Gươl. Nếu như làng của người Ba Na, Ê Đê ở Tây Nguyên là nhà Rông, làng của người Kinh là đình, thì linh hồn làng của người Cơ Tu chính là nhà Gươl.

Không chỉ là chốn linh thiêng thờ cúng thần linh, nhà Gươl Cơ Tu còn là nơi bàn chuyện làng, chuyện nước, chuyện gia đình và là nơi diễn ra những lễ hội quan trọng. Vì vậy, không gian làng có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của cộng đồng người Cơ Tu.

Trong kiến trúc truyền thống, nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu là nhà sàn được chống bởi cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con ở xung quanh. Mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây. Nhìn từ xa, mái nhà Gươl có hình dáng như trái xoài. Những tấm vách trong nhà Gươl là những bức phù điêu, chạm trổ hình ảnh các con vật trông rất sinh động, như: con trâu, đầu trâu, tắc kè, con trăn, kỳ đà và một số cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng được thể hiện, như: người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con.

Trong nhà Gươl bao giờ cũng trưng bày nhiều loại nhạc cụ, công cụ truyền thống, nhiều bương đầu thú mà dân làng đã săn bắt hoặc đã giết thịt trong các lễ hội... Trong đời sống của đồng bào Cơ Tu, nhà Gươl là công trình biểu tượng cho sức mạnh linh hồn của cả buôn làng. Nhìn vào hình ảnh nhà Gươl to hay nhỏ có thể biết được uy quyền và sức mạnh của ngôi làng đó.

Già làng Y Kông, thôn Tống Cói, xã Ba, huyện Đông Giang cho biết: “Nhà Gươl là nhà truyền thống của người Cơ Tu mình. Làng nào không có nhà Gươl tức là không còn gốc gác truyền thống văn hóa nữa. Cho nên bà con trong làng, các gia đình ai cũng chung tay góp sức xây dựng nhà Gươl”.

Cần có cơ chế, chính sách bảo tồn

Những năm gần đây, do sự tác động của cuộc sống hiện đại với nhiều công trình xây dựng đã khiến nhiều ngôi nhà Gươl trở nên xuống cấp và cũng không còn mang dáng dấp của Gươl truyền thống. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhà Gươl trong đời sống tinh thần của đồng bào Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương khôi phục ngôi nhà truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có Gươl của người Cơ Tu.

Các bức tượng điêu khắc bằng gỗ miêu tả cảnh lao động hàng ngày của dân tộc Cơ Tu được trưng bày trong và ngoài nhà Gươl. Ảnh: Thủy Lê

Từ năm 2000 đến nay, tại huyện Tây Giang, có 63/78 thôn (làng) đã có Gươl. Tại hai huyện Nam Giang và Đông Giang, có 78/119 thôn (làng) có Gươl. Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ như: Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision), Hội đồng Vùng Nord - Pas de Calais của nước Cộng hòa Pháp... thông qua nhiều dự án cũng đã giúp tỉnh Quảng Nam bước đầu khôi phục lại một số Gươl truyền thống của người Cơ Tu.

Điều đáng phấn khởi là, mặc dù đời sống của bà con Cơ Tu còn nhiều khó khăn, nhưng những nghệ nhân và đông đảo bà con dân tộc thuộc 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang đã tự nguyện đóng góp công sức và tiền bạc để khôi phục lại Gươl. Nhìn chung, Gươl trên địa bàn của 3 huyện nói trên đều sử dụng đúng chức năng của nó. Bên cạnh việc duy trì những hoạt động sinh hoạt mang tính tín ngưỡng dân gian của người Cơ Tu, chính quyền địa phương cũng đưa vào Gươl nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa mới, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đây là tín hiệu vui không chỉ riêng đối với đồng bào Cơ Tu, mà còn là niềm vui đối với các cấp, ngành trong tỉnh Quảng Nam, trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm duy trì và khôi phục Gươl truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc Cơ Tu, thiết nghĩ, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam cần tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động về vai trò của Gươl trong đời sống sinh hoạt cộng đồng để khơi dậy lòng tự hào về văn hóa truyền thống trong đồng bào Cơ Tu.

Bên cạnh đó, cần nghiêm cấm việc lạm dụng khôi phục Gươl để phá rừng, khai thác gỗ và các vật liệu khác từ rừng dẫn đến vi phạm lâm luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người dân trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng, chủ động phòng chống thiên tai gây thiệt hại đến giá trị của Gươl. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cũng cần phối hợp với già làng, trưởng thôn, những cán bộ lão thành cách mạng là người Cơ Tu có uy tín, những nghệ nhân Cơ Tu có kinh nghiệm hướng dẫn trong việc thiết kế, trang trí cho Gươl nhằm phát triển tối đa giá trị vốn có của Gươl truyền thống.

Đồng thời, vận động đồng bào Cơ Tu xây dựng đời sống văn hóa mới với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, lành mạnh tại Gươl để từ đó thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhà Gươl là công trình tiêu biểu, thiêng liêng về tâm linh của người Cơ Tu. Việc quan tâm chú trọng khôi phục nhà Gươl truyền thống sẽ góp phần vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu, giúp cho các thế hệ người Cơ Tu mai sau hiểu biết và kế thừa những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc mình, để Gươl mãi là niềm tự hào và là “linh hồn" làng của người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam giữa đại ngàn Trường Sơn.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-mai-bao-tang-song-cua-nguoi-co-tu-post465388.html