Giữ mãi ân tình đồng đội

Rà ngón tay nhăn nheo lên những dòng chữ nắn nót ghi tay thông tin cần chỉnh sửa trên mộ liệt sĩ của Trung đoàn 16 trong cuốn tập được đặt tên là 'Nghĩa tình đồng đội', cựu chiến binh Lê Trường Giang (Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM) cho biết, mười mấy năm tới lui các nghĩa trang hỗ trợ rà soát, chỉnh sửa thông tin, tìm mộ đồng đội mà vẫn không sao gặp hết, không giúp đủ những trường hợp cần mình.

Vợ chồng ông Giang dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động tìm mộ liệt sĩ, đồng hành cùng thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: VGP/Nguyễn Trần

Vợ chồng ông Giang dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động tìm mộ liệt sĩ, đồng hành cùng thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: VGP/Nguyễn Trần

Gần 80 tuổi vẫn đi tìm đồng đội

Ở nhà, ngoài những tấm bằng khen xếp ngay ngắn trên kệ, tài sản được ông Giang gìn giữ kỹ nhất là 5 cuốn tập viết tay và 2 cuốn danh sách thông tin đồng đội bìa đã ố vàng. Ngồi giữa phòng khách gia đình, trên tay là cuốn danh sách liệt sĩ của Trung đoàn 16 phô tô từ bản chính lưu giữ tại Phòng Chính sách Quân khu 7, ông Giang quay sang nói với vợ, giọng đượm buồn: "Còn nhiều người chưa được về với gia đình lắm bà ạ. Nghĩ mà xót, đồng đội mình chiến đấu, hy sinh, giờ lưu lạc khắp nơi. Chỉ mong sớm tìm được hết mộ anh em để đưa về gần với gia đình cho tiện việc hương khói".

Không cùng chồng ghé thăm các nghĩa trang từ TPHCM đến Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bình Phước… để tìm mộ đồng đội nhưng gần 20 năm làm "hậu phương", bà Nguyễn Thị Lan biết rất nhiều tên liệt sĩ trong danh sách lưu ở nhà. Không tham gia chiến đấu nhưng qua những câu chuyện chồng kể, bà thấu hiểu sự hy sinh quá lớn của các chiến sĩ cách mạng. Ông Giang hay gọi vợ là "đồng đội" vì bà Lan lúc nào cũng động viên, đồng hành với chồng.

Trung đoàn 16 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân) là đơn vị chủ lực đầu tiên của QĐND Việt Nam vào Nam chiến đấu. Gần 6.000 chiến sĩ của Trung đoàn đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tham gia các trận chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia.

Giai đoạn chống Mỹ, Trung đoàn 16 thường đóng quân ở vùng giáp ranh Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh lân cận. Suốt những năm tháng ấy, với vai trò cán bộ trinh sát, ông Giang thường xuyên khảo sát để nắm chắc địa bàn chiến trường, khu vực các trận đánh. Nhờ vậy, ông biết nhiều nơi chôn cất liệt sĩ.

Năm 2007, khi tìm đến Phòng Chính sách Quân khu 7 liên hệ nhờ hỗ trợ cung cấp danh sách liệt sĩ Trung đoàn 16 giai đoạn chống Mỹ, ông Giang tìm được 2 cuốn danh sách nguyên bản gốc của Tiểu ban Chính sách Trung đoàn 16 ghi đầy đủ, chi tiết lý lịch của 14 liệt sĩ. Cầm bảng danh sách phô tô trên tay, mắt ông nhòe đi vì xúc động.

Ông Giang cùng thương binh Phạm Văn Bớt tại quận Tân Phú

Ông Giang cùng thương binh Phạm Văn Bớt tại quận Tân Phú

"Lúc đó, tôi biết mình phải làm làm ngay vì tuổi già ập đến rồi. Với danh sách, thông tin có trong tay, tôi tham gia tìm mộ liệt sĩ đã được quy tập tại các nghĩa trang liệt sĩ, sau đó báo về gia đình và địa phương. Tôi còn tham gia tìm mộ liệt sĩ chưa được quy tập, vẫn nằm rải rác ở các thôn, xóm, bản làng, rừng núi, nơi đã xảy ra những trận đánh ác liệt khiến không ít đồng chí mãi mãi nằm xuống", ông Giang kể.

Tuần một hoặc hai chuyến đi, nơi gần xe buýt, xe ôm, chốn xa thì xe đò, cứ vậy ông Giang duy trì phần việc nghĩa tình này từ năm 2007 đến nay. Đôi chân ấy xưa in dấu khắp chiến trường giờ lặng lẽ đi tìm đồng đội. Ngược xuôi gần 20 nghĩa trang tìm kiếm đồng đội, ông nhớ rõ nơi nào đang có bao nhiêu mộ phần liệt sĩ. Đọc tên trên bia mộ thấy thân quen là vội về nhà lục tìm danh sách đối chiếu xem thông tin đã chính xác chưa, có cần đề nghị chỉnh sửa, bổ sung gì không. Đồng đội đã vì nước quên thân, ông Giang muốn dành trọn những tháng năm còn lại trong đời để đưa họ về nơi ấm áp nhất.

Sống hết mình với người ở lại

Công việc tìm mộ liệt sĩ và rà soát, đối chiếu để kịp thời đề nghị chỉnh sửa thông tin trên bia mộ cho đồng đội mất rất nhiều công sức. Có nhiều nghĩa trang cách nhà gần 200 cây số, vậy mà để hỗ trợ gia đình đồng đội tìm mộ, ông không ngại khó, lặn lội ngược xuôi cả tuần liền, sáng đi tối về. Bạn bè, người thân hỏi: "Tiền đâu mà khi nào cũng đi tìm mộ liệt sĩ?", ông cười, bảo: "Nhà nước cấp lương hưu, mình chia sẻ để tìm đồng đội, đưa linh hồn và phần mộ của anh em về với gia đình. Thân nhân liệt sĩ bao năm nay vẫn trông ngóng, thương tiếc, bỏ công tìm kiếm, mình giúp được thì sao có thể làm ngơ".

Tìm mộ đồng đội, thông báo về địa phương xong, ông còn hướng dẫn gia đình các liệt sĩ làm các thủ tục, giấy tờ về chế độ thăm viếng và bốc mộ để thuận tiện hơn với phần việc thiêng liêng này. Gia đình nào cần ở nhờ, ăn uống tạm mấy ngày tìm mộ, bốc mộ, vợ chồng ông mời về nhà ngay rồi phụ luôn việc cúng viếng khi làm lễ, phụ được gì ông bà đều luôn sẵn lòng.

Đến nay, ông Giang đã tìm và thông báo phần mộ trong nghĩa trang và ngoài rừng của hơn 1.500 liệt sĩ, đồng thời hỗ trợ gia đình đồng đội đến tận nơi nhận mộ.

Đến nay, ông Giang đã tìm và thông báo phần mộ trong nghĩa trang và ngoài rừng của hơn 1.500 liệt sĩ, đồng thời hỗ trợ gia đình đồng đội đến tận nơi nhận mộ

Đến nay, ông Giang đã tìm và thông báo phần mộ trong nghĩa trang và ngoài rừng của hơn 1.500 liệt sĩ, đồng thời hỗ trợ gia đình đồng đội đến tận nơi nhận mộ

Ngước mắt nhìn những tấm bằng khen treo ngay ngắn trên tường, ông Giang nói với giọng tự hào: "Gia đình tôi cũng là gia đình liệt sĩ. Vậy nên tôi hiểu thế nào là mất mát, hy sinh".

Lên đường vào Nam chiến đấu gần 4 năm, năm 1968, ông Giang lặng người khi hay tin vợ hy sinh tại quê nhà, để lại con gái đầu lòng vừa bập bẹ. Bà Lan, vợ hiện tại của ông Giang cũng có chồng đầu là liệt sĩ. Ngày đất nước thống nhất, ông Giang nhận phép, về nhà ở Hà Tĩnh thăm bố mẹ già và con gái. Người thân se duyên, ông bà thành vợ chồng từ đó. Rồi ông Giang lại tiếp tục vào Nam, sang Campuchia làm nhiệm vụ, mãi đến năm 1990, bà Lan cùng 5 con mới có thể sum vầy cùng chồng.

Nhìn vợ trìu mến, ông Giang khoe mình may mắn khi có bà trong đời mình. Khi ông lo việc quân ngũ, bà ở quê nhà vừa làm kinh tế, vừa chu toàn việc gia đình, con cái, vừa tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Thư từ qua lại, chưa bao giờ người phụ nữ ấy kể đói, than nghèo. Bà chỉ mong ông khỏe mạnh, hoàn thành tốt công việc được giao.

Lo cho người nằm xuống ấm êm mộ phần, ông Giang còn dành sự quan tâm đặc biệt đến những thương binh nặng, gặp khó khăn trong cuộc sống.

Nghe ở đâu có thương binh nặng gặp khó, ông Giang liền đi vận động khắp nơi, đến thăm, tặng quà, động viên. Ông Giang nhớ nhất là dịp ghé thăm người đồng đội cũ, thương binh Phạm Thế Liễn ở Bình Phước vào năm 2020. Thấy bạn bị bệnh nằm một chỗ, căn nhà cũ kỹ, ông vô cùng xót xa. Nhìn sang 2 người con nhiễm chất độc da cam di truyền từ đồng đội mình, ông Giang tự nhủ phải giúp bạn bằng tất cả khả năng.

Trở lại TPHCM, ông vận động các nguồn hỗ trợ và cuối cùng, họ đã xây được căn nhà nghĩa tình tại Bình Phước dành tặng người bạn thương binh Phạm Thế Liễn.

Sau đó, ông thổ lộ mong muốn đưa đồng đội về nhà ở nhờ, hỗ trợ điều trị bệnh tai biến. Bàn bạc với vợ con, ông nói: "Nhà mình cũng nghèo nhưng nhà chú Liễn còn nghèo hơn. Vì tình cảm đồng chí, đồng đội, vì tình người, các con hãy cùng bố mẹ mở lòng để gia đình ta đưa chú Liễn vào đây chữa bệnh".

Đưa đồng đội về nhà cưu mang, suốt mấy tháng liền, ngày nào ông Giang cũng lấy xe máy, chở vợ chồng ông Liễn vào bệnh viện điều trị. Ngày đồng đội nói được, có thể nhấc từng bước chân chậm chạp, vợ chồng ông Giang vui mừng khôn xiết.

Với ông Giang, được sống trọn vẹn với người nằm xuống, được đồng hành, tiếp sức cho người ở lại là điều hạnh phúc trong cuộc đời./.

Nguyễn Trần

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/giu-mai-an-tinh-dong-doi-102230726202904217.htm