'Giữ lửa' trong gia đình 3 thế hệ thợ mỏ

Gia đình có nhiều thế hệ làm thợ mỏ là một trong những đặc trưng tại tỉnh Quảng Ninh. Cùng với 'lửa nghề', việc gìn giữ 'lửa tổ ấm' cũng giúp người Vùng Than vun đắp hạnh phúc lâu dài, xây dựng nét đẹp văn hóa riêng có.

Tan ca 1 vào cuối giờ chiều, anh Nguyễn Duy Khánh, thợ cơ điện của Công ty Than Thống Nhất (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) rời khai trường về nhà. Hôm nay khác với thường lệ, anh chở bố mình về cùng trên chiếc xe máy, 2 bố con vừa đi vừa trò chuyện rôm rả. Anh Khánh làm tại Phân xưởng Khai thác 4, còn bố anh là thợ lò Nguyễn Hồng Cẩm đang làm việc tại Phân xưởng Khai thác 1.

Thợ lò Nguyễn Hồng Cẩm và con trai đều đang làm việc tại mỏ than Thống Nhất, đơn vị có bề dày truyền thống tại Vùng Than Quảng Ninh

Anh Nguyễn Duy Khánh chia sẻ: “Năm 2017, tôi học xong cơ điện hầm lò, vào làm việc trong Phân xưởng Khai thác 4. Hiện tại bình quân thu nhập tháng của tôi là từ 15 triệu trở lên. Trong công việc Bố truyền cho tôi nhiều kinh nghiệm, có gì không hiểu tôi về hỏi bố, bố giúp tôi rất nhiều”.

6 năm làm thợ mỏ dưới hầm lò, anh Khánh thực sự thấy thân thuộc với những đường lò, những bước chân rầm rập của đồng đội mỗi khi “tiến vào lòng đất”. Nhưng ký ức về mỏ của anh thì lâu hơn thế. Trong tâm trí chàng trai 28 tuổi này vẫn nhớ như in chiếc bánh mỳ mỏ bố mang về sau những đêm ca 3, vẫn nhớ câu chuyện ông nội kể về ngày đầu khai mỏ, tạo nên những con phố thợ ở đất Cẩm Phả này. Gia đình Nguyễn Duy Khánh có 3 thế hệ đều là thợ lò.

Bố của Khánh - thợ lò Nguyễn Hồng Cẩm, người đã gắn bó gần 25 năm với mỏ nhớ lại hình ảnh cha mình là ông Nguyễn Đức Tông. Đây chính là tấm gương giúp người thợ này ấp ủ ước mong khoác lên mình màu áo xanh của mỏ. Năm 1965, ông Tông rời vùng quê Thái Bình tới Quảng Ninh lập nghiệp, từ người nông dân trở thành thợ lò và là thế hệ công nhân mỏ đầu tiên của Than Thống Nhất.

Ngôi nhà của gia đình nằm trong con ngõ nhỏ ngay dưới chân khu mỏ

Thợ lò Nguyễn Hồng Cẩm kể lại: “Khi tôi còn là thanh niên thấy bố đi làm vất vả, vì công việc nghề lò còn thô sơ. Bố vất vả nhưng quyết tâm cao, nhà anh chị em đông nhưng ông dạy con cái đến nơi đến chốn, sự nghiêm khắc của ông giúp chúng tôi theo con đường chín chắn. Mình lớn lên thì noi gương bố, xác định đi theo đúng nghề của bố”.

Cha truyền, con nối, tình yêu nghề được thợ lò Nguyễn Hồng Cẩm truyền lại cho con trai, tiếp nối thế hệ đi trước. Bước qua những giai đoạn khó khăn, đời sống của công nhân mỏ và gia đình ngày càng được nâng lên khi điều kiện làm việc cải thiện rõ rệt. Những sáng kiến cải tiến, cơ giới hóa, tự động hóa giúp giảm bớt sức lao động, tăng cao năng suất và thu nhập, có cả CLB thợ mỏ 300 triệu đồng/năm, khiến người thợ càng thêm gắn bó với ngành than.

Những bữa cơm có đầy đủ các thành viên gia đình luôn đầm ấm, đầy ắp niềm vui

Tâm huyết với nghề, nhưng người Đất Mỏ cũng không quên vun đắp cho tổ ấm riêng. Bà Nguyễn Thị Nga - vợ thợ lò Nguyễn Hồng Cẩm tâm sự, môi trường làm việc cũng khiến những người đàn ông trong gia đình có tính cách đặc trưng, có vẻ khô khan đấy nhưng thực chất rất tình cảm, hiền lành, chịu khó. Do lịch ca kíp, phần lớn thời gian gia đình khó mà có được bữa cơm sum họp, người nọ hết ca về nhà thì người kia vào ca mới. Vậy nhưng, không phải vì thế mà nền nếp gia đình bị phá vỡ.

Hiểu nghề của chồng, của con, bà Nga cũng là người quán xuyến, chăm lo cho tổ ấm luôn đầy ắp tiếng cười: “2 bố con cùng một công ty, đi ca kíp không trùng nhau. Vì thế nên khi có ngày nghỉ, như Chủ nhật, thì gia đình cùng có bữa cơm thân mật, tôi cải thiện món ăn ngon để bố con giữ gìn sức khỏe đi làm, có năng suất cao. Cuộc sống rất đầm ấm hạnh phúc, chỉ mong đến thế thôi”.

Gia đình "3 thế hệ thợ mỏ" của thợ lò Nguyễn Hồng Cẩm vinh dự đón Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới thăm nhân chuyến công tác tại Quảng Ninh tháng 5/2023

“Kỷ luật - Đồng tâm”, tinh thần của người thợ cũng chính là một trong những bí quyết để xây dựng văn hóa gia đình. Tự nhận mình là người nghiêm khắc, nhưng thợ lò Nguyễn Hồng Cẩm cũng cho rằng nhờ đó mà gia đình anh luôn đồng lòng, giữ nếp gia phong, con cái ngoan ngoãn, thuận hòa: “Tôi rất tự hào về gia đình mình, sống ở vùng mỏ Cẩm Phả, giữ nghề cha truyền con nối. Chắc chắn là con cháu nhìn thấy gương mình như thế sẽ nối tiếp cha ông, nối tiếp theo nghề sau này”.

Giữa phố phường hiện đại, “đốm lửa nhỏ” là những gia đình 2 thế hệ, 3 thế hệ là thợ mỏ như vậy đã “giữ lửa” truyền thống, tạo nên nét văn hóa cộng đồng Đất Mỏ, để những người trẻ lớn lên, trưởng thành và tiếp tục xây dựng vùng than đẹp giàu.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giu-lua-trong-gia-dinh-3-the-he-tho-mo-post1028861.vov