Giữ hình ảnh đẹp cho điểm đến

Mặc dù bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch đã có, kể cả chế tài xử phạt, tuy nhiên những hình ảnh xấu xí, phản cảm trong hành xử với du khách vẫn xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín của nhiều điểm đến.

Tình trạng chèo kéo khách du lịch vẫn thường xuyên xảy ra tại nhiều điểm đến (Trong ảnh: Chèo kéo khách tại Bến xe Nguyễn Hoàng, TP Huế). Ảnh: Đức Quang.

Chưa hết nạn “chặt chém”

Thời gian qua những hình ảnh, clip chèo kéo, chặt chém du khách đã được chính người dân phản ánh, đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Mới đây, ngay tại phổ cổ Hà Nội, một người bán hàng rong đã bị “tố” bán 3 quả dứa với giá 500 nghìn đồng khiến du khách nước ngoài phản ứng dữ dội. Tuy nhiên, qua quá trình xác minh, Công an quận Hoàn Kiếm đã thông tin, “người phụ nữ bán 3 quả dứa giá 500 nghìn đồng” đăng tải trên mạng xã hội là không chính xác.

Quá trình làm việc với người phụ nữ bán hàng rong, người này cho biết, bà bán dứa cho khách nước ngoài với giá 50 nghìn đồng/quả chứ không phải 500 nghìn đổng/quả như mạng xã hội đưa tin. Để làm rõ thông tin, Công an phường Hàng Đào đã mời một số người dân chứng kiến đến làm việc và những người này cũng khẳng định, người phụ nữ này bán 50 nghìn đồng/túi dứa. Dù vậy thì, nhiều ý kiến cho rằng giá 50 nghìn đồng vẫn là giá “chặt chém”.

Đây cũng không phải trường hợp đầu tiên, duy nhất, du khách nước ngoài bị “chặt chém” khi mua hàng ở điểm du lịch. Hồi tháng 3 vừa qua, 2 du khách nước ngoài đã phải mua 4 chiếc bánh rán với giá 50 nghìn đồng. Trước đó, trên mạng xã hội cũng đã đăng tải một đoạn clip về việc một người bán hàng rong tại Hà Nội định “chặt chém” 200 nghìn đồng cho một túi táo nhỏ với du khách nước ngoài đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Cách đây không lâu, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đã xử phạt 12 triệu đồng với tài xế khi thu của khách du lịch nước ngoài 500 nghìn đồng cho quãng đường 3km.

Không chỉ khách nước ngoài, nhiều du khách Việt cũng là nạn nhận của vấn nạn “chặt chém”. Thực trạng này đã và đang diễn ra từ rất nhiều năm tại nhiều điểm đến. Những câu chuyện, clip tố cáo việc phải mua một củ khoai với giá 80 nghìn đồng hay một túi hoa quả có giá lên tới hàng trăm nghìn đồng đã không còn xa lạ với cộng đồng mạng... Dù thời gian qua, nhiều địa phương đã quyết liệt vào cuộc, tiến hành xử phạt các vụ vi phạm nâng giá dịch vụ, sản phẩm đối với du khách, song dường như chế tài xử phạt vẫn chưa đủ để khiến các đối tượng “xin chừa”.

PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, vấn đề “chặt chém”, chèo kéo du khách đã diễn ra từ lâu và khó giải quyết triệt để, đặc biệt là những điểm đến thu hút nhiều du khách như Hà Nội, Sa Pa (Lào Cai), Đà Nẵng... Nguyên nhân là do việc buôn bán hàng rong diễn ra khá nhiều nên việc kiểm soát giá cả, người kinh doanh còn khó khăn. Thêm nữa, đối tượng chộp giật, chèo kéo đôi khi không phải là người dân địa phương mà từ nơi khác đến. Những sự việc này rõ ràng đã ảnh hưởng đến môi trường du lịch cũng như hình ảnh địa phương, đặc biệt trong thời đại truyền thông, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Xây dựng môi trường du lịch văn minh

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, nhiều nước trên thế giới có quy định rõ về việc tăng giá dịch vụ vào dịp lễ Tết. Nhưng ở ta vấn đề này còn chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến việc quản lý giá cả dịch vụ rất khó khăn. Việc người kinh doanh tự ý tăng giá như vậy đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín của địa phương nói riêng, của đất nước nói chung. Do đó, chính quyền địa phương cần có trách nhiệm hơn khi để xảy ra vấn nạn này. Nếu địa phương không thể quản lý, ngăn chặn, xử lý sẽ khiến địa điểm du lịch mất hình ảnh, sụt giảm khách nghiêm trọng.

Không chỉ câu chuyện chặt chém, những ngày cao điểm nghỉ lễ Tết câu chuyện văn minh du lịch luôn là chủ đề “nóng” trên diễn đàn. Ngay dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua không khó bắt gặp những lời than vãn về chất lượng phục vụ tại nhiều điểm đến trên các nền tảng mạng xã hội. Tình trạng ùn tắc đã trở thành hình ảnh quen thuộc vào mỗi dịp cao điểm du lịch. Cùng với đó, việc có nhiều người đến tham gia trải nghiệm kéo theo tình trạng rác thải tại một số điểm đến…

Thực tế cho thấy, để xây dựng hình ảnh cho du lịch Việt Nam thân thiện, trở thành điểm đến hấp dẫn, nhất là để du khách quốc tế sẽ quay trở lại nhiều vẫn đang là một hành trình gian nan. Cho dù trước đó, vào tháng 3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, nhằm định hướng hành vi, thái độ, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi du lịch. Trên cơ sở bộ quy tắc ứng xử này, nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai... đã cụ thể hóa và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch cho khách du lịch tại địa phương. Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, cần tăng cường sự quản lý của cơ quan chức năng để kiểm soát và ngăn chặn những hình ảnh xấu xí, phản cảm.

Theo đó, cần thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng du lịch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch giữ nguyên giá cả hàng năm. Đồng thời, tăng cường thông tin, giáo dục cộng đồng và các đơn vị làm du lịch về lợi ích của việc phát triển bền vững và bình ổn giá trong du lịch. Có cơ chế giám sát, chế tài nghiêm trong việc không tuân thủ niêm yết giá, đội giá, chặt chém. “Những giải pháp này, nếu được thực hiện đồng bộ và chặt chẽ, sẽ giúp du lịch Việt Nam phát triển bền vững” - ông Quỳnh nói.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giu-hinh-anh-dep-cho-diem-den-10278866.html