Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình

Gia đình có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam. Xây dựng gia đình là một bộ phận cấu thành trong chỉnh thể các mục tiêu phấn đấu của xã hội, vì sự ổn định và phát triển của đất nước và Thủ đô, là trách nhiệm chung của mỗi người, mỗi cấp, ngành.

Năm 2019, thành phố Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành phố trên cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Qua 4 năm thí điểm và triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn Thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, về vai trò, ý nghĩa của đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; vai trò các thành viên trong gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc.

Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Một tiết mục trong Liên hoan “Gia đình văn hóa tiêu biểu” thành phố Hà Nội.

Thể hiện vai trò quan trọng của người cao tuổi

Sinh sống trong một gia đình lớn gồm 12 người, 3 thế hệ, trong đó có 8 người cùng sinh sống trong một mái nhà tại phường Bồ Đề, ông Nguyễn Văn Đức, Tổ dân phố số 13, phường Bồ Đề (quận Long Biên) chia sẻ: Nhận thức Bộ tiêu chí ứng xử gia đình là những nội dung thiết thực, gần gũi và có tác dụng trực tiếp đến gia đình, gia đình ông đã cùng nhau chia sẻ, tuyên truyền, vận động các thành viên thực hiện các nội dung của bộ tiêu chí: Tiêu chí ứng xử chung; tiêu chí ứng xử của vợ, chồng; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em.

“Trong đó, tiêu chí ứng xử chung được gia đình tôi quan tâm, thực hiện hơn cả. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bắt đầu là những câu chuyện nho nhỏ với con trẻ, tiếp đến là những bữa cơm, những khi có cả người lớn tề tựu, rồi các hoạt động tập trung dịp lễ, tết, kỷ niệm, sinh nhật có cả gia đình lớn, chúng tôi đều lồng ghép, nói chuyện về việc ứng xử, về sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và sẻ chia”, ông Nguyễn Văn Đức cho hay.

Qua tìm hiểu được biết, vai trò của người cao tuổi trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử gia đình được thể hiện qua các phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”, “Người cao tuổi nêu gương sáng, xóa đói, giảm nghèo làm giàu chính đáng”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Gia đình tứ đại đồng đường”, “Gia đình văn minh, hạnh phúc”, “Gia đình, dòng họ khuyến học”…

Từ đây, trên địa bàn Thành phố đã có nhiều gia đình lan tỏa được lối sống mẫu mực. Chẳng hạn, gia đình cựu giáo chức Nguyễn Trà, phường Phương Liên (quận Đống Đa) một tấm gương tiêu biểu hiện nay của dòng họ hiếu học danh tiếng đã có bề dày 600 năm sống tại kinh thành Thăng Long.

Ông Nguyễn Trà là anh cả trong gia đình 10 anh, chị, em và cũng là “đầu tàu” gương mẫu về tinh thần hiếu học cho các em, các con, cháu, chắt noi theo. Dù đã trên 90 tuổi, nhưng cụ Nguyễn Trà vẫn miệt mài với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài cho thế hệ tương lai.

Liên hoan “Gia đình văn hóa tiêu biểu” thành phố Hà Nội tổ chức với tinh thần tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu.

Ông Đinh Việt Thắng, Ủy viên Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội cho biết, các cụ ông, cụ bà sống mẫu mực chính là tài sản quý giá, một yếu tố quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội. Người cao tuổi trong mỗi gia đình luôn có những tác động trực tiếp, quyết định nên sự hình thành, phát triển của nền văn hóa dân tộc thông qua việc giáo dục con cháu.

Thời gian qua, Hội luôn chú trọng việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác gia đình đối với sự phát triển ổn định của xã hội, của các cấp, các ngành và các địa phương thành phố Hà Nội. Các cập Hội đã có nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ từ công tác tuyên truyền, phổ biến Bộ tiêu chí đến vận động, phát hiện, nhân rộng các mô hình, cách làm trong triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Đề cao giáo dục văn hóa ứng xử trong thế hệ trẻ

Nhà trường cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong hình thành nhân cách của trẻ, trong đó có cách ứng xử trong gia đình.

Cô giáo Ngô Minh Hường, Tổng phụ trách Đội - Liên đội Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình) cho hay, việc giáo dục ứng xử, lối sống phải bắt đầu từ thế hệ trẻ, đặc biệt từ lứa tuổi thiếu nhi.

Bản thân cô đã áp dụng một số biện pháp hiệu quả như lồng ghép tiêu chí văn hóa ứng xử trong gia đình vào chương trình giảng dạy. Trong các giờ sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ Hai đầu tuần theo chuyên đề “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”, các em thiếu nhi đều được giáo dục lối sống yêu thương, trách nhiệm. Bên cạnh đó, cô cũng tăng cường tổ chức buổi giao lưu, thảo luận và nhóm tranh luận; sử dụng mô phỏng hoặc trò chơi đóng vai để giúp thiếu nhi hiểu rõ hơn về các tình huống giao tiếp và ứng xử trong gia đình.

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19, các thầy cô giáo đã tổ chức giao lưu trực truyến với các em thiếu nhi thông qua nền tảng zoom. Tại buổi giao lưu, các em được khuyến khích chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm khi các em có bố hoặc mẹ phải vắng nhà do tham gia công tác phòng dịch. Các em thiếu nhi đã biết thêm những cách thể hiện tình yêu thương, lòng biết ơn, sự quan tâm đến ông bà, bố mẹ không chỉ qua lời nói mà còn thông qua những hành động cụ thể…”, cô Hường chia sẻ.

5 quận vào Chung khảo Liên hoan “Gia đình văn hóa tiêu biểu” thành phố Hà Nội năm 2023.

Còn theo cô giáo Đào Thị Hồng Hạnh, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng), mỗi người giáo viên cần phải là một tấm gương sáng, gương mẫu, hiểu tâm lý học sinh và có tâm huyết với việc giáo dục học sinh trở thành công dân Thủ đô thanh lịch, văn minh. Các em luôn để ý đến thầy cô, từ cách ăn nói đến những cử chỉ hàng ngày. Hành vi ở trường của thầy cô tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách học sinh. Vì vậy, bản thân mỗi người giáo viên phải luôn trau dồi đạo đức, tác phong, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” quận cho biết: “Việc đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ củng cố, tăng cường ý thức và kiến thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức từ trong gia đình - tế bào của xã hội, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, năm 2023, quận Hai Bà Trưng đã tổ chức hội nghị triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; in hơn 10.000 tờ rơi để tuyên truyền tới cơ sở.

Nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, thời gian qua, phường Vĩnh Tuy luôn đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Tuy Trần Thị Minh Vân cho biết: “Phường đã tổ chức 2 hội nghị triển khai, tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí, đồng thời phát hơn 5.000 tờ rơi tuyên truyền bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Đặc biệt, các địa bàn dân cư, tổ dân phố cũng lồng ghép tuyên truyền bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình qua các buổi họp giao ban tại tổ, địa bàn. Cán bộ tổ dân phố đến từng gia đình phát tài liệu, vận động, hướng dẫn, đạt 100% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí”.

Đề cập việc cần thiết phải xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình, ông Hoàng Văn Sướng, Phó Bí thư Thường trực Quận đoàn Cầu Giấy cho rằng, xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp đem lại cuộc sống ấm no cho mỗi cá nhân mà đem lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng. Văn hóa ứng xử trước tiên phải được giáo dục từ chính mỗi gia đình để hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống con người. Nền nếp gia phong đã tạo nên “sức đề kháng” giúp cho mỗi thành viên trong gia đình có điểm tựa tinh thần, vững tin vào cuộc sống.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giu-gin-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-tot-dep-cua-gia-dinh-161608.html