Giữ gìn và phát huy giá trị di tích hang Con Moong

Theo các kết quả nghiên cứu khoa học, Hang Con Moong (thuộc địa phận xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) là nơi đầu tiên phát hiện ra địa tầng có dấu vết của quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt.

Với giá trị lịch sử văn hóa nổi bật đó, hang Con Moong được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 23/11 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong, tại huyện Thạch Thành.

Từ những năm 1975 - 1976, di chỉ khảo cổ hang Con Moong đã được các nhà khảo cổ tiến hành khai quật, phục vụ cho công tác nghiên cứu về thời kỳ đồ đá ở Thanh Hóa. Các nghiên cứu cho thấy địa tầng hang Con Moong thực sự là chứng cứ đặc biệt về truyền thống văn hóa đã mất, là nơi quần cư liên tục của 3 nền văn hóa tiền sử tiêu biểu nhất cho Việt Nam và Đông Nam Á; là văn hóa Sơn Vi, qua văn hóa Hòa Bình đến văn hóa Bắc Sơn. Đồng thời, là sự tiếp nối giữa thời kỳ đá cũ đến đá mới, từ kỹ thuật ghè đẽo đến mài lưỡi công cụ, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt sơ khai.

Du khách tham quan hang Con Moong.

Các lần khai quật tiếp theo năm 2008 - 2009, 2010 - 2014, với sự góp mặt của các chuyên gia khảo cổ đầu ngành trong và ngoài nước đã cho thấy Hang Con Moong có tầng văn hóa rất dày (khoảng từ 3 đến 3,2 m), chứa đựng vết tích văn hóa của nhiều thời đại, từ đá cũ, qua đá mới.

Kết quả phân tích bằng phương pháp Carbon (C14) trên 10 mẫu của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khẳng định niên đại của lớp sớm nhất là cách đây khoảng 15.000 năm, lớp giữa là khoảng 10.000 năm, lớp trên là khoảng 7.000 năm.

Còn kết quả khai quật cho thấy, con người đã có mặt ở hang Con Moong từ khoảng 60.000 năm trước, song không thường xuyên (ở lớp 8 và 9) - khi mà khí hậu trở nên lạnh nhất. Con người tại Hang Con Moong trải hàng vạn năm đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: Từ hái lượm, săn bắt tiến dần đến trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, những di tích liên quan như: Động Người xưa, mái đá Mộc Long, hang Lai, hang Diêm... quanh khu vực cùng với hang Con Moong tạo thành quần thể di tích cho thấy một cộng đồng dân cư cư trú trong một thung lũng rộng lớn, có sự thay đổi về dân số, vị trí cư trú và phương thức sản xuất. Chính các cư dân ở đây đã góp phần tạo dựng nên văn hóa Đa Bút (huyện Vĩnh Lộc) - nền văn hóa của cư dân đầu tiên chiếm lĩnh đồng bằng ven biển Bắc Bộ, tạo dựng nên một nền văn hóa ngoài trời.

Theo ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tỉnh sẽ nhanh chóng tiến hành các bước cụ thể để hoàn chỉnh hồ sơ, lập đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận, cắm mốc giới di tích ngay sau khi công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Chính quyền địa phương cũng cần triển khai ngay những biện pháp khẩn cấp để bảo vệ tính nguyên dạng của di tích để phục vụ công tác khảo sát, nghiên cứu khoa học, xây dựng hồ sơ...

Tỉnh Thanh Hóa sẽ có những kế hoạch dài hơi để duy tu, tôn tạo nâng cấp tuyến đường vào di tích; phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Ban Quản lý rừng quốc gia Cúc Phương trong quá trình lập đồ án Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong, vì hang này tuy thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa nhưng lại thuộc vùng đệm của rừng quốc gia Cúc Phương... Bên cạnh đó, việc tăng cường tuyên truyền cho người dân sống xung quanh di tích chung tay cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản cũng cần được quan tâm đúng mức.

Hang Con Moong đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích khảo cổ cấp quốc gia, Di tích quốc gia đặc biệt và đang trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO xem xét, công nhận trở thành di sản thế giới. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, lập Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là những bước tiến đầy ý nghĩa trên hành trình trở thành Di sản văn hóa Thế giới của hang Con Moong.

Bài và ảnh: Hoa Mai

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/giu-gin-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-hang-con-moong-20161129215325825.htm