Giữ gìn và lan tỏa nghệ thuật hát Trống quân Đức Bác

Nghệ thuật hát Trống quân Đức Bác đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện truyền dạy trực tiếp hát Trống quân Đức Bác tại các trường học tiểu học, THCS trên địa bàn xã Đức Bác, huyện Sông Lô giai đoạn 2021-2025. Đến nay, Sở VH-TT&DL đang triển khai biên soạn, xuất bản tài liệu phục vụ công tác truyền dạy.

Hát Trống quân luôn được người dân xã Đức Bác, huyện Sông Lô trân trọng gìn giữ. Ảnh: Khánh Linh

Hát Trống quân luôn được người dân xã Đức Bác, huyện Sông Lô trân trọng gìn giữ. Ảnh: Khánh Linh

Dân ca Trống quân Đức Bác được hình thành từ tích truyện của làng Kẻ Lép xưa (tức làng Đức Bác, huyện Sông Lô) và làng Phù Ninh (thuộc xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Mỗi khi Xuân về, làng mở tiệc sân đình thì làn điệu Trống quân Đức Bác lại được ngân lên theo lệ “mời đào” Phù Ninh bên kia sông sang.

Đã có thời gian, hát Trống quân bị mai một, thất truyền do ngôi đình Đức Bác bị phá hủy bởi chiến tranh. Tuy nhiên, sau hơn nửa thế kỷ, đến năm 2002, chính quyền địa phương xã Đức Bác đã từng bước khôi phục lại nghệ thuật văn hóa độc đáo này; Câu lạc bộ Hát trống quân được thành lập với nhiều nghệ nhân, người cao tuổi trong làng truyền dạy lại cho con cháu.

Nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa hát Trống quân Đức Bác, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện truyền dạy trực tiếp hát Trống quân Đức Bác tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn xã Đức Bác, giai đoạn 2021-2025; từ đó, trao truyền tinh hoa văn hóa phi vật thể của địa phương cho thế hệ trẻ, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc; đồng thời, bảo tồn, phát huy bền vững giá trị đặc sắc của các làn điệu Trống quân Đức Bác.

Theo đó, chương trình sẽ được phổ biến truyền dạy các làn điệu Trống quân dễ nhớ, dễ thuộc, tính chất tươi vui, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học. Các làn điệu được sáng tạo nghệ thuật, đảm bảo giữ nguyên giá trị cốt lõi, không thực hành truyền dạy sai lệch, biến thể cách điệu hiện đại hóa.

Lớp truyền dạy đảm bảo tính chất, thời gian tiết học; chương trình giáo dục ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm; phối hợp thống nhất về nội dung, phương pháp giữa các nghệ nhân tại cộng đồng và đội ngũ tuyên truyền viên của tỉnh cùng giáo viên âm nhạc của nhà trường trong hoạt động phổ biến truyền dạy, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phương pháp truyền thụ.

Sở VH-TT&DL đang gấp rút biên soạn, xuất bản tài liệu phục vụ tập huấn và truyền dạy trực tiếp trong tháng 12/2021. Các giáo viên âm nhạc bậc tiểu học và THCS huyện Sông Lô sẽ được tập huấn trong công tác giảng dạy do các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian hát Trống quân tại địa phương và đội ngũ tuyên truyền.

Truyền dạy những làn điệu Trống quân Đức Bác đối với học sinh các trường tiểu học và THCS xã Đức Bác còn được tổ chức thông qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, một số tiết học âm nhạc, nội dung giáo dục địa phương Vĩnh Phúc cấp tiểu học và THCS.

Trong giai đoạn 2021-2025, sau mỗi năm học, Sở VH-TT&DL, Sở GDĐT, UBND huyện Sông Lô sẽ tổ chức đánh giá kết quả truyền dạy, đề xuất triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo.

Để triển khai thực hiện truyền dạy trực tiếp hát Trống quân Đức Bác tại các trường học tiểu học, THCS được hiệu quả, ngành Văn hóa đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, giá trị đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này đối với giáo viên, học sinh trên địa bàn huyện Sông Lô cũng như học sinh các nhà trường trên địa bàn tỉnh; góp phần giáo dục truyền thống đối với các thế hệ trẻ, nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm tham gia của cộng đồng, nhân dân địa phương trong việc bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản hát Trống quân Đức Bác.

Tăng cường công tác nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu hát Trống quân; thực hiện đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giảng dạy hát trống quân, tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, âm nhạc gắn với không gian văn hóa hát Trống quân Đức Bác tạo hứng thú cho giáo viên, học sinh; từng bước bảo tồn, truyền dạy và thực hành di sản hát Trống quân trong các trường học trên địa bàn xã Đức Bác nói riêng và huyện Sông Lô nói chung.

Trang bị cho các nhà trường nhạc cụ, đạo cụ, video về hát Trống quân... đảm bảo chất lượng các giờ dạy âm nhạc, trong đó có nội dung truyền dạy hát Trống quân.

Tổ chức các cuộc liên hoan, thi hát về các làn điệu dân ca hát Trống quân cho giáo viên, học sinh trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần phổ biến, quảng bá các làn điệu hát Trống quân Đức Bác.

Tăng cường công tác phối hợp giữa Sở VH-TT&DL với Sở GDĐT, chính quyền địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra các nhà trường trong việc đưa nội dung giáo dục nghệ thuật truyền thống của địa phương vào các nội dung giáo dục trong nhà trường trên địa bàn toàn tỉnh. Chương trình dự kiến sẽ bắt đầu từ học kỳ II, năm học 2021-2022, đến hết năm học 2024-2025.

Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/71406/giu-gin-va-lan-toa-nghe-thuat-hat-trong-quan-duc-bac.html