Giữ gìn phong tục dựng nêu ngày Tết

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều phong tục Tết Cổ truyền của dân tộc dần bị mai một, trong đó có phong tục dựng nêu ngày tết. Song, bằng tinh thần hoài cổ và giữ gìn phong tục tết xưa, nhiều địa phương phục dựng lại nét văn hóa này.

“Cu kêu ba tiếng cu kêu, trông mau đến tết dựng nêu ăn chè”. Nhớ về câu ca dao ấy và phong tục dựng nêu ngày tết, ông Trần Văn Bình (phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) và ông Nguyễn Huỳnh Triều (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) phục dựng tục dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp-ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Ông Huỳnh Triều cho biết: “Mấy năm gần đây, tôi dựng cây nêu ngay tại nhà. Sau đó, thấy nhiều người quan tâm đến phong tục dựng nêu ngày tết, tôi rủ một số anh em phục dựng phong tục dựng nêu tại Công viên phường 3, ngã tư Quốc tế (thuộc đường Hùng Vương nối dài, phường 6) và Đền thờ Nguyễn Trung Trực (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ)”.

Chuẩn bị dựng nêu

Chuẩn bị dựng nêu

Vào ngày 23 tháng Chạp, người dân miền Nam chuẩn bị dựng nêu để đón Tết Nguyên đán và hạ nêu vào mùng 7 tháng Giêng. Cây được chọn để dựng nêu là cây tre già, suôn thẳng, giữ lại phần ngọn. Ngọn nêu được treo nhiều sản vật địa phương như bắp, bánh tét, chuông gió, đèn lồng cùng lá phướn màu đỏ dài trên 5m với dòng chữ Ngươn - Hanh - Lợi - Trinh uốn lượn trong gió như gửi gắm mong ước tốt đẹp trong năm mới. Sau khi thượng nêu, nghi thức cúng tiên sư được tổ chức bài bản theo đúng tập tục truyền thống, thể hiện lòng tri ân đối với tổ tiên và các bậc tiền nhân.

“Cây nêu là hình ảnh đặc trưng của ngày Tết Cổ truyền Việt Nam. Cây nêu dựng lên là tết bắt đầu, hạ nêu là kết thúc tết. Theo quan niệm xưa, việc dựng cây nêu ngày tết có ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, bảo vệ gia chủ. Ngoài ra, cây nêu còn được coi là cây vũ trụ nối liền giữa đất và trời, thể hiện triết lý âm dương giao hòa. Cuối năm, dựng cây nêu vươn lên cao là để đón không khí ấm áp của mùa xuân, cầu mong năm mới "mưa thuận gió hòa", cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. Đặc biệt, ngoài ý nghĩa trên, người dân miền Nam còn tưởng nhớ, tri ân tổ tiên đã vào vùng đất phương Nam khai hoang, lập ấp” - ông Huỳnh Triều chia sẻ thêm.

Cây nêu vươn lên nền trời xanh đón gió xuân

Cây nêu vươn lên nền trời xanh đón gió xuân

Theo ông Bình, từ nhỏ, ông đã thấy ông bà, cha mẹ dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp. Việc làm này duy trì rất nhiều năm nhưng cách đây gần 20 năm, khi cha của ông Bình mất, gia đình không còn dựng nêu. "Bị cuốn vào guồng quay của công việc, tôi không có thời gian duy trì truyền thống của gia đình. Song, 3 năm trở lại đây, gia đình bắt đầu dựng lại cây nêu ngày tết trước sân nhà. Việc dựng cây nêu mang tính giáo dục và ý nghĩa rất sâu sắc, vừa nhắc nhớ công lao tiền nhân, vừa giáo dục thế hệ trẻ hiểu rằng, dù trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng ông cha ta vẫn nhớ đến ngày Tết Cổ truyền" - ông Bình chia sẻ.

Cây nêu cao cao, rộn rã những âm thanh vui tai, vươn lên nền trời xanh đón gió xuân, xua trừ điều không may, cung nghinh những thịnh vượng, tốt đẹp trong năm mới. Tất cả tạo nên một không gian tết ấm cúng, ý nghĩa và có chút hoài niệm tết xưa./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giu-gin-phong-tuc-dung-neu-ngay-tet-a148443.html