Giữ gìn chuẩn mực tiếng Việt

Việc Công ty TNHH Thường Nhật vừa chủ động điều chỉnh, thay đổi bảng hiệu 'ga tàu thủy' thành 'bến tàu' tại 12 điểm đón, trả khách của tuyến buýt sông số 1 TP Hồ Chí Minh là một động thái cầu thị, đúng lẽ phải, hợp lòng người.

Bởi lẽ trước đó, doanh nghiệp này khi làm các bảng hiệu đã đổi tên “bến tàu” thành “ga tàu thủy” (ví như “Ga tàu thủy Thủ Thiêm) khiến dư luận phản ứng. Bao lâu nay, từ “ga” thường dùng cho hoạt động hàng không, đường sắt, chưa bao giờ dùng với nghĩa “bến tàu thủy”. Dưới sông có ghe, có thuyền, có tàu bè, ca nô... thì trên phải là bến. Câu thành ngữ “trên bến dưới thuyền” đã phản ánh chính xác nội hàm đó.

Cách đây mấy năm, dư luận từng lên tiếng mạnh mẽ về một thông tư của cơ quan quản lý nhà nước đưa ra khái niệm “trạm thu giá BOT” thay cho “trạm thu phí BOT”. Việc tự ý thay đổi tên này cũng sai bản chất, cho nên ít lâu sau đó, cơ quan ban hành văn bản buộc phải trả lại tên “trạm thu phí”. Bởi vì, giá chỉ là biểu hiện về giá trị, mà không phải là cái gì cụ thể, do vậy không thể thu hay nộp. Còn phí-theo Từ điển tiếng Việt giải thích-là khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó”.

Cách dùng từ ga tàu thủy được cho là chưa phù hợp. Ảnh: Congan.com.vn

Từ hai câu chuyện nêu trên cho thấy, không chỉ một bộ phận người dân nói, viết tiếng Việt không đúng chính tả, ngữ pháp và sử dụng từ ngữ sai bản chất mà ngay cả với một số cơ quan, tổ chức cũng như một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức cũng có lúc mắc những lỗi ngô nghê, thậm chí ngớ ngẩn. Trong văn bản hành chính không chỉ xuất hiện những câu cụt, câu dài lê thê mà đôi khi người soạn thảo dùng cả tiếng lóng không chính danh, ví như: Cò mồi, cò đất, xe dù, bến cóc, phe vé, bảo kê...

Văn bản hành chính đòi hỏi phải mang tính chuẩn mực cao cả về hình thức, kỹ thuật trình bày và ngôn ngữ sử dụng, nên khi viết sai chính tả, ngữ pháp và dùng từ ngữ không chính xác, chính danh có thể dẫn đến những hiểu lầm tai hại. Việc người dân, học sinh, sinh viên nói sai, viết sai đã là điều đáng trách. Càng đáng trách hơn đối với các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức lại không chú ý rèn chữ, luyện câu nên để xảy ra sơ suất, sai sót trong việc tham mưu, ban hành văn bản khiến dư luận xôn xao, phiền lòng.

Các nhà văn hóa đã nhận định, cùng với quốc kỳ, quốc ca, ngôn ngữ là một trong 3 biểu tượng cơ bản để khẳng định chủ quyền văn hóa của một quốc gia độc lập. Tiếng ta còn, nước ta còn. Trong bối cảnh thời đại toàn cầu hóa hiện nay, ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp và tư duy mà nó còn là một trong những dấu hiệu cơ bản để nhận biết, định vị bản sắc văn hóa của dân tộc.

Nhìn trên phương diện khoa học giáo dục, tự thân ngôn ngữ cũng mang ý nghĩa góp phần giáo dục, điều chỉnh, định hướng tư tưởng, nhận thức, thái độ, hành động của con người. Do đó, việc sử dụng câu từ, ngữ nghĩa đúng lúc, đúng chỗ, đúng nội hàm, đúng chính tả, đúng văn phong chính là một cách giữ gìn sự trong sáng, chuẩn mực của tiếng Việt.

Ý nghĩa hơn, việc làm này còn góp phần xây dựng môi trường văn hóa thông tin lành mạnh. Trách nhiệm này là của mọi người Việt, nhưng trước hết phải là trách nhiệm thường trực của các nhà trường, giáo viên, nhà văn, nhà báo và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

PHÚC NỘI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giu-gin-chuan-muc-tieng-viet-767900