Giữ đà tăng trưởng công nghiệp

Năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 13,69% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của công nghiệp Khánh Hòa trong vòng 10 năm qua. Năm 2024, để tiếp tục giữ được mức tăng trưởng này cần có sự cố gắng rất nhiều từ các doanh nghiệp và sự điều hành của cơ quan nhà nước.

Tăng trưởng ấn tượng

Năm 2023, công nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,69% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua, góp phần đưa công nghiệp của tỉnh vào tốp 10 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao của cả nước. Trong đó, đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp là các ngành: sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí gấp 2,38 lần; đóng tàu tăng 10,08%; điện sản xuất tăng gấp 4,26 lần; điện thương phẩm tăng 16,85%. Các quý trong năm đều có mức tăng trưởng đều đặn so với cùng kỳ năm 2022 (quý I tăng 4,56%; quý II tăng 10,31%; quý III tăng 21,35%; quý IV tăng 18,23%).

Kiểm tra điện tại Trạm biến áp 50kV Vân Phong.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, sở dĩ năm 2023, công nghiệp của tỉnh có sự tăng trưởng đột phá, xuất phát từ việc các doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất ổn định nên ngành sản xuất và phân phối điện tăng rất cao. Đặc biệt, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đi vào vận hành đã đóng góp rất lớn cho chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp chung của tỉnh. Ông Trần Đăng Hiền - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho biết, năm 2023, nhiều doanh nghiệp sản xuất bắt đầu hoạt động ổn định trở lại nên mức tiêu thụ điện năng tăng cao. Bên cạnh đó, ngành du lịch phục hồi, khách lưu trú tăng cũng đã góp phần kích thích cho điện thương mại tăng trưởng. Năm 2023, sản lượng điện thương phẩm của công ty đạt 2.747 triệu kWh, tăng 13,57% so với năm 2022. Trong đó, mức tiêu thụ điện của nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 15,17%; công nghiệp, xây dựng tăng 5,56%; thương nghiệp, khách sạn tăng 28,76%; quản lý tiêu dùng tăng 16,95% và hoạt động khác tăng 13,08%...

Ông Lê Văn Toàn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam cho biết, lĩnh vực đóng tàu có mức tăng cao là do kinh tế thế giới đã dần ổn định sau dịch Covid-19; Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam đã mở rộng năng lực đóng mới, đầu tư thêm trang thiết bị và bổ sung lực lượng lao động. Do đó, năm 2023, công ty đóng được 13 tàu, bàn giao 12 tàu (trong đó có 2 chiếc trọng tải 110.000 tấn), doanh thu đạt 558 triệu USD, nộp ngân sách 13 triệu USD.

Chủ động thực hiện nhiều giải pháp

Theo ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương, năm 2024, hoạt động công nghiệp, thương mại của tỉnh sẽ còn gặp khó khăn, như: Một số ngành, sản phẩm chủ lực còn phụ thuộc vào nhập khẩu và thị trường tiêu thụ ở nước ngoài; thị trường xuất khẩu ngày càng gia tăng những tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật đối với các mặt hàng, nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại ở nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số sản xuất công nghiệp. “Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển của ngành Công Thương trong năm 2024, Sở Công Thương đề ra 13 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đặt mục tiêu duy trì mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; Chương trình phát triển công nghiệp và thương mại Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn cho nhà đầu tư khi thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tham mưu lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; phối hợp với các sở, ban, ngành kêu gọi đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng thương mại, thu hút đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ logistics và gắn kết công nghệ thông tin trong logistics" - ông Nguyễn Sanh Đương cho biết.

Các doanh nghiệp công nghiệp ở khu vực Nam Vân Phong.

Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đề ra, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, huy động nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, tăng cường gặp gỡ, trao đổi, đối thoại nắm bắt thông tin, đồng hành với doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoàn thành các dự án và sớm đưa vào hoạt động, như: Cụm Công nghiệp Diên Thọ, Cụm Công nghiệp Ninh Xuân, các dự án liên quan đến ngành Công Thương...; phối hợp với các đơn vị kêu gọi thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp.

Đ.LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202401/giu-da-tang-truong-cong-nghiep-7173d0d/