Giữ chân cán bộ y tế - Bài cuối: Những giải pháp quyết liệt, kịp thời

Ngành Y tế, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để bảo đảm giữ chân, duy trì nhân lực y tế.

Cần nhiều những giải pháp kịp thời để đảm bảo nhân lực y tế. Ảnh: TTXVN

Động viên, tìm cách lấp lỗ hổng

Từ những nguyên nhân ảnh hưởng đến thực trạng làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc vừa qua, ngành y, các địa phương đã kịp thời có các giải pháp để giữ chân nhân lực; đồng thời bổ sung nhân lực thiếu hụt.

“Nhờ cải thiện được nguồn thu nhập qua chính sách hỗ trợ của Thành phố, vừa qua tốc độ nghỉ việc của nhân viên y tế đã đỡ hẳn. Nhiều nhân viên trước đây làm việc tại bệnh viện xin nghỉ nay cũng nộp đơn làm việc lại. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tuyển thêm được nhân sự là các sinh viên mới ra trường. Hiện bệnh viện đang trong qua trình củng cố lại nhân sự. Bệnh viện cũng sẽ mở thêm khu khám ngoài giờ, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh để tăng số lượng bệnh nhân lên. Khi lượng bệnh nhân tăng thì đời sống nhân viên cũng được cải thiện hơn”, bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn chia sẻ.

Về việc giải quyết tình trạng thiếu nhân lực khi có nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết: “Vừa qua, Bệnh viện đã phải kịp thời tuyển dụng các các bộ trẻ, có trình độ tốt nghiệp bác sĩ nội trú, là những hạt nhân về để tiếp tục đào tạo. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi phải chấp nhận tình huống này. Bệnh viện đã và đang đào tạo cho lực lượng này để có được nguồn lực sẵn sàng đáp ứng khi cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam đi vào hoạt động”.

Theo đó, Bệnh viện đã phải rất quyết liệt, nỗ lực để giữ chân cán bộ y tế. Cả hệ thống chính trị của Bệnh viện phải vào cuộc động viên, chia sẻ và tìm cách tháo gỡ. Từ tổ chức Công đoàn đến chính quyền, chi bộ Đảng ủy, Ban giám đốc, Hội đồng quản lý Bệnh viện tích cực động viên từng cán bộ y tế. Thực tế, có nhiều cán bộ y tế yêu nghề, yêu Bệnh viện họ vẫn trụ lại, kể cả lúc khó khăn nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, vừa qua, ngành y đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, biến cố. Đặc biệt, là sau khoảng 3 năm chống dịch COVID-19 đã phát sinh thêm nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác y tế, tác động không nhỏ đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế.

Để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm duy trì nhân lực y tế như: Kịp thời động viên tinh thần, biểu dương, khen thưởng; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế, huy động các nguồn lực hỗ trợ khác của xã hội...

Đến nay, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế đã từng bước được cải thiện, số liệu khảo sát về sự hài lòng của nhân viên y tế cũng đã tăng lên.

Nhân viên y tế cũng cần có môi trường tốt, đảm bảo đầy đủ thiết bị y tế để làm việc. Ảnh: TTXVN

Cần lộ trình gỡ “nút thắt”

Vừa qua, ngành y tế, các địa phương đã có những chính sách hỗ trợ ngành y tế, để kịp thời giải quyết vấn đề đãi ngộ, thu nhập cho cán bộ y tế.

Tại TP Hồ Chí Minh, trước những khó khăn về tài chính tại các bệnh viện, cuối năm 2022 Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phân bổ kinh phí từ ngân sách thành phố hỗ trợ 17 bệnh viện đang gặp khó khăn trong chi trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế. Giải pháp này đã kịp thời giúp các bệnh viện giảm được khó khăn, hỗ trợ thêm cho nhân viên y tế.

Riêng trong năm 2023, thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 2023 cũng được Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh điều chỉnh tăng lên 1,8 lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ; nhờ đó nhân viên y tế đã yên tâm hơn để công tác.

Còn tại Hà Nội, vừa qua, thành phố đã ban hành Nghị quyết 19, hỗ trợ toàn thể nhân viên y tế và các ngành khác với mức cao nhất là 10 triệu, thấp nhất 5 triệu đồng. Để tăng cường nhân lực y tế, Sở Y tế Hà Nội cũng cho phép bệnh viện công ký hợp đồng chuyên môn, hợp đồng lao động từ nguồn tự chủ để bố trí nhân sự bù đắp vị trí còn thiếu. Trong quý 3, quý 4 năm 2022, thành phố tổ chức thi tuyển, dự kiến thêm khoảng 30.000 viên chức để bù đắp lực lượng thiếu hụt. Sở Y tế Hà Nội cũng ký hợp đồng với Trường Đại học Y Hà Nội để đào tạo bác sĩ nội trú, xây dựng đề án tuyển dụng năm 2023 và chính sách giữ chân nhân sự.

Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 5/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó, điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Cụ thể, quy định mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng: “Có thực mới vực được đạo”, cần phải tăng thu nhập cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tương xứng với trình độ năng lực và cống hiến của họ. Ngành y là ngành nghề đặc biệt, đào tạo đặc biệt, làm việc đặc biệt và cũng cần được đãi ngộ đặc biệt”.

Cách chính sách đãi ngộ đang dần được cải thiện; tuy nhiên, bên cạnh giải quyết vấn đề về thu nhập, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều vấn đề lâu dài cần giải quyết như: Tạo môi trường làm việc tốt, an toàn, giải quyết nhiều vướng mắc của ngành y để cán bộ y tế yên tâm công tác, cống hiến...

Cũng theo TS. Nguyễn Huy Quang, bên cạnh việc đảm bảo thu nhập, cán bộ y tế cũng cần có phương tiện, môi trường tốt để làm việc; cơ sở y tế cần phải đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao... thì người thầy thuốc mới có thể yên tâm làm việc và phát huy được năng lực. Bên cạnh đó, môi trường làm việc cũng phải được đảm bảo an toàn.

“Chúng ta đang cố gắng tháo gỡ những khó khăn cho ngành y tế, việc này không thể ngày một, ngày hai có thể giải quyết được ngay, mà cần có lộ trình và sự quyết liệt. Chúng tôi cũng tin tưởng, những khó khăn này sẽ sớm được tháo gỡ trong thời gian tới”, PGS.TS Đào Xuân Cơ chia sẻ.

Tạ Nguyên - Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/giu-chan-can-bo-y-te-bai-cuoi-nhung-giai-phap-quyet-liet-kip-thoi-20230225112410970.htm