Giữ bình ổn giá cả hàng hóa trong thời điểm tăng lương cơ sở

Từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng/tháng, áp dụng cho khối cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang. Khác với những kỳ tăng lương trước, lần này giá các mặt hàng thiết yếu chỉ tăng nhẹ, thị trường cơ bản ổn định. Điều này cũng giúp chia sẻ một phần khó khăn, nhất là đối với nhóm đối tượng công nhân, lao động (CNLĐ), những người làm việc ngoài Nhà nước.

Giá cả mặt hàng thiết yếu ổn định

Từ ngày 01/7/2023, anh Nguyên - công chức trên địa bàn TP.Tân An, có mức thu nhập tăng thêm trên 1 triệu đồng/tháng từ việc tăng mức lương cơ sở. Mặc dù mức tăng thêm không quá cao nhưng đây cũng là một khoản tiền giúp anh và gia đình trang trải cuộc sống, nhất là khi chi phí sinh hoạt, tiền điện ngày càng tăng trong thời gian qua.

“Việc mức tăng lương cơ sở phần nào giúp những người làm việc trong khối cơ quan Nhà nước có thêm tiền trang trải cuộc sống. Tôi cũng rất mong, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục có chính sách cải cách tiền lương để cán bộ, công chức có mức thu nhập phù hợp, yên tâm công tác” - anh Nguyên nói.

Nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh ổn định nhưng sức mua không cao

Tương tự, anh Nguyễn Văn Toản (phường 4, TP.Tân An) cho rằng, sau nhiều năm không tăng mức lương cơ sở, kỳ tăng lương này mặc dù không quá nhiều nhưng cũng giúp gia đình anh trang trải một phần chi phí sinh hoạt hàng tháng. “Điều tôi mừng nhất là so với những kỳ tăng lương trước, lần này giá cả các mặt hàng ổn định hơn. Các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, thịt, cá vẫn giữ mức giá ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ. Tôi hy vọng giá cả thị trường tiếp tục duy trì ổn định” - anh Toản chia sẻ.

Ghi nhận tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP.Tân An, sức mua của người dân không cao, ngoài các mặt hàng rau, củ có mức tăng nhẹ từ 1.000-2.000 đồng/kg, cơ bản các mặt hàng thịt, cá có giá ổn định. Theo một số tiểu thương, đây là lần đầu tiên các mặt hàng thiết yếu không có sự biến động nhiều sau khi điều chỉnh tăng lương. Chị Hoa - tiểu thương chợ phường 1, TP.Tân An, cho biết: “Dù giá cả không có nhiều biến động nhưng sức mua tại chợ vẫn không tăng. Thậm chí trong khoảng 3 tháng trở lại đây, sức mua của người dân còn giảm”.

Tại các chợ dân sinh khá vắng người mua dù giá các mặt hàng tương đối bình ổn

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh, đến nay, Sở chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Qua khảo sát của Phòng Quản lý thương mại về giá cả thị trường trong tháng 6/2023, nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, sức mua của người dân giảm. Ngoài ra, các siêu thị, cửa hàng: Co.opmart, San Hà Foodstore, Bách Hóa Xanh, Winmart,... có sức mua hàng hóa ổn định.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá cả hàng hóa tăng cao.

Đời sống công nhân, lao động còn gặp nhiều khó khăn

Thông tin từ Sở LĐ - Thương binh và Xã hội, qua rà soát, tổng hợp từ các địa phương, từ đầu năm 2023 đến nay, có 41.230 LĐ bị giảm giờ làm; 18.310 LĐ bị ngừng việc tạm thời; có 17 lượt doanh nghiệp (DN) báo cáo phương án sử dụng LĐ với 2.474 LĐ bị mất việc làm. Nguyên nhân do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số DN, tác động tiêu cực đến thị trường LĐ trong nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ còn xảy ra tình trạng LĐ bị mất việc làm, giảm giờ làm và nghỉ không hưởng lương do DN thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người LĐ.

Chị Võ Thị Mai (huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Việc tăng lương cơ sở cũng khiến CNLĐ gặp khó khăn khi giá cả một số mặt hàng tăng nhẹ. DN tôi đang làm 4 năm qua không áp dụng tăng lương cho LĐ có thâm niên làm việc trên 3 năm. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, công ty (Cty) ít đơn hàng nên hầu hết CN không còn tăng ca hoặc tăng ca rất ít khiến thu nhập giảm sút nhiều so với trước đây. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao, tiền nhà trọ, tiền điện đều tăng. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều LĐ trong Cty xin nghỉ việc về quê. Tôi rất mong Chính phủ sớm điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng để bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho CNLĐ”.

Công nhân, lao động bị cắt giảm thu nhập do doanh nghiệp thiếu đơn hàng (ảnh minh họa)

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn LĐ tỉnh - Lê Thị Thu Cúc, qua khảo sát, năm nay, đời sống CNLĐ gặp nhiều khó khăn; nhiều nhà máy, xí nghiệp không có đơn hàng phải thu hẹp sản xuất. “Trước đây, CNLĐ ngoài làm việc trong giờ hành chính còn thường xuyên tăng ca để cải thiện thu nhập nhưng hiện nay, đa số DN cắt giảm LĐ, cắt giảm giờ làm, không cho CN tăng ca, nhiều Cty còn cho CN nghỉ ngày thứ bảy. Vì vậy, thu nhập của CNLĐ bị giảm sút, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt” - bà Lê Thị Cúc cho biết.

Bên cạnh đó, việc tăng lương cơ sở vừa qua cũng tác động đến CNLĐ. Theo bà Lê Thị Thu Cúc, từ trước thời điểm tăng lương cơ sở, rất nhiều CNLĐ liên tục điện thoại qua đường dây nóng để hỏi việc tăng lương. Tuy nhiên, việc tăng lương cơ sở chỉ áp dụng cho khối cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang. Vì vậy, Liên đoàn LĐ tỉnh cũng đề nghị Liên đoàn LĐ các địa phương, khu công nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động CNLĐ hiểu và đồng thuận. Năm 2022, CNLĐ đã được hưởng quyền lợi khi tăng lương tối thiểu vùng theo Nghị định của Chính phủ. Đến nay, qua khảo sát, tất cả DN sử dụng LĐ trên địa bàn tỉnh đều trả cho người LĐ mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng được quy định.

“Mặc dù CNLĐ không được tăng lương như khối cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang nhưng việc tăng lương cơ sở cũng giúp CNLĐ được tăng quyền lợi với 11 khoản người LĐ được hưởng tăng theo mức tăng của lương cơ sở như tăng trợ cấp ốm đau, trợ cấp chế độ thai sản,... theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội” - bà Lê Thị Thu Cúc thông tin./.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,71%

Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,71% so cùng kỳ năm 2022. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so cùng kỳ.

Trong đó, nhóm giáo dục tăng mạnh nhất 28,25%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 10,20%; nhóm may mặc, nón và giày, dép tăng 4,82%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,85%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,71%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,57%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,33%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,51%; nhóm bưu chính - viễn thông tăng 0,41%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%; riêng nhóm giao thông có chỉ số giá giảm 6,68% so cùng kỳ.

Kiên Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giu-binh-on-gia-ca-hang-hoa-trong-thoi-diem-tang-luong-co-so-a159416.html