Giữ ánh sáng cho đôi mắt

Nếu không quan tâm đến đôi mắt, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo hoặc chủ quan khi có vi chấn thương, hậu quả nhiều khi rất nặng nề: Bệnh nhân có thể bị mù lòa.

Báo Phú Yên trao đổi với ThS-BS Nguyễn Thị Băng Sâm, phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Phú Yên về một số bệnh/chấn thương có nguy cơ gây mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.

ThS-BS Băng Sâm trao đổi, động viên bệnh nhân trước khi phẫu thuật mắt. Ảnh: BVM

ThS-BS Băng Sâm trao đổi, động viên bệnh nhân trước khi phẫu thuật mắt. Ảnh: BVM

* Thưa bác sĩ, đâu là những bệnh về mắt thường gặp và có thể dẫn đến mù lòa?

- Theo số liệu điều tra đánh giá nhanh các nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng chống được trên quy mô toàn quốc của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nguyên nhân gây mù chính là đục thể thủy tinh, chiếm tới 74%.

Tại Phú Yên, do đặc thù về địa lý, thời tiết và điều kiện kinh tế ở địa phương, một số bệnh gây mù lòa thường gặp là đục thủy tinh thể (cườm khô), glaucoma (cườm nước), bệnh võng mạc đái tháo đường và các vi chấn thương.

Đục thủy tinh thể là bệnh rất phổ biến, gây mù lòa hàng đầu trong số các bệnh mắt. Bệnh có nhiều nguyên nhân, như: Thoái hóa do tuổi già, bẩm sinh, chấn thương, viêm nhiễm mãn tính tại mắt, thứ phát sau một số bệnh toàn thân như đái tháo đường, viêm khớp mãn tính… Trong số đó, đục thủy tinh thể do tuổi già là thường gặp nhất.

Ở người trẻ, thủy tinh thể có cấu trúc hình thấu kính hai mặt lồi, trong suốt, nằm ngay sau mống mắt. Thủy tinh thể là một trong những môi trường trong suốt cho ánh sáng đi qua. Ở người già, cấu trúc này bị thay đổi; các sợi cấu tạo thủy tinh thể bị keo hóa và đông đặc lại thành khối đục cản trở ánh sáng vào võng mạc, gây nên hiện tượng đục thủy tinh thể.

Triệu chứng của đục thủy tinh thể diễn ra từ từ. Ban đầu, người bệnh thấy mờ nhẹ, xuất hiện đốm mờ, chói mắt, nhạy cảm với ánh sáng. Các dấu hiệu này sẽ tăng dần, càng về sau mắt càng mờ nhiều. Giai đoạn nặng, người bệnh chỉ còn nhận biết bóng các đồ vật xung quanh. Nếu không được phẫu thuật, thủy tinh thể sẽ vỡ ra gây các biến chứng nặng hơn và mù vĩnh viễn.

Bệnh glaucoma là sự tổn hại thần kinh thị giác không thể hồi phục do tăng áp lực bên trong nhãn cầu gây chèn ép thần kinh thị kéo dài. Nguyên nhân gây bệnh phần lớn do cấu trúc bất thường của mắt khiến cho sự lưu thông thủy dịch giữa mắt và hệ thống tuần hoàn chung bị tắc nghẽn. Điều đáng lưu ý là bệnh thường xảy ra trên người có cấu trúc mắt nhỏ - đặc điểm chung của chủng tộc người Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những người có nguy cơ cao là phụ nữ trên 40 tuổi, người có tâm lý dễ lo âu, mất ngủ, người có người thân trong gia đình bị glaucoma.

Bệnh võng mạc đái tháo đường là tình trạng bệnh lý với các tổn thương xảy ra ở võng mạc do bệnh đái tháo đường gây nên. Đường máu cao kéo dài làm tổn thương các mạch máu của toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, biểu hiện rõ nhất ở các vi mạch máu. Tại mắt, sự suy yếu mạch máu dẫn đến xuất huyết, xuất tiết, vỡ và tắc mạch võng mạc. Hậu quả là sự tăng sinh tân mạch để bù trừ thiếu dưỡng đó.

Các vi chấn thương cũng là một nguyên nhân dẫn đến mù lòa. Phú Yên là một tỉnh nông nghiệp với hơn 67% dân số làm nông. Do đặc thù công việc, người dân thường gặp các vi chấn thương tại mắt, như hạt lúa văng vào mắt; cỏ cây, bùn đất rơi vào mắt; lá mía quẹt gây trầy xước mắt; mạt sắt ghim vào mắt… Các vi chấn thương này ban đầu rất dễ lầm là nhẹ khiến người bệnh thường chủ quan không đi khám ngay. Họ không biết rằng những vi chấn thương nông nghiệp thường mang nhiều vi khuẩn, nấm và virus, nếu không sớm được xử trí sẽ phá hủy tổ chức của mắt, sau vài ngày gây mủ lan rộng trong nhãn cầu không thể điều trị được.

* Vậy làm thế nào phòng tránh nguy cơ mù lòa, thưa bác sĩ?

- Mỗi bệnh gây mù có những nguy cơ và cách phòng tránh khác nhau. Nguyên tắc chung đầu tiên là bảo hộ lao động. Khi lao động, chúng ta chú ý mang kính bảo vệ mắt để tránh các ngoại vật rơi vào mắt. Thứ hai, cần tránh ánh sáng mạnh và trực tiếp, như mang kính râm, kính đổi màu để cản bớt ánh sáng khi đi dưới trời nắng gắt hoặc khi làm việc dưới ánh sáng cường độ mạnh như hàn điện… Bên cạnh đó, chúng ta cần ăn uống lành mạnh với chế độ ăn đa dạng, giàu chất xơ, uống nhiều nước, hạn chế thức ăn, đồ uống nhiều đường và dầu mỡ. Việc này sẽ làm chậm quá trình lão hóa. Trong nhiều trường hợp, tăng cường vitamin C sẽ làm chậm quá trình đục thủy tinh thể do tuổi già; ngoài ra, cần quan tâm đến việc cân bằng cuộc sống, có chế độ học tập, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; nên giảm bớt thời gian ngồi trước màn hình điện tử để tránh tác hại của bức xạ từ các thiết bị này. Ngủ sớm và đủ giấc, tránh lo âu sẽ giảm được nguy cơ gây ra glaucoma.

* Khi nào thì người dân phải đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị?

- Theo các chuyên gia, nếu không có vấn đề gì về mắt, chúng ta nên khám mắt định kỳ 5-10 năm/lần ở tuổi 20-30, 2-4 năm/lần ở tuổi 40-65, 1-2 năm/lần ở tuổi trên 65.

Nếu bạn có các dấu hiệu sau đây thì nên đi khám mắt sớm: Mờ mắt, nhất là mờ mắt đột ngột. Việc mờ mắt hai bên cùng lúc rất dễ nhận biết nhưng mờ mắt một bên thường dễ bị bỏ qua. Do đó, thỉnh thoảng bạn kiểm tra từng mắt bằng cách lấy tay che từng bên mắt để phát hiện mờ mắt một bên. Khi có chấn thương tại mắt, hãy đi khám sớm. Bất kỳ chấn thương nào dù nhẹ tại mắt cũng nên được khám bởi bác sĩ nhãn khoa. Bằng mắt thường chúng ta không nhìn thấy những vi chấn thương sâu trong các tổ chức của mắt. Tuyệt đối không cố gắng tự lấy ngoại vật rơi vào mắt ở nhà.

Khi mắc các bệnh toàn thân như đái tháo đường, bệnh phải dùng thuốc chống viêm kéo dài như viêm khớp, lupus ban đỏ, bệnh nhân cũng cần đi khám mắt thường xuyên.

Những người có nguy cơ cao như phụ nữ trên 40 tuổi, mắt nhỏ, người thường xuyên mất ngủ, đau đầu hay lo âu, trầm cảm cần khám mắt sớm.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/95/288150/giu-anh-sang-cho-doi-mat.html