Giới trẻ Trung Quốc sợ hói đầu

Người trẻ Trung Quốc dần dịch chuyển thói quen chăm da mặt sang chăm sóc tóc và da đầu, biến quốc gia này thành thị trường béo bở cho các thương hiệu haircare.

Trung Quốc là thị trường màu mỡ đối với các nhãn hàng haircare. Ảnh minh họa: Jing Daily.

Lĩnh vực chăm sóc tóc đang bùng nổ tại Trung Quốc. Theo Euromonitor, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) từ 2019 đến 2023 ở quốc gia này là 6,7%. Các thương hiệu nước ngoài chiếm thị phần lớn.

Nhiều KOL tại Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng, tập trung thực hiện nội dung chăm sóc da đầu và tóc thay vì da mặt như trước kia.

Trước khi ra ngoài, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội ChenChen (33 tuổi) bắt đầu chải tóc, xoa một vài giọt huyết thanh lên da đầu. Sau đó, cô làm ướt tóc, bôi dầu gội trong 2 phút trước khi gội sạch. Các bước chăm sóc kết thúc bằng việc ủ tóc trong 10 phút rồi xả.

Bài đăng đơn giản, ghi lại các bước chăm sóc tóc hàng ngày của Chen thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, đem về 15.000 lượt thích.

Áp lực công việc, các phương pháp tạo kiểu và thuốc nhuộm tóc thời trang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rụng tóc ở người trẻ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Pexels/Cottonbro Studio.

Người trẻ rụng tóc sớm

“Sự quan tâm đến sức khỏe da đầu của người trẻ Trung Quốc ngày càng tăng cao. Hơn nửa triệu bài đăng liên quan đến chủ đề này được ghi nhận trên mạng xã hội”, Dao Nguyen, nhà sáng lập công ty sản xuất nước hoa và sản phẩm làm đẹp Essenzia ByDao, cho biết.

Nhóm người dùng Gen Z góp phần lớn vào doanh thu ngành hàng chăm sóc tóc cao cấp. Theo Jing Daily, thế hệ trẻ bị rụng tóc sớm hơn 20 năm so với thế hệ trước.

Liu Haier, Giám đốc truyền thông tại công ty tiếp thị The Chinese Pulse, cho biết hiện tượng này chủ yếu đến từ văn hóa làm việc 996 ở Trung Quốc. Nhiều công ty yêu cầu nhân viên làm việc từ 9-21h trong 6 ngày/tuần.

“Người lao động có xu hướng rụng tóc do áp lực lớn. Do đó, khâu chăm sóc tóc và da đầu ngày càng trở nên quan trọng, góp phần giải tỏa mệt mỏi, giúp thư giãn cơ thể và tâm trí”, Liu chia sẻ.

Ngoài ra, Liu Haier cũng cho rằng các phương pháp tạo kiểu và thuốc nhuộm thời trang là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng hư tổn tóc.

Theo Hiệp hội Giáo dục và Xúc tiến Y tế Trung Quốc, khoảng 250 triệu người ở đất nước này phải đối mặt với tình trạng rụng tóc thường xuyên. Vì vậy, quốc gia này là thị trường béo bở đối với các thương hiệu chăm sóc tóc.

Thị trường hấp dẫn này hiện vẫn bị thống trị bởi các “ông lớn” trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như P&G và Unilever. Các công ty này dẫn đầu, chiếm đến 34% thị phần Trung Quốc.

Nhờ nhận thức về sức khỏe da đầu tăng cao, người tiêu dùng Trung Quốc đầu tư vào huyết thanh mọc tóc, dầu gội chứa vitamin và dầu xả hữu cơ. Theo thống kê của nền tảng thương mại điện tử JD trong đầu năm nay, doanh số bán các sản phẩm dầu gội cao cấp có mức giá khoảng 17 USD tăng hơn 114% so với cùng kỳ năm 2023.

Khách hàng sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc cao cấp chủ yếu là phụ nữ thành thị, ở độ tuổi từ 25 đến 39.

Sàn TMĐT giúp các thương hiệu chăm sóc tóc tiếp cận người triêu dùng Trung Quốc. Ảnh minh họa: Pexels/Cottonbro Studio.

Sàn thương mại điện tử và phiên livestream

Năm 2020, Olaplex xuất hiện tại Trung Quốc, trở thành thương hiệu chăm sóc tóc hàng đầu trên nền tảng mua sắm trực tuyến Tmall Global. Một nhãn hàng khác có bước tiến lớn là Kérastase, chiếm 16% doanh số bán các sản phẩm cải thiện sức khỏe da đầu trên Tmall.

Người trẻ Trung Quốc dần xây dựng thói quen chăm sóc, đối xử với tóc như làn da. Những người tiêu dùng vốn hiểu biết về làm sạch da dần áp dụng quy trình chăm sóc này lên da đầu và mái tóc.

Vì vậy, khâu chăm tóc ngày càng trở nên phức tạp, bao gồm nhiều công đoạn như gội, xả, tẩy tế bào chết da đầu, đắp mặt nạ tóc, sử dụng dưỡng chất,...

“Trí tuệ hóa làn da” là xu hướng làm đẹp ngày càng phát triển tại Trung Quốc. Trào lưu này cũng được áp dụng cho khâu chăm sóc tóc. Khách hàng không chỉ chọn sản phẩm bất kỳ, mà còn tìm kiếm những mặt hàng không chứa chất phụ gia, dành cho các loại tóc khác nhau.

Các sàn thương mại điện tử đa quốc gia như Tmall Global và JD Worldwide trở thành cầu nối, giúp nhiều thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng một cách dễ dàng. Nhãn hàng chăm sóc tóc cao cấp Oribe mở gian hàng chính thức trên Tmall vào năm 2021, hiện đạt gần 11.000 lượt theo dõi.

Nhũng phiên phát trực tiếp cũng đem đến cơ hội bán hàng tốt cho các thương hiệu chăm sóc tóc ờ quốc gia này. Livestreamer nổi tiếng Zhang Xiaohui giúp nhãn hàng My.Organics trở nên quen thuộc với khách hàng Trung Quốc.

Livestreamer và KOL góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lĩnh vực chăm sóc tóc còn non trẻ nhưng đầy tiềm năng tại xứ tỷ dân.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/noi-so-hoi-dau-cua-gioi-tre-trung-quoc-post1468632.html