Giới trẻ hiện đại quá phụ thuộc vào công nghệ!

Xã hội luôn vận động và phát triển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Điều đó đồng nghĩa với việc sản sinh ra nhiều trang thiết bị, công nghệ hiện đại, đáp ứng những nhu cầu tiện ích cho con người, làm thay đổi thói quen sinh hoạt, nghiên cứu và trao đổi thông tin trong xã hội. Tuy nhiên, nếu cái gì quá tốt, khi lạm dụng sẽ không hay, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng sử dụng, cụ thể là giới trẻ - những người chủ tương lai của đất nước.

Lợi thì có…!

Ngày nay, ở bất cứ đâu chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, một cú nhấp chuột mọi người dường như có thể bao quát được sự vận động của thế giới mọi lúc, mọi nơi. Thông qua các ứng dụng , tiện ích của các trang mạng xã hội con người có thể trao đổi thông tin và trò chuyện không giới hạn thời gian và địa lý.

Với sự bùng nổ của các thiết bị công nghệ và độ phủ sóng internet rộng rãi là một lợi thế cho người sử dụng, giúp rút ngắn được thời gian tìm kiếm, xử lý thông tin. Công viêc hàng ngày luôn đòi hỏi phải gần gũi với các thiết bị công nghệ để nhận các công văn, thông tư,…vì tất cả các tài liệu đều đươc trao đổi qua facebook, mail, skypes.

Có thể thấy, dạo qua các bến xe, nhà ga, bệnh viện, sân bay hay thậm chí là trường học,… không khó để bắt gặp hình ảnh người ngồi chờ trên tay cầm khư khư điện thoại và chăm chăm dán mắt vào màn hình như muốn tranh thủ làm một điều gì đó?!? Hà Trang (sinh viên Đại học Vinh) cho biết: “Trong lúc đợi đến giờ vào học, ngồi đợi xe buýt không có vệc gì làm mình thường sử dụng điện thoại để lướt web cập nhật tin tức, nhắn tin hoặc nghe nhạc giải trí”.

Giới trẻ hiện đại "ngày ngày" chỉ biết chăm chăm vào công nghệ

“Thực tế hiện nay, giới hoc sinh và sinh viên thường phải làm viêc nhóm, tiểu luận thay cho những bài kiểm tra định kỳ. Đây được xem là dạng học tập theo hướng mở, bao gồm những kiến thức sâu, rộng bắt buộc họ phải đầu tư tìm kiếm tư liệu và nghiên cứu. Vì thế, việc tiếp cận và trang bị thiết bị công nghệ cho bản thân là vô cùng cần thiết, nhằm tận dụng tham khảo nhiều nguồn tài liệu đa dạng từ các thư viện số trên internet”, Thanh Huy (sinh viên trường CĐ PT-TH II) chia sẻ.

Tuy nhiên, thông tin trên mạng không phải lúc nào cũng chuẩn xác. Quan trọng là cần tỉnh táo trong việc lựa chọn và biết chắt lọc thông tin, hoặc căn bản cũng nên nắm những kiến thức dù là cơ bản nhất về vấn đề mình đang nghiên cứu, tránh tình trạng rơi vào “mê cung thông tin”.

Nhưng hại không ít…

Tồn tại song song cùng những tiện ích mang tính tích cực là sự lạm dụng vô điều kiện của không ít bạn trẻ hiện nay. Theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế có không ít bạn trẻ hào phóng chi từ “10-12 gờ/ngày vào những thiết bị công nghệ để giết thời gian, cũng như sử dụng công nghệ không đúng cách dẫn đến nhưng hệ lụy không tốt.

“Từ ngày sử dụng máy tính và điện thoại thị lưc của mình kém hẳn. Nếu giờ không có kính hỗ trợ có thể mình sẽ chẳng thấy gì rõ”, Kim Dung một sinh viên khác chia sẻ.

Với điều kiện có phương tiện hỗ trợ học tập là máy tinh bảng, máy tính xách tay, hay điện thoại thông minh và internet phổ biến, nhưng ngại tìm hiểu và để tiết kiệm thời gian nhiều bạn đã tận dụng triệt để khả năng “cắt, dán” một cách máy móc, thụ động để hoàn thành bài tập đối phó giảng viên mà không đầu tư chất xám, suy luận và lập luận của bản thân.

Thanh Giang – sv trường ĐH Huế nói: “Có lần giảng viên yêu cầu lớp làm bài tiểu luận về những vấn đề xã hội, thì hôm sau nộp bài kết quả có gần nửa lớp có bài làm gần giống nhau bởi phần đông các bạn đều lên mạng sao chép về. Kết quả là bài tập đó thầy giáo buộc lớp phải làm đi làm lại cho đat yêu cầu là nêu được chính kiến của bản thân. Đây cũng được xem là lý do tại sao tình trạng tiêu cực vẫn hoành hành mãi trong các kỳ thi”.

Họ quên cả mọi việc xung quanh, thế giới ảo là quan trọng

“Mình cảm thấy rất buồn vì đôi khi cô bạn của mình quá lệ thuộc vào công nghệ và quá tin tưởng vào thế giới ảo. Đôi khi mình cũng có những chuyện cần tâm sự, nhưng người bạn đó cứ mãi bận rộn quan tâm bạn trên mạng mà quên rằng người bạn bên cạnh cũng cần tâm sự, quan tâm và chia sẻ. Cũng vì thế mà tình bạn của tụi mình cũng dần nhạt đi.”, Hà Vi bộc bạch giọng đượm buồn.

Có thể thấy vấn đề này không chỉ dừng lại giữa hai người bạn với nhau. Nếu còn tiếp diễn đây có thể là căn nguyên dẫn đến căn bệnh vô cảm trong xã hội, mà nhân vật chính là giới trẻ.

Ngoài việc mong chờ vào các tin tức nóng bỏng để đọc, một số bạn trẻ còn lợi dụng phương tiện sẵn có để tự sản xuất thông tin cho bản thân nhằm thu hút công chúng cộng đồng mạng và từ đó những danh xưng như “ hotface” được ra đời, làm gia tăng thêm những vấn đề lùm xùm trên các trang mạng. Hay cách đây không lâu tại TP. HCM đã xảy ra vụ việc hai bạn trẻ lợi dụng mạng xã hội để đăng đàn gây hấn, hẹn hò nhau ra thanh toán. Sự viêc này đã thu hút rất nhiều bạn trẻ hiếu kỳ tập trung ra phố đi bộ Nguyễn Huệ, gây ra tình trạng mất an ninh tại khu vực này. Nhưng rất may lực lượng chức năng đã vào cuộc và giải quyết kịp thời.

Hệ lụy khôn lường khi mải mê công nghệ

Không thể nào phủ nhận mặt tiện ích của thiết bị công nghệ với đời sống giới trẻ, nhưng thật trớ trêu chính những bạn trẻ này đã biến nó thành những con sâu làm rầu nồi canh. Họ biến những mặt tiện ích vốn có của công nghệ thông tin thành những mặt trái không đáng có. Là một bạn trẻ trong thời đại mới bạn hãy biết điều chỉnh hướng đi đúng trong việc tiếp nhận nguồn thông tin từ công nghệ, giúp bạn mở mang những kiến thức trong cuộc sống và đừng nên lạm dụng một cách thái quá vì cái gì cũng có bản chất hai mặt của nó.

Bài & ảnh: THANH HƯƠNG

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/gioi-tre-hien-dai-qua-phu-thuoc-vao-cong-nghe-d56042.html