Giới hạn của sự sáng tạo

HLV Calisto lâu nay nổi tiếng là một ông thầy sáng tạo. Sự sáng tạo mà nhờ nó, ĐTVN dưới “triều đại” của ông 8 năm về trước (Tiger Cup 2002) đã trình làng một loạt những phát hiện không thể tin nổi đến từ đôi chân của những cầu thủ mà hồi ấy còn rất xa lạ như Tài Em, Minh Phương, Trường Giang, Xuân Thành. Hai năm về trước, khi quay trở lại cầm quân ĐTVN thì sự sáng tạo cũng giúp Calisto làm mới được một loạt những đôi chân cầu thủ.

AFF Cup 2008, chính Calisto đã táo bạo kéo Công Vinh về đá tiền vệ cánh và đẩy một tiền vệ cánh đúng nghĩa như Lê Tấn Tài vào khu trung tâm. Người ta bảo chính những thay đổi rất đỗi táo bạo ấy đã khiến ĐT Thái Lan trong trận chung kết lượt đi AFF Cup đã bị bất ngờ. Và thế là từ chỗ tưởng như sẽ thắng Việt Nam đến nơi, rốt cuộc ĐT Thái Lan đã thua 1-2 đầy tức tưởi. Rõ ràng là sự SÁNG TẠO hay nói cụ thể hơn là sự TÁO BẠO từ lâu đã trở thành những phẩm chất cầm quân quan trọng của Calisto. Tuy nhiên, khi xem cách ông "Tô" vận hành chiến thuật, và cách ông thay đổi nhân sự cho ĐTVN ở Cúp bóng đá 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì người ta đang tự hỏi là sự sáng tạo của ông liệu đã đi tới giới hạn của nó hay chưa? Ngay sau trận đấu cuối cùng của ĐT ở giải đấu này (trận hòa CHDCND Triều Tiên 0-0), HLV Calisto đã tung ra một thông tin khiến người ta phải sốc: Tiền vệ Cao Sỹ Cường bị trả về CLB. Lý do Sỹ Cường bị trả về không nằm ở việc chấn thương (dù thực tại đúng là Sỹ Cường đang chấn thương nhẹ), mà cái chính nằm ở việc trung tâm hàng tiền vệ gồm quá nhiều hảo thủ. Thật lòng mà nói, trong cả 3 trận đấu tại Cúp bóng đá 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có không ít thời điểm khu vực trung tâm ấy rơi vào tình cảnh bế tắc, mà rõ nhất chính là 45 phút đầu tiên trong cuộc so đọ với U.23 Australia. Nhưng ngay cả khi đã rơi vào một bối cảnh như vậy thì HLV Calisto vẫn quyết xoay trở với những quân bài cũ mà mình có như Tài Em, Minh Phương hay Minh Châu, Tấn Tài, chứ nhất định không cho Sỹ Cường vào sân. Thật ra thì Sỹ Cường chính là một trong số hiếm hoi như tiền vệ nội tạo được cảm hứng chơi bóng cho CLB của mình ở V.League. Và theo tư duy dụng binh xưa nay của mình thì ông Calisto luôn dành cho những cầu thủ như thế cơ hội được thử sức. Nhưng kỳ thực, Sỹ Cường không những không được thử sức, mà còn bị loại khỏi ĐT ngay sau khi Cúp bóng đá 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cùng với việc thông báo quyết định loại "nhân tố mới" Cao Sỹ Cường, HLV Calisto còn thông báo một quyết định quan trọng khác: vẫn chờ đợi Công Vinh. Về nguyên tắc mà nói thì những cầu thủ bị chấn thương dây chằng gối như của Công Vinh thường phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng gần 2 năm mới có cơ hội trở lại sân cỏ. Vì vậy, việc Calisto quyết định chờ đợi Công Vinh rõ ràng là một quyết định mạo hiểm. Có thể ông "Tô" biết sự mạo hiểm đó, nhưng ông vẫn chấp nhận vì một lẽ đơn giản: Vinh đã là một cái tên được "đo ni đóng giày" trên hàng công. Và trong bối cảnh mà hiệu suất ghi bàn của hàng công đang có vấn đề trầm trọng thì ông sẵn sàng chờ đợi cái tên đã được "đo ni đóng giày" ấy như chờ đợi một cứu cánh cho ĐT. Loại bỏ nhân tố mới Sỹ Cường, dù ai cũng bảo đấy là một nhân tố có khả năng gây đột biến, đồng thời quyết chờ Công Vinh đến phút cuối, dù ai cũng bảo đấy là sự đợi chờ mạo hiểm, cảm giác như ông Calisto bây giờ đã đi tới giới hạn của sự sáng tạo? Hay là sau khi đã đưa ĐTVN lên ngai vàng ĐNA, và sau khi phải gánh cái trọng trách giúp ĐTVN bảo vệ ngai vàng ấy thì ông thầy người Bồ nhận ra rằng bây giờ cứ dụng binh "an toàn" là tốt nhất? Như đã nói, trong cả quá khứ gần lẫn quá khứ xa, HLV Calisto đã có rất nhiều sự phát hiện và sự phá cách về cả con người và đấu pháp cho ĐTVN. Nhưng bây giờ thì những sự phá cách đầy tính sáng tạo như vậy đã trở nên xa xỉ. Phải chăng, một lối mòn bắt đầu được tạo ra?

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/thethao/2010/9/137609.cand