Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư tại Malaysia

Khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tăng cao, số ca mắc mới COVID-19 sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, sau thời gian từ 3-6 tháng khi khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra giảm, số ca nhiễm mới sẽ tăng trở lại theo đồ thị hình chữ U. Đây là nhận xét chung của các chuyên gia y tế Malaysia ở thời điểm hiện tại.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Tiến sĩ Chow Ting Soo, bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Penang, cho biết ở thời điểm hiện tại, khoảng 90% dân số đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại hầu hết các nước có chiến dịch tiêm chủng lớn, do đó số ca mắc mới COVID-19 sẽ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, số ca mắc mới sẽ tăng trở lại do sự xuất hiện của các biến thể mạnh hơn và có khả năng lây truyền cao hơn. Bên cạnh đó, khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra sẽ giảm dần nên ngay cả khi đã hoàn thành tiêm chủng vẫn có thể mắc COVID-19. Do vậy, Tiến sĩ Ting Soo nhấn mạnh ngành y tế Malaysia đang chuẩn bị các biện pháp ứng phó trong trường hợp số ca mắc mới COVID-19 tăng cao trở lại khi xảy ra làn sóng dịch lần thứ tư.

Tiến sĩ Ting Soo nhận định thêm rằng việc tiêm mũi tăng cường là cần thiết để tránh sự sụp đổ của hệ thống y tế và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Theo bà, những người trên 40 tuổi và những người trên 18 tuổi có bệnh lý nên tiêm mũi tăng cường này.

Trong khi đó, Tiến sĩ virus học, Kumitaa Theva Das, dự báo nếu làn sóng dịch COVID-19 thứ tư xảy ra, tỷ lệ tử vong và tỷ lệ bệnh nhân nhập viện sẽ gia tăng đáng kể. Bà cho rằng giới chức y tế cần lên kế hoạch ứng phó phù hợp, tránh để xảy ra kịch bản tương tự như tại châu Âu với sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 chủ yếu ở người cao tuổi - những người đã tiêm vaccine sớm nhất trong năm nay - và ở trẻ em chưa đủ tuổi tiêm phòng.

Giảng viên Viện Nghiên cứu Y học phân tử của Đại học Sains Malaysia, Phó Giáo sư Venugopal Balakrishnan, nhận định nếu một đợt lây lan dịch COVID-19 nữa xảy ra, sẽ xuất hiện nhiều biến thể đáng lo ngại như Delta. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra dự báo về việc gia tăng các ca mắc mới. Tình huống này có thể dẫn đến áp đặt Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO) một lần nữa.

Malaysia đã trải qua 3 đợt dịch COVID-19 kể từ ngày 25/1 năm ngoái. Cho đến nay, chính phủ vẫn đang ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba bằng cách tiêm chủng và yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội. Ngày 20/11 vừa qua, bang Melaka vừa tổ chức bầu cử, mặc dù chính quyền địa phương đã áp đặt quy định giãn cách rất chặt chẽ, nhưng các chuyên gia y tế vẫn đang cảnh giác cao với nguy cơ bùng phát dịch khoảng 10-14 ngày sau sự kiện này.

Liên quan tình hình dịch bệnh COVID-19, Cơ quan Y tế công cộng của Pháp (FPHA) ngày 23/11 ghi nhận 30.454 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 7.450.691 ca. Ngoài ra, với thêm 84 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này hiện lên đến 118.653 ca.

Trong những ngày qua, số ca mới nhập viện và số ca nguy kịch cũng tiếp tục tăng. Theo FPHA, đã có tới 8.338 ca nhập viện tính tới nay, tăng 759 ca so với một ngày trước. Trong khi đó, 1.455 bệnh nhân đang được điều trị tích cực sau khi thêm 192 ca bệnh diễn biến nghiêm trong 24 giờ qua.

Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng sẽ được tổ chức trong ngày 24/11 nhằm thảo luận các biện pháp ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh hiện nay tại Pháp. Dự kiến, trong số các nội dung thảo luận có việc khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 40 tuổi và thời hạn hoàn tất việc tiêm phòng này.

Hằng Linh - Minh Tâm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/gioi-chuyen-gia-canh-bao-nguy-co-lan-song-dich-covid19-lan-thu-tu-tai-malaysia-20211124110908750.htm