Giới buôn dầu phớt lờ động thái cắt giảm sản xuất dầu của Saudi Arabia

Giới buôn dầu đầu cơ bán khống trên thị trường dầu thô dường như không sợ hãi sau khi Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu mỏ lớn thế giới, tuyên bố tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng/ngày. Dù nguồn cung dầu được dự báo sẽ thiếu hụt trong nửa cuối năm nay sau khi liên minh OPEC+ liên tục giảm sản lượng cũng như động thái mới nhất của Saudi Arabia , giá dầu Brent chuẩn quốc tế ở London vẫn không gượng dậy nổi do giới đầu cơ kiên trì bán khống các hợp đồng tương lai.

Tàu chở dầu thô ở cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Đà phục hồi kinh tế yếu ớt của Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến giá dầu ảm đạm. Ảnh: Reuters

Cách đây hơn một tuần, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, gây bất ngờ với tuyên bố Saudi Arabia sẽ đơn phương cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 tới và có thể gia hạn thêm. Ông ví von động thái này giống như “cây kẹo mút” giúp thị trường dầu hưng phấn trở lại. Trước đó, ông cảnh báo giới buôn dầu “hãy coi chừng” khi họ liên tục bán khống các hợp đồng dầu mỏ tương lai, khiến giá dầu không đạt được mức giá cần thiết để giúp Saudi Arabia cân bằng ngân sách.

Tuy nhiên, giới đầu cơ không tỏ ra nao núng trước viễn cảnh Saudi Arabia thu hẹp sản xuất dầu đáng kể. Mức tăng giá dầu sau tuyên bố giảm sản lượng của Saudi Arabia chỉ duy trì đúng một ngày. Tính đến chiều 13-6, ía dầu Brent đang giao dịch ở mức hơn 73 đô la/thùng, thấp hơn mức 76 đô la cách đây hơn một tuần.

Thông báo giảm sản lượng hơn 1,1 triệu thùng dầu/ngày hồi tháng 4 của liên minh OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu cũng chỉ kích thích thị trường trong thời gian ngắn và chưa đầy một tháng sau đó, giá dầu giảm về mức thấp hơn nữa.

“Tôi nghĩ thị trường dầu vật chất đang nói lên một câu chuyện khác với thị trường dầu tương lai”, Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman nói tại Hội nghị kinh doanh Trung Quốc ở Riyadh hôm 11-6 khi ám chỉ đến nguồn cung dầu trên thực tế đang thắt chặt nhưng giá cả trên thị trường tương lai lại không thể hiện điều này.

Trên thực tế, việc phân biệt giữa đầu cơ và các yếu tố cơ bản trên thị trường dầu là vô ích. Các nhà đầu cơ có xu hướng dự đoán và khuếch đại những thay đổi về giá được thiết lập bởi các yếu tố cơ bản và thực hiện vai trò này trong suốt các chu kỳ tăng giảm của thị trường dầu.

Chính họ đã dự đoán và khuếch đại giá dầu Brent tăng lên mức cao hơn 120 đô la/thùng vào tháng 3 và tháng 6 -2022 cũng như đẩy giá dầu Brent xuống mức thấp 72 đô la hồi tháng 5-2023.

Bất chấp những kỳ vọng rằng nhu cầu dầu sẽ vượt xa nguồn cung trong những tháng tới, một số yếu tố đang thúc đẩy niềm tin của “phe gấu”. Hai yếu tố tiêu cực thực sự nổi bật nhất là xuất khẩu dầu của Nga tăng bùng nổ bất chấp đòn trừng phạt của phương Tây và các lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc.

“Như thường lệ, có rất nhiều điều không chắc chắn khi nói đến thị trường dầu mỏ. Và nếu phải chỉ ra điều quan trọng nhất đối với triển vọng nhu cầu, tôi sẽ nói đó là Trung Quốc. Nếu nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, hoặc tăng trưởng thấp hơn nhiều so với nhiều tổ chức kinh tế quốc tế dự báo, điều này chắc chắn dẫn đến tâm lý tiêu cực”, Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã 3 lần cắt giảm dự báo đối với giá dầu Brent trong sáu tháng qua. Hiện tại, ngân hàng này nhận định giá dầu Brent trong tháng 12 tới là 86 đô la/thùng, so với ước tính trước đó là 95 đô la/thùng mdo nguồn cung tăng và nhu cầu suy giảm.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng của ngành sản xuất Trung Quốc đã giảm xuống 48,8 điểm vào tháng trước, thấp hơn kỳ vọng yếu nhất kể từ tháng 12.

Ngay cả khi kinh tế tăng tốc trở lại, Trung Quốc còn có rất nhiều dầu thô để sử dụng. Trong tháng 5, các kho dự trữ dầu của nước này tăng lên mức cao nhất trong hai năm. Một số thương nhân cho biết việc Saudi Arabia tăng giá dầu bán sang châu Á cùng với động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ là một phần trong nỗ lực giảm lượng dầu tồn kho ở Trung Quốc.

Kể từ tháng 1, IEA giảm dự báo mức tăng nhu cầu dầu toàn cầu từ quí 2 đến quí 4 nhưng vẫn hy vọng nhu cầu vẫn tăng thêm 1,8 triệu thùng/ ngày. Ngoài Trung Quốc, có một mối lo ngại về hoạt động sản xuất công nghiệp, một đại diện cho nhu cầu dầu diesel. Theo dữ liệu của JPMorgan, hoạt động sản xuất đã bị thu hẹp trên toàn thế giới trong 9 tháng qua, trong khi chỉ số đo lường hoạt động vận tải đường bộ của Mỹ đang ở mức yếu nhất kể từ tháng 9 -2021.

Những động lực đó có lẽ cũng là một phần lý do vì sao động thái cắt giảm sản xuất dầu của Saudi Arabia và các đồng minh OPEC + không tạo ra hiệu ứng tăng giá như kỳ vọng.

“Nhóm OPEC+ đang gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu có vẻ yếu hơn và nguồn cung ngoài nhóm này vào cuối năm nay mạnh hơn so với dự đoán của nhiều nhà phân tích. Cả dự báo của OPEC và IEA đều vẻ đã quá kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu dầu”, các nhà phân tích của Citigroup nhận định.

Trong khi đó, dầu vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu trong tháng 5 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu của Bloomberg cho thấy các lô hàng xuất khẩu dầu bằng đường biển từ các nhà xuất khẩu trên thế giới tăng 1,13 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, dầu xuất khẩu của Nga đang tăng vọt, đạt gần mức cao kỷ lục trong tháng gần nhất.

Bất chấp tất cả những điều đó, không phải không có rủi ro cho những người đầu cơ giá xuống.

Với việc Saudi Arabia sẵn sàng ngăn chặn bất kỳ cú sụt giảm sâu nào của giá dầu, một số nhà đầu tư vẫn hy vọng thị trường sẽ thắt chặt trong nửa cuối năm nay.

Công ty kinh doanh dầu Unipec của Trung Quốc đã mua dầu từ Mỹ và Na Uy vào tuần trước, một dấu hiệu cho thấy các động thái giảm sản xuất của OPEC+ đang thúc đẩy nhu cầu mua dầu các thị trường khác và khiến nguồn cung thắt chặt hơn. Công ty PT Pertamina của Indonesia cũng đã mua hàng triệu thùng dầu từ Tây Phi.

Saad Rahim, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn kinh doanh hàng hóa Trafigura Group, cho biết công suất lọc dầu đang bùng nổ ở Trung Quốc và Trung Đông có thể đối mặt với “tình trạng khan hiếm dầu thô trong những năm tới”.

Ông dự báo động thái cắt giảm nguồn cung của OPEC+, cùng với sự tăng trưởng nhu cầu của các thị trường mới nổi, sẽ khiến các kho dự trữ dầu trên toàn cầu giảm xuống vào cuối năm.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gioi-buon-dau-phot-lo-dong-thai-cat-giam-san-xuat-dau-cua-saudi-arabia/