Giỗ Tổ Hùng Vương: 'Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm'

Trên thế giới hiếm có một nước nào có tập quán Giỗ Tổ như Việt Nam ta. Hiện tượng cả dân tộc cùng lưu truyền suốt hàng nghìn năm câu chuyện về một con người cụ thể, là vị vua đầu tiên lập nên Nhà nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, trải qua mười tám đời Vua Hùng... có lẽ chỉ có ở Việt Nam ta.

Tình cảm thiêng liêng “con Lạc, cháu Hồng”

Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội lớn của dân tộc Việt Nam. Là một tập quán lâu đời, thể hiện tình cảm thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam đối với tổ tiên “con Lạc, cháu Hồng”. “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”, khắp miền truyền mãi câu ca: “Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Giỗ Tổ Hùng Vương vừa có giá trị văn hóa, vừa có giá trị tâm linh sâu sắc và ý nghĩa về sự phát triển bền vững của đất nước. Là biểu hiện linh thiêng nhất, tập trung nhất về lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết trường tồn của cả dân tộc Việt Nam, như lời Bác Hồ đã dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Chuyện đại sự quốc gia về Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ diễn ra các nghi lễ và các sinh hoạt văn hóa truyền thống ở đất tổ mà khắp nhiều nơi trên cả nước đều có những thiết chế văn hóa tâm linh để tổ chức thực hiện các nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong dịp giỗ Tổ.

Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội lớn của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tố Uyên

Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội lớn của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tố Uyên

Hiện cả nước có hơn 1.400 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật có liên quan thời đại Hùng Vương. Trong thời kỳ đổi mới, đền thờ Hùng Vương đã được khánh thành, trùng tu ở nhiều nơi. Vào ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, tại các địa phương Bắc, Trung, Nam, chính quyền và nhân dân đều thành kính tổ chức các nghi lễ dâng hương để tưởng niệm công ơn của các vua Hùng đối với dân tộc. Các vua Hùng đã có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt Nam. Vì vậy, đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất của đất nước ta.

Tự hào giá trị văn hóa

Là người Việt Nam, chúng ta rất tự hào về giá trị văn hóa nói trên. Đây cũng là một nguồn năng lượng hiện hữu bồi đắp thêm sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, phù hợp với quan điểm lịch sử và quan điểm phát triển của Đảng ta. Trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta xác định 3 nguyên tắc vận động, đó là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc này thể hiện trong đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương rất rõ:

Dân tộc hóa, thể hiện ở giỗ Tổ Hùng Vương chính là truyền thuyết và sự khác biệt của nó với hình thức và nội dung giỗ tổ của các nước khác. Có nghĩa là, câu chuyện Giỗ Tổ Hùng Vương được dân gian truyền miệng về các danh nhân cụ thể, không như là biểu tượng vật thể như các dân tộc khác. Và lễ vật cùng lễ nghi… Giỗ Tổ Hùng Vương đậm bản sắc dân tộc mấy ngàn năm lịch sử.

Nguồn năng lượng bồi đắp thêm sức mạnh đoàn kết dân tộc

Là người Việt Nam, chúng ta rất tự hào về giá trị văn hóa tâm linh truyền thống. Đây cũng là một nguồn năng lượng hiện hữu bồi đắp thêm sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, phù hợp với quan điểm lịch sử và quan điểm phát triển của Đảng ta. Trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta xác định 3 nguyên tắc vận động, đó là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc này thể hiện trong đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương rất rõ.

Đại chúng hóa, ở đây là tính toàn dân của đại lễ Giỗ Tổ. Từ nhận thức đến hành vi, từ trẻ đến già, mọi người dân Việt Nam đều hiểu và ứng xử với Giỗ Tổ như là một đại lễ về văn hóa tâm linh lớn nhất của đất nước. Dường như ai là người Việt Nam đều hiểu, thừa nhận, ghi nhận, lấy làm kiêu hãnh về tổ tiên của mình.

Tính đại chúng hóa còn là sự tuyên truyền, giác ngộ mọi người dân, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, không chỉ là sự hiểu biết giá trị văn hóa phi vật thể về Giỗ Tổ mà còn giúp đồng bào cả nước hiểu sâu về những nghi lễ, những hoạt động có ý nghĩa trong lễ hội; đồng thời ngăn chặn những sai lệch, những lạm dụng, trục lợi, làm giảm ý nghĩa linh thiêng và nhân văn trong tiến hành công việc phục vụ tổ chức đại lễ này.

Khoa học hóa ở đây là sự nghiên cứu lịch sử với một tư duy khoa học. Những tương thích, phù hợp trong những bối cảnh cụ thể theo dòng chảy tiến bộ của Việt Nam ta đều được cập nhật, đặt ra việc nghiên cứu một cách nghiêm túc, công phu. Từ đó mới tạo ra được nhận thức chung, sự đồng thuận của cộng đồng người Việt về tổ tiên của mình. Thiếu tính khách quan, khoa học sẽ thiếu tính thuyết phục.

Mặt khác việc giỗ Tổ không chỉ được ghi nhận trong sử sách chính thống mà còn được thể chế hóa thành pháp luật. Nhờ vậy mà tính khoa học, tính đại chúng, tính dân tộc tác động lẫn nhau tạo thành một nét đặc trưng, đặc sắc trong nền tảng văn hóa tâm linh của người Việt Nam.

Chính vì lẽ đó, Giỗ Tổ Hùng Vương như là một hình mẫu về văn hóa tâm linh, hội đủ ba nguyên tắc vận động trong đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943.

Sự trở về cội nguồn dân tộc

Giáo sư sử học, nhà khảo cổ học Trần Quốc Vượng từng bày tỏ: “Đền Hùng là Đền thờ Tổ, không phải Tổ của riêng một gia đình, riêng một dòng họ, riêng một xóm làng, thậm chí riêng một vùng, mà là Tổ của cả nước. Về mặt triết lý tín ngưỡng dân gian, Tổ Hùng được thờ ở Đền Hùng đã trải qua một quá trình siêu việt tâm linh vượt lên trên mọi thức Tổ cụ thể, lên trên cả vua Tổ là gốc rễ ý thức của sự thờ cúng này để đạt tới mức Tổ toàn vẹn, hoàn thiện, căn bản, triệt để.

Lễ hội Đền Hùng cũng không chỉ còn dừng lại nơi ngày Giỗ Tổ, tưởng nhớ tổ tiên, không chỉ là cuộc hành hương về đất Tổ, đất thánh hay là đất phát tích của một dòng vua đầu tiên, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, mà thực sự đã trở thành một bức bách tâm linh: trở về nguồn cội tìm về dân tộc hay đúng hơn, đối với văn hiến Việt Nam, là sự trở về cội nguồn dân tộc…”.

Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là một di sản văn hóa phi vật thể. Giá trị này không chỉ nổi bật ở trong nước mà còn nổi bật toàn cầu. Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết, trước đây ông từng được mời làm chủ tịch một hội thảo do UNESCO tổ chức. Lúc đó chúng ta đang định đề nghị khu di tích đền Hùng là di sản văn hóa nhân loại. Nhưng hướng đi đó có lẽ chưa phù hợp. Sau đó, ông lại được mời chủ trì một hướng khác: tôn vinh giá trị văn hóa phi vật thể của vùng di tích lịch sử này. Hướng đi này đã có cơ sở khoa học và đáp ứng được tiêu chí "giá trị nổi bật toàn cầu" của UNESCO. Đó là tín ngưỡng tổ tiên chung của cả dân tộc, liên quan đến đạo thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.

Có lẽ chưa có một dân tộc nào lại có hình thái sinh hoạt như thế cả. Đây là điều vô cùng quan trọng, chúng ta tìm ra được giá trị phi vật thể xứng đáng nổi bật toàn cầu cho khu di tích Đền Hùng. Di sản văn hóa phi vật thể ở phương diện là trung tâm tín ngưỡng tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam, đồng thời là trung tâm của hệ thống lễ hội thờ tổ tiên chung của dân tộc chúng ta.

Tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc Việt Nam là đặc trưng sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt Nam từ bao đời nay. Trong gia đình, ta có tổ tiên gia đình, trong họ tộc có tổ tiên của gia tộc, trong làng xã có tổ tiên của một làng (ông thành hoàng) và bây giờ ở cấp độ cao nhất, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành tổ tiên chung của dân tộc. Sự vĩ đại chính là ở chỗ đó. Giá trị phi vật thể này có hiệu quả nhiều mặt, cho dân tộc, cho quốc gia và cho cả chế độ nữa. Giá trị tín ngưỡng ấy được thể hiện ra với tư cách là căn cốt, là hạt nhân, còn cái vỏ bề ngoài chính là lễ hội Đền Hùng.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Hòa Văn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gio-to-hung-vuong-nuoc-non-van-nuoc-non-nha-ngan-nam-126853-126853.html