Giờ học hiệu quả từ xây dựng phòng học thông minh

Tại Hải Phòng, việc xây dựng phòng học thông minh, trang bị phương tiện dạy học hiện đại đang được nhiều nhà trường triển khai...

Cô trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng trong giờ học.

Tích cực đón đầu đổi mới

Trường Tiểu học Núi Đèo là đơn vị tiên phong của huyện Thủy Nguyên xây dựng phòng học thông minh và triển khai dạy học ứng dụng công nghệ số. Tiết dạy tập đọc môn Tiếng Việt lớp 4 “Trước ngày xa quê - SGK Kết nối” của cô Nguyễn Thị Khánh Linh và học sinh lớp 4A5 cho thấy được sự tương tác tích cực, đa chiều của cô trò. Không chỉ ứng dụng phương pháp dạy học hiện đại với các phương tiện số, cô giáo khéo léo kết hợp “phấn trắng, bảng đen” trong các hoạt động giáo dục, dẫn dắt học sinh “bước” vào bài đọc, sống với nhân vật.

Cô Linh chia sẻ, sử dụng các phương tiện dạy học thông minh vào bài dạy đòi hỏi giáo viên phải tích hợp được các phương pháp tích cực, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, vận dụng phần mềm vào giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Với học sinh, các em sẽ được phát triển nhiều kĩ năng, năng lực mà chương trình giáo dục mới hướng tới.

Cô Vũ Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo cho hay, để trang bị phòng học thông minh, nhà trường đã học hỏi, tham khảo nhiều nơi. Việc mua sắm bàn ghế, máy tính, phương tiện, học liệu trong phòng thông minh không phải ngày một, ngày hai mà có được. Vì quyền lợi của học trò, nhà trường đã tích cực kêu gọi các bậc phụ huynh, nhà hảo tâm quan tâm đầu tư, tài trợ.

Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Hồng Bàng) vừa tổ chức thành công tiết dạy chuyên đề môn Tiếng Anh trong phòng học thông minh. Giờ học của cô giáo Phạm Thị Việt Hà và học sinh lớp 4A6 diễn ra trong không gian lớp học mở với máy tính bảng, tivi cảm ứng và thư viện số, tích hợp các học liệu điện tử. Lớp học sôi nổi, hào hứng khi học sinh sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh để tham gia và làm các bài tập trên phần mềm theo yêu cầu.

Cô Đoàn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, chuyển đổi số trong giáo dục và thực hiện Chương trình GDPT 2018 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục. Việc xây dựng phòng học thông minh là điều kiện cần để thầy cô khai thác các thiết bị dạy học hiện đại, kho học liệu điện tử để giảng dạy. Nhà trường đã huy động sức mạnh tập thể của cán bộ, giáo viên, sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và cơ quan chức năng từng bước xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng cho hay, tại quận Hồng Bàng các nhà trường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Các trường đầu tư, trang bị cơ sở vật chất hiện đại và sử dụng hiệu quả nguồn học liệu số phong phú, đa dạng.

Sử dụng kính thực tế ảo trong giờ học của học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh.

Cần tăng cường đầu tư

Trường THPT Lương Thế Vinh là đơn vị ngoài công lập nhưng mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ đón đầu đổi mới. Bắt nhịp chuyển đổi số trong giáo dục, nhà trường tích cực đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng phòng học thông minh với màn hình tương tác, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy chiếu vật thể, hệ thống âm thanh loa mic, bàn ghế và bảng thông minh, máy điểm danh bằng nhận diện khuôn mặt, kính thực tế ảo. Tổng giá trị đầu tư là 1,5 tỷ đồng.

Theo cô Hồ Thị Dinh - Hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh việc vận động các nguồn tài trợ hợp pháp xây dựng phòng học thông minh, nhà trường chủ động đầu tư để đáp ứng nhu cầu đổi mới. Việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên sử dụng tốt công nghệ thông tin, các thiết bị dạy học số cũng được chú trọng.

“Chất lượng đội ngũ rất quan trọng vì dù có trang bị tốt đến đâu nhưng nếu giáo viên - người trực tiếp sử dụng các thiết bị dạy học số có năng lực sử dụng hạn chế thì khó phát huy được hiệu quả. Ý thức được điều đó, nhà trường đã có kế hoạch dài hơi để tập huấn, bồi dưỡng việc sử dụng các thiết bị dạy học số, các phần mềm như: Liveworksheets, Kahoot, Padlet, Classpoint, Quizizz, Midmap và kho tư liệu, thí nghiệm ảo, bài kiểm tra đánh giá qua phần mềm ôn luyện cho các giáo viên. Việc này đã được diễn ra thường xuyên hàng tuần, hàng tháng”, cô Dinh cho hay.

Bên cạnh đó, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh cùng nhau xây dựng kho dữ liệu của thư viện điện tử nhà trường với việc sưu tầm và xây dựng các sản phẩm sách nói, sách điện tử, các video clip, bộ tranh ảnh phục vụ tốt cho dạy và học. Ngoài ra, các thầy cô còn tích cực xây dựng những bài giảng điện tử để học sinh truy cập xem trước ở nhà hoặc xem lại bài giảng của các thầy cô nếu chưa hiểu ở trên lớp.

Đồng thời, để “kích thích” đổi mới, nhà trường đưa tiêu chí đánh giá việc sử dụng thiết bị số trong phòng học thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy vào thi đua của giáo viên. Bộ tiêu chí thi đua được xây dựng khuyến khích việc sử dụng thiết bị số trong phòng học thông minh và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy với nhiều điểm cộng và điểm thi đua được quyết định tháng lương thứ 13 của các thầy cô. “Việc này giúp các thầy cô thấy rõ định hướng phát triển của nhà trường và tích cực tham gia tập huấn, bồi dưỡng tự nâng cao năng lực bản thân và xây dựng thương hiệu cá nhân góp phần xây dựng thương hiệu nhà trường”, cô Dinh chia sẻ thêm.

Qua dự giờ các tiết dạy trong phòng học thông minh của nhiều đơn vị, thầy Nguyễn Trung Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Cát Bà rất tâm đắc. Tuy nhiên, theo thầy Thành, vấn đề nhà trường trăn trở nhất là kinh phí đầu tư. Thầy Thành thông tin, là trường học huyện đảo nên việc kêu gọi xã hội hóa khó khăn. Năm 2022, nhà trường được tài trợ một phòng học trị giá 100 triệu đồng, vì thế chỉ trang bị thiết bị tối thiểu. Do không có kinh phí nên việc sử dụng phần mềm và video miễn phí hạn chế trong giảng dạy.

Đồng tình quan điểm trên, thầy Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cho biết, sử dụng thiết bị dạy học số và thư viện điện tử trong phòng học thông minh là ý tưởng nhà trường ấp ủ từ năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí đầu tư, đến nay chưa triển khai được. Theo thầy Tuấn, để đầu tư hàng tỷ đồng cho một lớp học thông minh đồng bộ khó thực hiện, nhất là với trường công lập.

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, tăng cường dạy học ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng tâm mà sở hướng tới cho các nhà trường. Sở đã nhiều lần tổ chức cho cán bộ quản lý các trường đi thực tế các mô hình; dự hội nghị, hội thảo, chuyên đề khai mở tư duy và định hướng rõ hơn trong việc xây dựng kế hoạch triển khai phòng học thông minh. Nhiều đơn vị đã dám nghĩ, dám làm và mang lại hiệu quả bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực cần được lan tỏa.

Nguyễn Dịu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gio-hoc-hieu-qua-tu-xay-dung-phong-hoc-thong-minh-post672966.html