'Giờ giảng thanh niên' góp phần 'nâng tầm' giáo viên trẻ

Những năm qua, Trường Sĩ quan Chính trị đã có nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm sáng tạo nhằm hướng đến nâng cao chất lượng dạy học. Nổi bật trong đó là mô hình 'Giờ giảng thanh niên' của Chi đoàn cơ sở khoa giáo viên. Từ năm 2012 đến nay, hơn 100 'Giờ giảng thanh niên' được thực hiện góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giáo viên trẻ của nhà trường.

Những giờ giảng cuốn hút học viên

Qua giới thiệu của Thượng tá Trần Xuân Chuyên, Trưởng ban Thanh niên Trường Sĩ quan Chính trị, chúng tôi được tham dự giờ lên lớp môn Tin học của Trung úy Ngô Hồng Quân, trợ giảng Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ. Khác với các giờ lên lớp khác, đây là “Giờ giảng thanh niên” tháng 11 mà thầy Quân đã đăng ký với Chi đoàn cơ sở khoa giáo viên. Để bắt đầu nội dung bài giảng, thầy Quân đặt câu hỏi gợi mở cho cả lớp: “Phần mềm Microsoft Excel có thể được ứng dụng trong học tập và công việc của các đồng chí như thế nào?”. Câu hỏi nhận được nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi từ học viên. Sau khi lắng nghe các ý kiến, thầy Quân giải đáp: “Excel là phần mềm nằm trong bộ công cụ văn phòng Microsoft Office. Phần mềm này tạo ra các bảng tính cùng các tính năng, công cụ hỗ trợ người dùng tính toán dữ liệu nhanh, chính xác với số lượng hàng triệu ô tính mà không cần sử dụng đến bất kỳ thiết bị nào để hỗ trợ tính toán...”. Cứ như vậy, thầy Quân vừa giải thích vừa lấy ví dụ cụ thể trên bảng tính khiến những học viên cuốn hút ngay vào bài học.

 Một buổi sinh hoạt chuyên môn của Chi đoàn cơ sở khoa giáo viên.

Một buổi sinh hoạt chuyên môn của Chi đoàn cơ sở khoa giáo viên.

Trong suốt giờ giảng, thầy Quân sử dụng linh hoạt các phương pháp sư phạm, đặc biệt là phương pháp dạy học tích cực, nâng cao hoạt động trao đổi giữa người dạy và người học. Nếu như trước đây, những giờ lên lớp thường diễn ra một cách thụ động thì nay học viên được phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập. Trung sĩ Nguyễn Đức Tú, học viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 cho biết: “Trong từng giờ giảng, chúng tôi cảm nhận rõ được sự nhiệt huyết, tận tâm và sáng tạo của các thầy cô khi lên lớp. Qua đó, chúng tôi không chỉ được tiếp nhận những kiến thức bổ ích mà còn có nhiều cảm hứng trong học tập”.

Trao đổi với Thượng úy, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Bí thư Chi đoàn cơ sở khoa giáo viên, chúng tôi được biết mô hình “Giờ giảng thanh niên” đã được triển khai từ năm 2012. Mô hình này hướng đến các nội dung dự giảng, giảng rút kinh nghiệm, thông qua bài, giao nhiệm vụ cho những giáo viên có kinh nghiệm kèm cặp các giáo viên mới. Hằng năm, Chi đoàn cơ sở khoa giáo viên chọn tháng 3, tháng 11 là những tháng trọng điểm để các đoàn viên, thanh niên đăng ký “Giờ giảng thanh niên”. Cách thức tổ chức là thực hiện giờ giảng trực tiếp trên lớp, có Hội đồng khoa học của khoa chủ quản, Ban chấp hành và các đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn đi dự giờ, đánh giá, rút kinh nghiệm. Hội đồng khoa học khoa chủ quản và các thành viên dự giờ sẽ chỉ rõ những điểm mạnh đạt được và những hạn chế cần khắc phục cho giáo viên đăng ký. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn sau giảng như sinh hoạt học thuật, trao đổi, tọa đàm về nội dung, phương pháp nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kịp thời động viên, giúp đỡ đồng chí, đồng đội.

Góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ sư phạm trẻ

Chi đoàn cơ sở khoa giáo viên là chi đoàn đặc thù của Đoàn Thanh niên Trường Sĩ quan Chính trị. Để giúp chúng tôi hiểu rõ hơn, Thượng tá Trần Xuân Chuyên giải thích: “Các đoàn viên, thanh niên Chi đoàn cơ sở khoa giáo viên là nguồn nhân lực chất lượng cao được tuyển dụng trong và ngoài quân đội. Đoàn viên của chi đoàn hiện có ở 14 khoa giáo viên và họ được đảm nhận giảng dạy hầu hết các học phần môn học trong tiến trình đào tạo của nhà trường”.

Các đoàn viên, thanh niên Chi đoàn cơ sở khoa giáo viên luôn tích cực học tập, nâng cao trình độ, phương pháp sư phạm. Thượng úy Nguyễn Bá Công còn nhớ như in những ngày đầu về Khoa Lịch sử đảng cách đây hai năm với nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Được cán bộ khoa, bộ môn, đồng đội động viên, chia sẻ kinh nghiệm, anh nhanh chóng tiếp cận nội dung giảng dạy, soạn giảng thông qua bài. Nguyễn Bá Công đã tự tin đăng ký “Giờ giảng thanh niên”, được cán bộ khoa chủ quản và đồng nghiệp đánh giá cao. Năm học 2019-2020, anh được tặng danh hiệu “Đoàn viên xuất sắc tiêu biểu”.

Hiệu quả từ mô hình “Giờ giảng thanh niên” được thể hiện bằng thành tích ấn tượng. Qua 8 năm, đã có 112 “Giờ giảng thanh niên” được thực hiện, tăng dần về số lượng qua các năm. Năm học 2019-2020, các đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn đã giảng dạy 8.432 tiết, thông qua 130 chủ đề bài giảng; là thành viên của 8 đề tài, sáng kiến cấp ngành, cấp trường, 12 đề tài Tuổi trẻ sáng tạo, sáng kiến kinh nghiệm đoạt giải từ cấp trường đến toàn quân; có 46 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong và ngoài quân đội. Nhiều đề tài, sáng kiến về phương pháp dạy học tích cực của các giáo viên trẻ đã được áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy tại Trường Sĩ quan Chính trị.

Đại tá Phùng Văn Lập, Phó chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Chính trị cho biết: “Mô hình “Giờ giảng thanh niên” của Chi đoàn cơ sở khoa giáo viên đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ sư phạm trẻ của nhà trường. Qua đó, các giáo viên trẻ được rèn luyện, hoàn thiện phương pháp sư phạm, tác phong chính quy, trưởng thành về mọi mặt”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/gio-giang-thanh-nien-gop-phan-nang-tam-giao-vien-tre-645867