Gìn giữ nét riêng

Xu hướng hội nhập quốc tế quả thật là khó cưỡng lại, nhất là với những đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM. Nhưng với những người xa quê hương lâu ngày như chị, khi trở về, thì nơi muốn bước chân vào phải là chút gì đó mang hồn cốt của Việt Nam. Chị còn bảo, thật buồn khi ngay cả những cửa hàng của ông chủ Việt Nam nhưng cũng chọn những cái tên quốc tế để đặt, như một cách thu hút du khách nước ngoài.

Chị Minh Hà thân mến,

Hà Nội đã vào đông. Cái rét làm cho người ta ngại ra đường, dù mùa này mưa phùn chưa đến. Nhưng đêm nay vào mạng, nhận được thư chị, em cảm thấy ấm áp. Vậy là sau chuyến bay dài, anh chị và các cháu đã trở về tới ngôi nhà của mình ở Flevoland (Hà Lan) một cách an toàn.

Gần một tháng về thăm quê hương chưa phải là nhiều, nhưng chị bảo, cũng phải thu xếp lắm mới thực hiện được. Vì anh chị muốn cho các cháu cùng về thăm ông bà nội ngoại một chuyến, các cháu cũng đã lớn cả rồi. Đó quả là một lý do xác đáng. Và chị thấy đấy, tuy cháu Hiền Miusa sinh ra ở bên đó, nhưng khi về Việt Nam, cháu dường như không tỏ ra xa lạ. Đồ ăn thức uống quê hương, món gì cháu cũng ăn được. Em cảm thấy mừng lắm. Bữa đưa cháu đi Hội An, cháu còn khen món ăn ngon, khen cảnh đẹp, bình thường chỉ thấy “mẹ mở trên internet”. Một chi tiết nữa khiến em còn vui hơn, đó là cháu nói tiếng Việt rất sõi, cứ y như cháu được sinh ra ở Việt Nam vậy.

Giờ thì anh chị và cháu lại trở về với ngôi nhà thân yêu ở Flevoland. Trong thư chị bảo vừa sang đến nơi đã thấy “một đống công việc” chờ đợi. Em mong anh chị sớm lấy lại sức khỏe để giải quyết những công việc ấy.

Chị Hà thân mến,

Bên cạnh chia sẻ về những công việc bộn bề sau gần một tháng về Việt Nam, trong thư chị vẫn còn nguyên những băn khoăn, bởi trong chuyến về Hà Nội lần này khi em dẫn anh chị và các cháu đi dạo phố “chỉ thấy toàn các cửa hiệu ăn nhanh hay những thương hiệu quốc tế”. Chị bảo, trên khu hồ Gươm, hay dọc đường Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… ở những vị trí đẹp nhất, buồn thay, lại là những cửa hàng KFC, BBQ, Lotteria hay những biển hiệu tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật.

Xu hướng hội nhập quốc tế quả thật là khó cưỡng lại, nhất là với những đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM. Nhưng với những người xa quê hương lâu ngày như chị, khi trở về, thì nơi muốn bước chân vào phải là chút gì đó mang hồn cốt của Việt Nam. Chị còn bảo, thật buồn khi ngay cả những cửa hàng của ông chủ Việt Nam nhưng cũng chọn những cái tên quốc tế để đặt, như một cách thu hút du khách nước ngoài.

Em cũng chia sẻ với chị với chị điều đó. Em thật sự tiếc nuối khi mà ở những vị trí đẹp nhất của một đô thị lại không phải là nơi dành cho những thương hiệu quốc gia, những mặt hàng do chính người Việt tạo ra và có uy tín với cộng đồng. Em vẫn còn nhớ, khi dẫn anh chị và các cháu đi uống cà phê. Những quán cà phê ngon của Hà Nội thì đa phần chỗ ngồi rất sụt sùi. Hay ăn chả cá Lã Vọng, bánh tôm hồ Tây cũng vậy, không phải chỗ nào cũng vừa được ngon miệng vừa ngon mắt. Trong khi đó, Starbuck - chuỗi quán cà phê nổi tiếng của Hoa Kỳ lại thường “án ngữ” ở những vị trí đẹp.

Em nghĩ, những điều chị em mình đang bàn cũng chạm đến tâm tư, nguyện vọng của khá nhiều người. Hội nhập nhưng đừng để những thương hiệu nước ngoài lấn át. Vì thế, chỉ một ước mơ giản dị thôi, ấy là làm sao để Hà Nội có những phố thật sự hiện đại và hòa nhập. Song song đó, Hà Nội càng phải giữ gìn, phát huy riêng những gì là bản sắc, dấu ấn của riêng mình. Phải vậy không chị?

Em gái,

Minh Trang

Từ khóa

gìn giữ nét riêng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/que-huong-hai-ngoai/gin-giu-net-rieng/134093