Gìn giữ, lan tỏa nghệ thuật cải lương qua cuộc thi Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền

Cuộc thi cải lương 'Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền' nhằm tôn vinh cố soạn giả tài ba và tìm kiếm tài năng, bổ sung nguồn lực nghệ thuật sân khấu cải lương.

Cần Thơ là vùng đất góp phần hình thành nên nghệ thuật đờn ca tài tử - nghệ thuật cải lương Nam bộ, cũng là quê hương của nhiều soạn giả, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Trong đó có cố soạn giả Mộc quán – Nguyễn Trọng Quyền, một danh nhân văn hóa được suy tôn là Hậu Tổ nghệ thuật cải lương. Từ năm 2001 đến nay, tên ông được đặt cho cuộc thi giọng ca cải lương giải “Mộc quán - Nguyễn Trọng Quyền”. Qua mỗi lần tổ chức, cuộc thi lại góp phần lan tỏa môn nghệ thuật truyền thống đến nhiều người và tạo nên không gian để nghệ sĩ trẻ thử sức, học kinh nghiệm từ nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền sinh năm 1876 (tức năm Bính Tý) tại làng Thạnh Hòa Trung Nhứt, tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên; nay là phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ.

Cuộc thi thu hút 43 thí sinh đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia

Trong 50 năm cầm bút, làm thầy tuồng, soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền đã góp công khai sáng nghệ thuật cải lương; tham gia lập gánh hát Tập Ích Ban, gánh hát đầu tiên vùng Long Xuyên – Cần Thơ. Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều thể loại như thơ, thơ tuồng, đặc biệt còn là một trong những người mở đường cho nghề soạn tuồng, làm thầy tuồng cải lương với di sản đồ sộ hơn 90 tuồng, trong đó có nhiều tuồng kinh điển như “Phụng Nghi Đình”, “Đêm trăng vĩnh biệt” (Huyền Trân công chúa), “Giọt máu chung tình” (Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà), “Hoa Mộc Lan tòng quân”…

Cuộc thi cải lương “Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền” nhằm tôn vinh cố soạn giả tài ba và tìm kiếm tài năng, bổ sung nguồn lực nghệ thuật sân khấu cải lương. Năm nay, cuộc thi được nâng tầm lên quy mô cấp quốc gia do UBND TP. Cần Thơ phối hợp với Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, diễn ra từ tháng 8 cho đến 30/11/2023.

Tại vòng chung kết, 12 thí sinh trình bày 1 bài vọng cổ bắt buộc theo kết quả bốc thăm ngẫu nhiên và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo với chủ đề liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nghệ thuật sân khấu cải lương của cố soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền.

Cuộc thi thu hút 43 thí sinh đăng ký tham gia, đến từ 12 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập từ các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Thí sinh nhỏ nhất là 19 tuổi, thí sinh lớn nhất là 67 tuổi.

Thí sinh Định Thị Nga, đến từ Nhà hát cải lương Việt Nam – Hà Nội cho biết: "Cuộc thi không giới hạn tuổi tác, tạo cơ hội cho tất cả nghệ sĩ tham gia. Khi đến với cuộc thi, bản thân tôi đã trau dồi và tìm thầy để luyện từng từ, từng nốt nhạc một".

Cuộc thi năm nay diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày mất của ông (1953-2023). Ngoài các vòng thi diễn, thí sinh còn tham gia hoạt động dâng hương – dâng hoa tại Khu tưởng niệm Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền. Đây là sự kiện bên lề hết sức ý nghĩa thể hiện lòng tôn kính của nghệ sĩ, nhất là thí sinh trẻ đối với “hậu tổ” có nhiều công lao vun đáp nền sân khấu nghệ thuật cải lương Nam bộ.

Thí sinh Trương Bùi Quang Vinh, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh An Giang bày tỏ: "Cuộc thi này mở rộng cho những nghệ sĩ đã có thành tích, đôi khi cũng là một phần áp lực nhưng đó cũng là cơ hội tốt để tôi cùng các bạn học hỏi và trau dồi thêm kiến thức".

Trải qua 2 vòng thi sơ tuyển và bán kết, Hội đồng Giám khảo đã chọn 12 thí sinh xuất sắc vào vòng chung kết, tranh tài vào tối ngày 29/11 và trao giải vào tối 30/11. Tại vòng chung kết, các thí sinh trình bày 1 bài vọng cổ bắt buộc theo kết quả bốc thăm ngẫu nhiên và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo với chủ đề liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nghệ thuật sân khấu cải lương của cố soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền.

Với sự chuẩn bị chu đáo từ kiến thức đến giọng ca diễn, 12 thí sinh đã mang đến những tiết mục đầy cảm xúc cho người mộ điệu. Bà Lý Phương Phương, ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ nói: "Qua những trích đoạn cải lương do các nghệ sĩ biểu diễn, tôi thấy yêu hơn nghệ thuật cải lương. Hơn nữa cho các bạn trẻ thể hiện nhiều hơn những tích tuồng của cố soạn giả đã viết".

Các nghệ sĩ tham gia đa phần là nghệ sĩ trẻ, đam mê cống hiến giữ gìn và lan tỏa nghệ thuật truyền thống cải lương đến nhiều người hơn

Là nghệ sĩ trẻ đến từ đoàn Cao Văn Lầu – tỉnh Bạc Liêu góp mặt trong vòng chung kết, thí sinh Nguyễn Hoàng Dững tâm sự, để hoàn thành vai diễn trong trích đoạn “Bát cháo nghĩa tình”, anh đã chuẩn bị thật kỹ, mỗi lớp ca diễn, từ lời thoại đến câu ca đều viết theo lối rất đời và anh thực sự xúc động khi nhận được tình cảm yêu mến của khán giả trong tạo hình Chí Phèo đầy hóm hỉnh.

Thí sinh Nguyễn Hoàng Dững chia sẻ: "Vào vòng chung kết cuộc thi, tôi rất vui, rất là chờ đợi đến giờ phút mình thi diễn, sao cho hoàn thành tốt nhất để vơi đi những tháng ngày khổ công tập luyện".

Theo Ban tổ chức, không riêng thí sinh Hoàng Dững, 12 thí sinh được hội đồng giám khảo đánh giá cao về mặt ca, diễn và trên hết là tạo được ấn tượng thông qua nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, đáp ứng được tiêu chí sáng tạo của cuộc thi.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định: "Các nghệ sĩ tham gia đều là những nghệ sĩ trẻ. Phần thi của các em ở góc độ chuyên môn về hát, về diễn, về cách biểu lộ tình cảm của người diễn viên đã tạo được cảm xúc rất tốt cho khán giả. Đặc biệt, thông qua những câu trả lời, hầu hết các thí sinh đã tìm hiểu rất là kỹ về thân thế, sự nghiệp của Mộc quán – Nguyễn Trọng Quyền, một người có đóng góp rất lớn cho nghệ thuật cải lương".

Kết quả chung cuộc, ban tổ chức đã chọn 5 thí sinh xuất sắc nhất trao Huy chương vàng và 7 thí sinh nhận Huy chương bạc. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ cho biết, với kinh nghiệm từ lần tổ chức này, Cần Thơ sẽ phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam duy trì tổ chức Cuộc thi Cải lương “Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền” định kỳ 3 năm 1 lần.

Và như thông lệ, mỗi quý một đợt sau khi đạt giải, thí sinh sẽ cùng hội ngộ ở mỗi tỉnh thành theo mô hình chương trình nghệ thuật “9 dòng sông hò hẹn” để cùng tạo sức lan tỏa những giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc cao đẹp đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Hồng Phương/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/gin-giu-lan-toa-nghe-thuat-cai-luong-qua-cuoc-thi-moc-quan-nguyen-trong-quyen-post1062990.vov