Gìn giữ căn tính Việt với người trẻ trong thời buổi hội nhập

Trước thềm Giỗ tổ Hùng Vương, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cùng các sinh viên bàn về việc gìn giữ, phát huy căn tính, văn hóa Việt trong thời hiện đại.

Ngày 6/12/2012, tổ chức UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng là "kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại". Đây là một sự kiện quan trọng trong việc bảo tồn và tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, trên cả nước có 1.417 điểm thờ tín ngưỡng Vua Hùng.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ - đã chủ trì lễ dâng hương theo đúng phong tục truyền thống của người Việt trong sự kiện tại trường Cao đẳng Bách Khoa Nam Sài Gòn dịp trước lễ Giỗ tổ Hùng Vương.

Trong bài chia sẻ của mình, ông Hồ Nhựt Quang nói về yếu tố "căn tính" Việt. Căn tính của một tộc người là nhằm chỉ một đặc tính hình thành từ thuở xa xưa và chi phối sự phát triển của tộc người ấy một cách lâu dài trong lịch sử.

Căn tính Việt thời Hùng Vương đóng vai trò quan trọng và mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và đời sống đương đại. Căn tính Việt không chỉ là nhắc về nơi chốn như "Nam quốc sơn hà, nam đế cư", mà trong mỗi người Việt Nam luôn có bụi tre ngà của Thánh Gióng nhắc mọi người biết đoàn kết, trượng nghĩa; luôn có chất keo sơn của bánh chưng - bánh dày thuở Lang Liêu gói bằng "lá lành đùm lá rách", luôn có lòng son, cay nồng hòa quyện của trầu cau...

Các diễn giả, chuyên gia có những chia sẻ về văn hóa cội nguồn Việt.

Trong thời hiện đại, căn tính Việt cần được giữ gìn, phát huy. Theo ông Quang, điều cốt lõi là tăng cường giáo dục, truyền thông về vai trò quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ căn tính Việt.

"Ví dụ như cần xây dựng và phát triển các chương trình truyền thông tích cực nhằm tôn vinh và khuyến khích những hành động tương thân tương ái, đoàn kết và trách nhiệm. Tiếp đến là đẩy mạnh nghiên cứu và bảo tồn văn hóa, để hiểu và truyền lại những giá trị căn tính Việt...", ông chia sẻ.

Bên cạnh đó, mọi người cần khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, chú trọng bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa như di tích, trang phục truyền thống, âm nhạc và hình thức nghệ thuật truyền thống.

Trao đổi với VietNamNet, NSƯT Huỳnh Khải - Nguyên Trưởng khoa nhạc truyền thống – Nhạc viện TP.HCM bày tỏ vui mừng khi đồng hành cùng chương trình. Sự đón nhận của hàng nghìn sinh viên khiến BTC có thêm động lực với công tác lan tỏa văn hóa, giá trị truyền thống.

NSƯT Huỳnh Khải cho rằng giới trẻ trong thời đại 4.0 cần hiểu rõ gốc gác, giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc. Không dừng ở lý thuyết sách vở, đây còn là phương tiện để mỗi người vững vàng bước ra thế giới nhưng không hòa tan, mất đi bản sắc cha ông để lại.

“Trong thời đại hội nhập, nhiều văn hóa va chạm, tôi cho rằng những chương trình thế này mang tính gắn kết cộng đồng lớn. Những bài học về dựng nước, giữ nước từ các bậc tiền nhân sẽ luôn là tiền đề quan trọng cho cộng đồng gìn giữ, phát huy”, anh nói.

Trong khuôn khổ chương trình, nghệ sĩ Kim Anh trình diễn bài ca cổ Tiếng trống Văn Lang, truyền tải tinh thần yêu nước và văn hóa của người Việt xưa. Nghệ sĩ Lý Trung Tín cũng hát vọng cổ được các đại biểu và học sinh hưởng ứng nồng nhiệt.

Tiết mục văn nghệ khơi dậy tinh thần yêu nước.

Cô Đặng Thị Thu Hiền - đại diện nhà trường mong mỏi sẽ có nhiều chương trình như này để lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nhất là trong tình hình hiện nay khi xu thế hội nhập diễn ra hết sức sâu sắc.

"Con diều dù bay rất cao và rất xa nhưng luôn vẫn cần có một cái dây để neo lại. Chúng tôi mong sợi dây văn hóa truyền thống vẫn là nơi cội nguồn để con dân đất Việt tìm về”, cô phát biểu.

Tuấn Chiêu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gin-giu-can-tinh-viet-voi-nguoi-tre-trong-thoi-buoi-hoi-nhap-2270883.html