Gìn giữ biểu tượng 'cao nguyên trắng'

Sự phát triển mạnh mẽ của đô thị du lịch Bắc Hà những năm qua dẫn đến 'làn sóng' đô thị hóa các vùng ven, khiến diện tích vườn mận Tam hoa ngày càng thu hẹp. Giữ gìn và bảo tồn vườn mận tam hoa không chỉ là vấn đề của ngành nông nghiệp trong giữ gìn bản sắc, hồn cốt 'cao nguyên trắng'.

Bắc Hà nổi tiếng với màu trắng của hoa mận và tên gọi "cao nguyên trắng" cũng bắt nguồn từ đây.

Những ngày cuối tháng 10, thời tiết Bắc Hà dịu mát xen những cơn mưa phùn, tiết trời không quá lạnh, không quá khô, nền đất ẩm… là điều kiện lý tưởng để trồng mận Tam hoa. Thế nhưng, tại nhiều vườn mận ở thị trấn Bắc Hà và khu vực lân cận, không còn thấy cảnh người dân chăm chút cho loại cây này, thay vào đó là tâm trạng thấp thỏm lo đền bù bởi vườn mận đã vào quy hoạch các dự án của huyện.

Khu vườn rộng hơn 2.000 m2 với cả trăm gốc mận Tam hoa từng là nguồn nuôi sống gia đình ông Lâm Văn Liêng mấy chục năm qua nhưng nay lởm chởm những hố sâu. Đấy là dấu vết của những gốc mận vừa được thương lái đào đi. Mỗi gốc mận đã cho thu hoạch được thu mua với giá 100 nghìn đồng/gốc. Ông Liêng cho biết: Khu vườn này đã được huyện thu hồi để thực hiện một dự án lớn nên gia đình tranh thủ bán vài gốc mận mong có thêm chút tiền sinh hoạt.

Dự án mà ông Liêng nhắc đến có tên đầy đủ là Dự án khu nhà ở kết hợp làng văn hóa du lịch phía Nam hồ Na Cồ. Khu vực lập quy hoạch có vị trí nằm trên địa phận thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, với tổng diện tích hơn 6,1 ha. Đây sẽ là khu vực phát triển đô thị mới của thị trấn Bắc Hà với các công trình như khách sạn, chợ ẩm thực, hệ thống dân cư đô thị kết hợp giữa ở và kinh doanh, công viên cây xanh, cảnh quan đô thị, công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chí, phục vụ nhu cầu phát triển đô thị của thị trấn Bắc Hà theo định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt.

Những vườn mận ở trung tâm thị trấn Bắc Hà dần biến mất trước "làn sóng" đô thị hóa.

Cũng giống như ông Liêng, nhiều hộ nơi đây phải từ bỏ vườn mận đã gắn bó hàng chục năm qua. Ông Liêng bảo, không chỉ tiếc vì không còn nguồn thu từ quả mận, mà còn bởi diện tích trồng mận ở khu vực xung quanh thị trấn Bắc Hà vốn tạo nên vẻ đẹp đặc trưng cho mảnh đất này ngày càng bị thu hẹp.

Tại khu vực thôn Na Hối Nùng, xã Na Hối, diện tích trồng mận cũng giảm đáng kể khi dự án đường vành đai 2 được triển khai. Trên công trường thi công dọc hai bên đường, những vườn mận trước đây giờ ngổn ngang đất, đá. Vườn mận 500 gốc của anh Thân Văn Lâm từng là điểm du lịch trải nghiệm thu hút đông du khách mỗi mùa thu hoạch mận, nay rậm rạp, đìu hiu bởi người chủ chẳng buồn chăm chút. Anh Lâm bộc bạch: Vườn đã vào quy hoạch rồi, chẳng biết khi nào thu hồi nên làm gì cũng không yên tâm. Nhiều cây già bị sâu mối đục thân chết dần cũng không được trồng thay thế, số gốc mận trong vườn cứ thế giảm dần…

Người dân tiếc nuối khi những vườn mận tam hoa hàng chục năm phải chặt bỏ để giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trên địa bàn.

Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi triển khai các dự án có thu hồi đất, diện tích mận ở khu vực trung tâm huyện Bắc Hà bị thu hẹp còn bởi sự gia tăng dân số tự nhiên và cơ học suốt những năm qua khiến nhu cầu đất ở tăng, lấn dần sang đất trồng mận. Chủ tịch UBND thị trấn Bắc Hà Phạm Anh Phương cho biết: Trước đây, ở thị trấn Bắc Hà từ khu vực Na Cồ, Nậm Cáy đến Na Quang… nhìn đâu cũng thấy mận, mận trồng tập trung thành vườn, rồi len lỏi ở bất cứ khu đất nào trống. Sau đó có thời kỳ quả mận mất giá, người dân thay thế bằng cây trồng khác và do tiến trình đô thị hóa dẫn đến diện tích mận Tam hoa ngày càng giảm.

Theo tư liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, từ năm 1985, mận Tam hoa được đưa vào trồng đại trà ở khu vực trung tâm huyện gồm thị trấn Bắc Hà và các xã: Na Hối, Tà Chải, Bản Phố, Thải Giàng Phố, Lầu Thí Ngài... Từ năm 1993 đến năm 1998, diện tích vườn mận không ngừng được mở rộng, dao động từ 2.500 đến 2.700 ha. Người tiêu dùng quen thuộc với tên gọi mận Tam hoa bởi chất lượng quả ngon, ngọt, to đều, đẹp mắt. Giống mận này đem lại năng suất cao, khẳng định là loại cây ăn quả số một trên địa bàn huyện, là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nông dân vùng cao Bắc Hà.

Những gốc mận đang được đào đi để thực hiện một dự án nhà ở kết hợp làng văn hóa du lịch.

Đến năm 2008, toàn huyện còn khoảng 700 ha mận Tam hoa. Trong khi chưa tìm được các giống cây ăn quả khác có thể thay thế cây mận Tam hoa, huyện Bắc Hà triển khai dự án cải tạo mận Tam hoa. Đến nay, huyện Bắc Hà có 350 ha mận Tam hoa, tập trung tại khu vực trung tâm huyện gồm thị trấn Bắc Hà, Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Thải Giàng Phố. Riêng tại thị trấn Bắc Hà hiện chỉ còn khoảng 10 ha. Theo định hướng mới, diện tích thị trấn Bắc Hà tiếp tục được điều chỉnh, mở rộng từ 810 ha lên 1.500 ha, trong đó mở rộng thêm một phần xã Tà Chải 152,79 ha, một phần xã Na Hối 39,38 ha, một phần xã Bản Phố 380,93 ha, một phần xã Thải Giàng Phố 109,1 ha và một phần xã Lùng Phình 7,8 ha. Quy hoạch mới với các phân khu chức năng, khu đô thị, khu du lịch, nghỉ dưỡng... chắc chắn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến diện tích trồng mận.

Trong quy hoạch mới công bố, đô thị Bắc Hà sẽ tiếp tục được mở rộng.

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà khẳng định: Mận Tam hoa đã vượt ra khỏi giá trị là cây xóa đói, giảm nghèo của địa phương, trở thành sản vật đặc trưng, biểu tượng của Bắc Hà, bởi vậy giữ gìn diện tích vườn mận có ý nghĩa quan trọng với du lịch địa phương. Trước thực trạng diện tích trồng mận đang bị thu hẹp do đô thị hóa, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện một số địa điểm phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng để quy hoạch thành các điểm trồng mận tập trung. Đây sẽ là giải pháp lâu dài để Bắc Hà không mất đi hình ảnh đặc trưng “cao nguyên trắng”.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362127-gin-giu-bieu-tuong-cao-nguyen-trang