Gìn giữ bản sắc văn hóa Tày

Xu hướng hội nhập làm xuất hiện nguy cơ mai một, mất đi nét văn hóa riêng của từng dân tộc thiểu số. Lớp trẻ có xu hướng thiếu ý thức giữ gìn bản sắc, rụt rè tự ti khi chia sẻ bản sắc văn hóa dân tộc mình, thậm chí quên đi truyền thống.

Em Ma Thị Huyền và Hoàng Thị Linh, lớp 11B1 trường THPT Na Hang. Ảnh: Mạnh Tùng.

Để góp phần khắc phục tình trạng này, nhóm học sinh Ma Thị Huyền và Hoàng Thị Linh, lớp 11B1 - Trường THPT Na Hang đã tiến hành nghiên cứu và trải nghiệm về các nét đẹp văn hóa trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ đó tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện nhà.

Khảo sát số liệu tại trường THPT Na Hang, các em nhận thấy chỉ có 10/331 học sinh dân tộc thiểu số thích mặc trang phục dân tộc mình. Số học sinh dân tộc thiểu số ở thị trấn biết sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình cũng chỉ có 10/67 em. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hiểu biết về phong tục tập quán dân tộc mình cũng chưa đến 50%.

Khi đi tìm hiểu tại các xã, các em cũng nhận thấy số lượng người biết làm trang phục truyền thống, biết sử dụng nhạc cụ, hát páo dung, hát giao duyên, chơi các trò chơi dân gian... của các dân tộc còn rất ít, có nguy cơ mai một.

Các em đã cùng nhau lên kế hoạch, chương trình hành động nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa bản sắc của các dân tộc thiểu số trong trường THPT Na Hang nói riêng và của huyện nhà nói chung.
Cụ thể, phối hợp với các tổ chức trong trường để tuyên truyền tới các bạn qua các buổi ngoại khóa; lập các nhóm học hát then, hát páo dung, đàn tính,... với người đứng đầu là những học sinh đang tham gia các câu lạc bộ tại các xã với các nội dung đã được các nghệ nhân truyền dạy và những bài học trên mạng Internet. Ngoài ra, còn tổ chức học tiếng và chia sẻ văn hóa trong các giờ giải lao theo hình thức người biết nói tiếng dân tộc dạy người chưa biết nói, người am hiểu bản sắc chia sẻ với người am hiểu ít hơn… và sinh hoạt trong câu lạc bộ tại trường.

Kết quả, đã thành lập được câu lạc bộ tiếng Tày, tiếng Dao, hát Then, múa các điệu múa dân tộc..., được đông đảo học sinh trong trường hưởng ứng. Sau một thời gian đi vào hoạt động số lượng học sinh biết nói ngôn ngữ của dân tộc mình cũng như của dân tộc bạn tăng lên. Các em tự tin hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong giao tiếp. Trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường tiết mục văn nghệ hát Then, múa (Dao)… do các em trong trường thực hiện nhận được nhiều lời khen ngợi.

Những việc làm trên đã giúp các học sinh trong trường thấy được vẻ đẹp của quê hương Na Hang, thấy được nét đẹp trong các trang phục truyền thống, hiểu được bản sắc văn hóa dân tộc mình và dân tộc bạn, góp phần yêu mến quê hương đất nước. Đây cũng là dự án được trao giải Khuyến khích tại cuộc thi sáng tạo THPT cấp tỉnh năm học 2018 - 2019.

Thái An

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/gin-giu-ban-sac-van-hoa-tay-118420.html