Giết vợ chỉ vì không biết đẻ con trai?

Vụ án Lê Công Đại (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) nửa đêm giết chết vợ rồi tự tử nhưng không chết vẫn còn là một ẩn số. Vì Đại mắc chứng thần kinh hay vì có mâu thuẫn nào đó ghê gớm với vợ? Nhưng dù là gì đi nữa thì người phải chịu nỗi đau đớn, thiệt thòi này không ai khác chính là bốn đứa con thơ của họ. Mẹ mất, bố có thể sẽ ngồi tù hoặc vào trại tâm thần, chúng sẽ sống sao đây trong những ngày sắp tới?

Án mạng lúc nửa đêm

Cả thôn Chóng đang chìm trong giấc ngủ yên bình bỗng chốc bị đánh thức bởi tiếng còi hú của xe cứu thương và xe cảnh sát. Không ai có thể ngờ được rằng vào rạng sáng ngày 20/3/2012, Lê Công Đại "bỗng dưng" giết chết vợ mình là chị Lê Thị Dung và tự dùng dao cứa cổ mình với ý định tự tử.

Nguyên do nào dẫn đến hành động ra tay man rợ của Đại vẫn đang là một ẩn số. Kể lại cho chúng tôi nghe những gì mình tận mắt chứng kiến đêm hôm đó, bà Nguyễn Thị Dựng (mẹ đẻ của chị Dung) nước mắt giàn giụa: "Đêm hôm đó tôi đi ngủ rồi thì thấy hai đứa con trai tôi hốt hoảng gọi nhau ra nhà chị Dung, nói là có chuyện gì đó. Tôi đòi đi theo thì chúng nó không cho đi, tôi đành vào ngủ. Lát sau, tôi lại thấy chú em chồng tôi cũng lấy xe máy đi. Chú ấy qua nhà tôi và bảo thằng Đại bị đi viện rồi thế là tôi xin chú ấy đi theo. Ra đến nơi thấy thằng Đại nằm đó, lại thấy một người nằm đắp chiếu, tôi mới hỏi: "Thằng Đại đây, thế ai nằm kia?" thì không ngờ người ta bảo đấy là con gái tôi. Rồi người ta đuổi tôi ra không cho tôi vào xem mặt con. Khổ thân con tôi quá!".

"Vãi ơi, bầm chết rồi đấy!"

Kể từ sau đêm bố giết mẹ, bốn đứa con của chị Dung đã được đón về nhà bà ngoại chăm sóc. Đứa lớn nhất mới vừa tròn mười tuổi, đứa bé nhất chưa đầy năm rưỡi. Cuộc sống trước đó tuy chưa khá giả gì nhưng những đứa trẻ ấy vẫn có đủ cả cha lẫn mẹ. Vậy mà tai họa bất ngờ giáng xuống đầu chúng, khi chỉ sau một đêm chúng trở thành những đứa trẻ mồ côi. Mẹ vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại, bố tạm thời được đưa tới bệnh viện thần kinh Trung ương để người ta giám định tình trạng sức khỏe và bệnh tật.

Từ sau cái đêm kinh hoàng ấy, đứa con gái đầu lòng của chị Dung không một đêm nào ngủ ngon giấc. Phần vì những ám ảnh khi phải tận mắt chứng kiến mẹ nằm chết trên vũng máu, phần vì đứa em gái út của Linh đêm nào cũng khóc vì nhớ hơi mẹ. Tối đến khi đi ngủ, Linh phải cho em gối đầu tay, ôm nó thật chặt để nó khỏi giật mình. Những đêm em ngoan còn đỡ, những đêm em quấy quá, khóc ngằn ngặt, không dỗ được em, Linh cũng chỉ biết ôm em mà khóc theo. Nhìn cảnh thương tâm ấy bà ngoại cũng chỉ biết nhìn cháu mà khóc. Muốn ôm đứa cháu nhỏ vào lòng mà vỗ về, âu yếm nhưng nó không quen hơi nên bà ngoại cũng đành bất lực nhìn hai chị em nó dỗ dành, nựng nịu nhau.

Bà Nguyễn Thị Dựng nhìn mấy đứa cháu ngoại mà lòng đau như cắt. Bà bảo: "Sau ngày thằng Đại đâm chết con tôi, tôi quyết định đưa các cháu về đây. Tôi không đành lòng để chúng nó bơ vơ không nơi nương tựa. Ngay hôm đầu đưa các cháu về nhà chăm sóc, tôi cũng đã nói với các con trai và các con dâu của tôi là "nếu vì chuyện này mà các con cãi nhau thì mẹ sẽ ra ngoài ở riêng nhưng nhất định mẹ không để các cháu của mẹ phải sống cầu bất cầu bơ đâu".

Thương chị đã mất, thương các cháu còn nhỏ nên các em của chị Dung không ai phản đối chuyện đón các cháu về nuôi. Đứa con gái thứ ba của chị Dung năm nay vừa tròn ba tuổi. Cháu còn quá bé để hiểu được nỗi đau mất mẹ nên thỉnh thoảng lại nói những câu như cứa vào tim những người lớn: "Vãi ơi, bầm chết rồi đấy, chết thật rồi đấy!" (Bà ngoại ơi, mẹ chết rồi đấy, chết thật rồi đấy!). Mỗi lần nghe cháu hồn nhiên nói vậy lòng bà Dựng đau như có ai xát muối, bà lại nói dối nó: "Bầm con chỉ đi xa thôi. Con ngoan bầm sẽ về thăm con". Nghe bà nói thế, nó vặn lại: "Vãi hứa nhé, con ngoan vãi nhớ cho con đi gặp bầm đấy!".

Bà Dựng đau đớn kể lại cái chết của con gái.

Ngồi cạnh hai đứa con của chị Dung, người em út mếu máo: "Làm gì có cái loại chồng nào mà dã man đến thế. Đến kẻ thù người ta cũng không nỡ ra tay giết người tàn nhẫn vậy. Có khi ở bên nhà người ta cũng chả ai sắp cơm cúng cho chị của em đâu. Chết rồi mà vẫn khổ". Thực lòng cũng chả phải những người trong gia đình nhà Đại bất nhẫn đến vậy, mà đơn giản trong gia đình ấy giờ chỉ còn duy nhất một người chị gái bị thần kinh từ nhỏ. Bố mẹ Đại cũng đã mất từ lâu, các chị gái lấy chồng xa, kiến giả nhất phận. Từ hôm xảy ra chuyện, các chị của Đại cũng chỉ mới đến thăm các cháu được một vài lần. Tuy nhiên cũng chưa ai có ý định đón các cháu về nuôi.

Thương con bị chết tức tưởi một thì bà Dựng xót các cháu mười. Bà bảo: "Nếu gia đình nhà người ta mà muốn đón các cháu về nuôi thì tôi cũng không phản đối nhưng với điều kiện cả bốn đứa phải được ở cùng nhau. Chứ người ta chia nhau ra mỗi người nuôi một đứa thì tôi không bao giờ đồng ý. Chúng nó đã thiệt thòi vì không còn bố mẹ, giờ lại mỗi đứa một nơi thì khổ thân chúng nó lắm. Nếu thế thì tôi có chết đói cũng phải nuôi cho chúng nó nên người".

Giết vợ vì thần kinh hay vì không có con trai?

Có rất nhiều ý kiến trái chiều trong vụ án Lê Công Đại nửa đêm giết vợ. Người thì bảo do bệnh thần kinh của Đại tái phát nên mới ra tay sát hại vợ dã man đến vậy. Người lại bảo do Đại tự gây áp lực cho mình về việc vợ không sinh được con trai dẫn đến căng thẳng, u uất nên mới giết vợ.

Từ ngày mẹ mất đứa em út không dời Linh nửa bước.

Trên thực tế, gia đình Lê Công Đại có tới hai người bị mắc chứng bệnh thần kinh. Người chị gái bị mắc chứng bệnh này từ nhỏ, đến nay dù đã nhiều tuổi nhưng vẫn lang thang và không thể lập gia đình. Người thứ hai là mẹ của Đại. Người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau về nguyên nhân dẫn đến việc mẹ Đại "bỗng nhiên" thần kinh rằng, vì không sinh được con trai nên bà đã đến rất nhiều cửa chùa để cầu tự, đến khi sinh được ra Đại thì lại không chịu đi "giả lễ" cho tươm tất nên bị giời đày mắc chứng thần kinh.

Đó cũng chỉ là cách mà người dân nơi đây tự lý giải cho hiện tượng bỗng nhiên thần kinh của mẹ Đại. Bản thân Đại cách đây ba năm cũng đã từng được người nhà đưa vào Bệnh viện tâm thần Ba Thá để khám bệnh. Lý do là vì suốt một thời gian dài Đại chỉ đóng cửa ngồi lỳ trong nhà, mặt ngẩng lên trời, không nói với ai câu nào. Nhưng sau khi đến khám, các bác sĩ chỉ cho Đại đơn thuốc chứ không yêu cầu Đại phải ở lại chữa trị. Trong cuộc sống thường ngày, Đại là một người đàn ông hiền lành, ít nói, sống chan hòa với mọi người và hầu như không có biểu hiện gì bất thường của một người mắc chứng thần kinh.

Nói chuyện với chúng tôi, người cô của chị Dung một mực khẳng định: "Thằng Đại nó không bị thần kinh gì đâu. Nó giết vợ cũng chỉ vì nó ức chế vì vợ nó không đẻ được con trai. Mới hôm kia tôi ra nhà vợ chồng nó chơi, mặt vợ nó buồn rười rượi kể cho tôi nghe là thằng Đại suốt ngày rủa cháu tôi là "cái giống nhà mày không biết đẻ". Để minh chứng cho những điều bà cô nói là đúng sự thật, em gái út của chị Dung cũng kể rằng: "Có lần anh Đại ngồi uống rượu với anh em đồng hao, khi thấy anh kia bảo là "thôi không bắt vợ đẻ nữa đâu vì thấy vợ vất vả lắm" thì anh Đại gạt đi và bảo: "Không. Sống là phải có con trai".

Có phải thế chăng khi mà cách đây không lâu, chị Dung có tâm sự với em gái của mình rằng: "Chắc cũng phải đẻ nữa thôi. Phải cố sinh cho anh ấy một đứa con trai. Dù gì anh ấy cũng là con một, nếu không thì mất giống". Ẩn sau lời nói ấy là một nỗi ám ảnh, một nỗi sợ hãi thường trực trong lòng chị Dung. Rất nhiều lần chị Dung đã khóc và tâm sự với người cô của mình rằng, mỗi lần chồng chị đi uống rượu về là lại lôi chị ra chửi mắng vì mắc tội không sinh được con trai khiến chồng bị người ta coi thường. Và khi ăn cỗ không được ngồi mâm trên.

Biết con thiệt thòi vì không sinh được con trai cho chồng nên bà Dựng luôn tìm cách để bù đắp cho chồng chị Dung. Nhà chị Dung có công to việc lớn nào bà Dựng cũng bắt các con của mình đến giúp đỡ anh chị. Khi thì cắt cho sào lúa, cày cho thửa ruộng, khi thì lợp lại mái nhà. Nói chung là tất cả mọi việc, miễn sao cho con gái bà không bị chồng giày vò nhiều.

Theo bà Dựng thì: "Nếu thằng Đại thần kinh thì giết vợ xong sao còn thấy sợ mà quay ra tự tử. Hơn nữa sao đã tự lấy dao cứa cổ mình rồi mà còn biết chạy đi qua mấy nhà hàng xóm kêu cứu rồi bắt người ta đưa mình đi bệnh viện". Theo cách tư duy ấy của bà Dựng thì thằng con rể của bà nhất định không phải vì thần kinh mà giết vợ mà chắc chắn phải có một uẩn khúc gì đó ghê gớm lắm. Bà Dựng bảo: "Biết nó ác thế thì ngay từ đầu tôi nhất định không cho nó lấy thằng đó".

Ông bà Dựng đã từng phản đối con gái mình lấy Đại. Một phần vì e ngại một số thành viên "không bình thường" của gia đình nhà anh ta. Một phần trong thời gian hai người yêu nhau, Đại bỏ vào miền Nam làm cà phê cho chị gái. Đại hứa hẹn với chị Dung tháng 9/2000 sẽ ra Bắc và làm đám cưới với chị Dung. Nhưng đợi mãi cho tới tận tháng 12 vẫn không thấy Đại ra, bố mẹ chị Dung đã nhắm cho chị một đám khác nhưng chị nhất mực không nghe mà nói bằng giá nào cũng đợi Đại về.

Đúng 28 Tết năm 2000, Đại về và xách một chai rượu xuống xin được có lời chính thức với gia đình chị Dung. Và họ cưới nhau ngay sau khi ăn Tết xong. Bước chân về nhà chồng với biết bao khó khăn, vất vả và áp lực nhưng chị Dung vẫn thấy vui vì được sống cạnh người mình yêu thương. Tình yêu sẽ dài mãi, cuộc sống sẽ bình yên hơn nếu như những đứa con của họ lần lượt ra đời có cả nếp lẫn tẻ. Mọi mâu thuẫn trong cuộc sống của vợ chồng chị Dung sau này đa phần đều xuất phát từ việc không sinh được con trai để nối dõi.

Ông Hoàng Công Thức - Trưởng công an xã Yên Bài: Trong cuộc sống thường ngày, Đại là người rất hiền lành ít nói, chưa từng va chạm, xích mích với ai. Hai vợ chồng cũng rất quấn quýt với nhau, đi đâu cũng có vợ có chồng, hàng xóm láng giềng hiếm khi nghe thấy họ to tiếng với nhau. Thế nên khả năng Đại giết vợ vì mâu thuẫn với vợ là rất khó có thể xảy ra. Khả năng Đại vì mắc chứng thần kinh mà giết vợ sẽ nhiều hơn.

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/phongsu-ghichep/noidausophan/2012/4/183212.cand