'Gieo chữ' trên non

“Gánh chữ” lên non luôn là thử thách không nhỏ đối với các thầy cô giáo ở điểm trường lẻ của xã Yên Hưng, huyện Sông Mã. Bằng tình yêu nghề, các thầy cô giáo luôn quyết tâm bám trường, lớp mang con chữ đến với học sinh vùng cao.

Điểm trường Pao Lằn.

Điểm trường Pao Lằn.

Cùng thầy giáo Phạm Hồng Thái, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Hưng, vượt 10 cây số đường dốc ngoằn nghoèo, trơn trượt, chúng tôi đến điểm trường Pao Lằn. Trước năm 2000, để xây dựng điểm trường, nhà trường và nhân dân một số bản lân cận đã san quả đồi nhỏ để lấy mặt bằng. Cùng với đó, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện tích cực kêu gọi xã hội hóa xây dựng điểm trường Páo Lằn, nên những lớp học tạm bợ trước đây đã được thay thế bằng những lớp học kiên cố hơn.

Thầy Thái chia sẻ: Trước đây, nhà trường có 4 điểm trường lẻ, nay đã dồn ghép thành 2 điểm để thực hiện bán trú cho những học sinh ở xa. Pao Lằn có 5 lớp, với 126 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó, 34 em được hưởng chế độ bán trú. Một số em ở nhờ nhà người thân, còn lại 11 học sinh không có nhà người thân, nhà trường cho mượn đất để phụ huynh làm lán cho các cháu ở và cắt cử giáo viên ở lại lớp để trông nom, giúp đỡ các em.

Giờ học của cô trò điểm trường Pao Lằn.

Giờ học của cô trò điểm trường Pao Lằn.

Gắn bó với nghề dạy học đã chục năm nay, trong đó nhiều năm dạy học tại các điểm trường lẻ, đây cũng là năm thứ 2 cô giáo Đèo Thị Thủy dạy học tại điểm trường Pao Lằn. Trò chuyện với cô Thủy được biết, nhà cô ở xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, cách xa điểm trường cả trăm cây số. Cứ cuối tuần cô mới có thời gian về thăm chồng, con. Con đầu của cô đang học lớp 2, bé thứ hai mới chỉ 3 tuổi. Mọi việc nuôi nấng, dạy dỗ con cái đều nhờ cả vào đôi bàn tay của chồng cô.

Cô Thủy tâm sự: Tôi thật may mắn vì chồng tôi và gia đình nhà chồng luôn thấu hiểu và thông cảm. Cũng vì thế mà tôi mới có nhiều thời gian dành cho học sinh ở Pao Lằn. Tôi mong sao, điểm trường này sẽ được đầu tư công trình nước sạch và một số trang thiết bị dạy học hiện đại để các em có điều kiện học tập tốt hơn...

Đường lên điểm trường Hua Mừ.

Đường lên điểm trường Hua Mừ.

Rời Pao Lằn, chúng tôi tiếp tục vượt 5 cây số đường rừng để đến điểm trường mầm non bản Hua Mừ, nơi mà chưa được phủ sóng điện thoại, giao thông còn nhiều cách trở, khiến việc dạy trẻ gặp nhiều khó khăn. Tại đây, do thiếu thốn về mọi mặt nên học sinh tiểu học đã được đưa về trường trung tâm, các điểm trường thuận lợi hơn và hưởng chế độ bán trú.

Cô giáo Lò Thị Xiên, nhà ở cách điểm trường gần 20 cây số, nên ngày nào cũng dậy từ 5 giờ sáng để đến lớp, tối mịt mới về đến nhà. Đường đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa. Cô Xiên chia sẻ: Điểm trường có 1 lớp, với 26 trẻ từ 3 đến 5 tuổi, có 15 cháu thuộc diện hộ nghèo, mùa đông nhiều cháu thiếu quần áo ấm.

Lớp học tại điểm trường Hua Mừ.

Lớp học tại điểm trường Hua Mừ.

Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tình yêu nghề, mến trẻ, việc duy trì sỹ số của hai bậc học ở Pao Lằn, Hua Mừ cũng như các điểm trường khác ở Yên Hưng đều đạt 100%. Hằng năm, tỷ lệ năng lực học sinh tiểu học hoàn thành tốt đạt trên 95%; phẩm chất tốt đạt trên 97%; tỷ lệ học sinh chuyển lớp đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Chất lượng trẻ mầm non luôn đạt yêu cầu, các cháu hoàn thành bậc mầm non để bước vào tiểu học đều biết hết mặt chữ và những con số... Đây chính là những kết quả có đóng góp không nhỏ của những người “gánh chữ” lên non ở Yên Hưng.

Huyền Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/gieo-chu-tren-non-3GIK6FMIR.html