Gieo chữ nơi đầu sóng, ngọn gió

Những nhà giáo đang công tác tại các vùng huyện đảo/xã đảo xa xôi của cả nước vẫn đang tiếp tục ngày đêm cống hiến thực hiện sứ mệnh “gieo chữ” nơi “đầu sóng, ngọn gió”. Bằng tình yêu biển đảo quê hương, tấm lòng và trách nhiệm, những người giáo viên đã vượt qua tất cả những khó khăn, vất vả để có thể trồng cho đời những đóa hoa thơm. Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với những thầy, cô giáo tiêu biểu đang công tác tại các vùng biển đảo trên cả nước.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy (SN 1967, Trường Tiểu học Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang)

Với gần 30 năm công tác tại vùng đảo, cô giáo Thủy cho hay những ngày đầu tiên trên xã Đảo Lại Sơn (Kiên Giang) cách đất liền 60km, điện thắp sáng không có, nước sử dụng cũng rất hạn chế. Mỗi lần đi công tác ở điểm lẻ, cô thường trèo qua núi trong thời gian 3 đến 4 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Trong một năm có khoảng 4-5 tháng mùa biển động, từ đất liền đi ra đảo có lần đi bị chìm xuồng.

“Mặt khác ngày đó, hầu hết người dân ở đảo sống bằng nghề đánh bắt hải sản, các em đến tuổi đi học lại thường xuyên theo bố mẹ đi biển nên sĩ số lớp học thường không ổn định. Nhưng với cái tâm của người thầy, bản thân chúng tôi cũng thường xuyên đến vận động các em quay trở lại trường lớp. Ban ngày tôi dạy học cho học sinh ở trường. Đến tối, tôi dạy xóa mù chữ cho các em và ngư dân chưa biết chữ trên địa bàn xã đảo Lại Sơn, dạy ở các lớp học tình thương, tình nghĩa. Cứ như thế tình cảm với các học trò, với biển đảo quê hương cũng lớn dần theo năm tháng, cứ thế gắn bó với các em học sinh” - cô Thủy chia sẻ.

Thầy giáo Lê Xuân Quyết (SN 1990, Trường Tiểu học Song Tử Tây, Khánh Hòa)

Công tác tại đảo Song Tử Tây được hơn 3 năm, thầy Quyết chia sẻ: “Những đứa trẻ ngoài đảo rất khỏe mạnh và học giỏi. Có những em chỉ mới 4, 5 tuổi nhưng mỗi buổi sáng, buổi trưa đều tự đeo balô đi học, không cần bố mẹ đưa đi. Có hôm vào ngày lễ, tôi tới lớp, đọc được những dòng chữ trên tờ giấy nhỏ các em để dưới ngăn bàn mà rơi nước mắt. Chúng nhắn tôi là: “Em mong thầy có nhiều sức khỏe để đóng góp nhiều hơn nữa cho biển đảo quê hương", “mong thầy đừng xa bọn em". Đó cũng là lý do để tôi thêm gắn bó với nơi đầu sóng ngọn gió này”.

“Một buổi trưa hè, tôi dạy lớp mầm non. Thời tiết oi nóng, mà trên đảo thì thiếu điện. Vừa dạy các bé viết, tôi vừa động viên rằng: "Các con cố lên, trời cũng gần dịu rồi". Rồi một em đứng lên nói: “Con đâu có nóng đâu”, rồi các bạn khác cũng đồng thanh nói theo "đúng rồi, con cũng không nóng mà”, rồi các con lại tiếp tục hì hụi viết. Mồ hôi rơi xuống làm ướt hết cả những trang vở. Tôi đứng trên bục giảng, cổ họng nghẹn lại, nước mắt ứa ra” - thầy Quyết xúc động.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Yến (SN 1987, Trường tiểu học & THCS Cái Chiên)

Cô Hoàng Yến cho biết: “Trong 3 năm giảng dạy tại đây chưa có điện nên đời sống rất khó khăn. Các lớp học buổi chiều bắt đầu lúc 1h nhưng thường phải bắt đầu sớm hơn, khoảng từ 12h30 là phải cho học sinh vào học để học sinh có thể về sớm hơn trước khi trời tối. Những ngày trời mưa hay những ngày mùa đông thì trời rất tối. Học sinh nhìn lên bảng rất khó, viết vào vở thì rất mờ. Vì tình hình điện đóm rất hạn chế nên cứ khi nào có điện là giáo viên phải tranh thủ xạc pin và soạn giáo án bằng máy vi tính ngay. Còn các em học sinh buổi tối không có điện thì việc học bài và làm bài tập cũng không được thường xuyên lắm. Ban ngày thì các em lại phải tranh thủ đi đào ngao, bắt ốc giúp gia đình. Cho đến gần đây đảo Cái Chiên mới được nối điện lưới quốc gia”.

“Ở trên đảo thức ăn rất thiếu thốn, nhất là những hôm mà biển động thì giáo viên không có thức ăn trên đảo. Cả một tuần mọi người phải mang rau, mang cá khô… để sinh tồn trên đảo”- cô Yến nói.

Thầy giáo Đoàn Văn Kiều (SN 1979, Trường Phổ thông Cơ sở Sơn Hải, Kiên Lương, Kiên Giang)

Trong buổi tri ân các giáo viên vùng huyện đảo, xã đảo tại Hà Nội, thầy Đoàn Văn Kiều xúc động kể lại: “Việc duy trì sĩ số các lớp học trên đảo gặp khá nhiều khó khăn. Có những trường hợp gia đình quá nghèo các em không thể đi học được. Có những trường hợp trẻ em bỏ học nhưng tôi đã dùng tiền lương của mình để trang trải cho các em đó tiếp tục việc học. Sau này em học trò này đã học đại học và ra trường có việc làm, cuộc sống tốt hơn rất nhiều... Đó là động lực rất lớn để tôi cố gắng hơn trong quá trình công tác”.

VƯƠNG TRẦN - CAO NGUYÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/gieo-chu-noi-dau-song-ngon-gio-612179.bld