Giàu cây cọ, khó cây cọ

Nhiều lần cải tạo vườn, trồng thay thế cây mới nhưng ông Tảo vẫn giữ mấy gốc cọ ở góc vườn để 'làm cảnh' bởi ngày càng ít đi thứ cây được xem là biểu tượng của tỉnh Phú Thọ.

“Trước kia, trên đồi quanh khu này đầy cọ, nhưng nay người ta chặt hết, trồng cây khác có lợi ích kinh tế hơn”, ông Nguyễn Hữu Tảo, 67 tuổi, ở Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ nói. “Mấy lần cải tạo vườn đã định chặt bỏ nhưng rồi tôi quyết định giữ lại làm kỷ niệm”.

“Thủ phủ cọ”

Phú Thọ là tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, nằm tiếp giáp giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc, là trung tâm tiểu vùng Tây - Đông Bắc. Một số sách báo thường nhắc đến Phú Thọ với danh xưng “thủ phủ cây cọ”. Ngoài Phú Thọ, Thái Nguyên và Tuyên Quang cũng trồng cọ nhưng diện tích không nhiều và chỉ tập trung ở một, hai huyện.

Một góc rừng cọ ở xã Quảng Yên, Thanh Ba, Phú Thọ (Ảnh: Báo Phú Thọ).

Cây cọ có trong các câu ca dao được truyền tụng ở Phú Thọ: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Cơm nắm lá cọ là người sông Thao" (đoạn sông Hồng chảy qua Phú Thọ được gọi là sông Thao), hay "Dù ai đi ngược về xuôi/ Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh". Cây cọ xuất hiện nhiều trong đời sống của người dân Phú Thọ, từ chiếc chổi lá cọ, chiếc mành hay rèm che nắng làm từ cuống lá, đến nón lá, áo tơi, các món ăn làm từ cọ như cọ ỏm, cọ muối, đuông cọ, cơm nắm lá cọ…

Một số tài liệu cho biết cọ ở Phú Thọ là giống cọ xẻ hay còn được gọi là cọ trơn. Tên khoa học của cây cọ xẻ là Livistona chinensis. Một số sách báo tiếng Anh còn gọi cây này là “cọ quạt Trung Quốc” (Chinese fan palm). Cọ xẻ có mặt ở khu vực cận nhiệt đới Đông Á, là loài bản địa của vùng nam Nhật Bản, Đài Loan, một số đảo trên Biển Đông và Việt Nam.

Năm 1999, một số nhà khoa học phát hiện ở vùng Hạ Long, Quảng Ninh cũng có cọ lá xẻ, nhưng là một giống mới. Loài cọ này cũng thuộc chi Livistona, danh pháp là Livistona halongensis, một trong những loài thực vật đặc hữu chỉ có ở Vườn quốc gia Cát Bà, Hải Phòng và vịnh Hạ Long.

Đặc trưng nổi bật để phân biệt cọ Hạ Long với cọ xẻ là thùy lá (phần nhô ra từ mép phiến lá, tạo thành hình dạng đặc trưng cho lá) của cọ Hạ Long chẻ sâu vào gân chính, gai cuống lá ngắn và to, cụm hoa vươn cao hẳn lên phía trên cuống lá, quả có hình cầu (còn quả cọ xẻ hình bầu dục), rễ cứng.

Ông Thịnh và sản phẩm mành cọ của gia đình.

Theo Cổng thông tin điện tử Phú Thọ, trong những năm 60 của thế kỷ 20, tỉnh này có khoảng 10.000 hecta cọ xẻ. Tuy nhiên diện tích cọ giảm sút do nhu cầu sử dụng cọ giảm. Nhiều mô hình trồng dặm, trồng xen cây ngắn ngày dưới tán cây cọ dần thay thế những rừng chuyên trồng cọ.

Một thống kê năm 2017 cho biết rừng cọ còn lại của Phú Thọ hiện tập trung ở một số huyện như Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Đoan Hùng với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Từ cây cọ, người dân Phú Thọ trong hàng chục năm đã phát triển nghề thủ công làm ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống, xuất khẩu. Nghề làm mành cọ từng phát triển mạnh ở các huyện Cẩm Khê, Thanh Ba, Đoan Hùng. Nhưng nay nghề này đang teo tóp dần vì nhiều nguyên nhân.

Ông Nguyễn Văn Lịch trú tại khu 6, xã Tiêu Sơn là một trong những người con của cụ tổ nghề dệt mành cọ Đoan Hùng, là thế hệ thứ hai trong gia đình giữ gìn nghề dệt mành cọ. Ông Lịch cho biết, cụ tổ của nghề dệt mành cọ là cha ông, cụ Nguyễn Văn Luân. Cụ Luân quê gốc Đông Hưng, Thái Bình, di cư lên Phú Thọ sinh sống. Vốn học được cách dệt chiếu ở quê, cụ Luân tận dụng phần cật cọ để dệt mành và truyền dạy cho người dân trong vùng.

Năm 1960, hợp tác xã mành cọ Đoan Hùng được thành lập, sản xuất các loại mành cọ. Chất lượng sản phẩm mành cọ bền, đẹp, khẳng định thương hiệu và được bán rộng rãi. Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, sản phẩm mành cọ Đoan Hùng được xuất khẩu sang Liên Xô và một số nước Đông Âu khác. Thời điểm đó, trung bình mỗi hộ sản xuất 5.000 đến 7.000 chiếc/năm. Nhiều gia đình đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị và thuê nhân công, “việc làm không xuể”, như lời ông Lịch.

Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây, nghề dệt mành cọ không còn được như trước. Ở thời điểm năm 2020, theo ông Lịch, Đoan Hùng chỉ còn vài hộ còn sản xuất nhưng ở mức “cầm chừng”.

“Đến nay thì nghề mành cọ coi như tuyệt chủng ở Đoan Hùng”, bà Hoa, vợ ông Lịch nói. Gia đình bà Hoa ông Lịch và em trai là ông Nguyễn Văn Vinh giờ không duy trì nghề mành cọ. “Cả vùng Đoan Hùng không ai làm mành cọ nữa, giờ ở vùng này chỉ còn nhà ông Thịnh Chăm ở bên Quảng Yên (xã Quảng Yên, Thanh Ba, Phú Thọ) là còn duy trì”, bà Hoa cho biết.

Đất cọ vẫn phải nhập cọ

Ông Thịnh Chăm, chừng 60 tuổi cho hay ở xã Quảng Yên còn rất ít cọ nguyên liệu, chỉ đủ cho một cơ sở của gia đình ông duy trì nghề mành cọ. “Mặt hàng này giờ chỉ làm cho khách trong nước, chủ yếu cho các khu du lịch, nhà hàng hoặc hồ câu cá đặt hàng”, ông Thịnh (vợ là Chăm) nói. Theo ông Thịnh, dù Đoan Hùng từng là “thủ phủ” nghề làm mành cọ nhưng nay gần như không còn ai ở Đoan Hùng sản xuất mành cọ nữa.

Cây cọ còn lại trong vườn nhà ông Tảo.

Nguyên nhân thứ nhất là mành cọ không cạnh tranh nổi với mành tăm của Trung Quốc (làm bằng nguyên liệu tre, trúc) vì “mành của họ đẹp mà rẻ, chỉ có 200-300 ngàn một tấm bằng cái chiếu, trong khi mành cọ của mình nếu dệt thủ công thì phải đảm bảo 300-400 ngàn một tấm mới có lãi”, theo lời ông Thịnh.

Hơn nữa, hiện nay nguyên liệu là cật lá cọ khan hiếm, nếu có khách đặt số lượng lớn thì lại phải nhập cật cọ từ Thái Nguyên về vì “bây giờ ở đây họ phá hết cọ rồi”, ông Thịnh nói.

Một số người ở Đoan Hùng cho biết hiện giờ cọ ở vùng này gần như không còn vì cây cọ không mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây bưởi hoặc keo. Gần đây, dân trong vùng còn phát triển nghề trồng các loại cây lấy lá xuất khẩu như tre diễn và tre mai cho nên họ chặt bỏ diện tích cọ trồng từ trước.

Ông Thịnh bên dàn máy dệt mành cọ.

Bà Hoa nói trước đây, giai đoạn trước khi Đông Âu và khối XHCN tan rã thì công việc của các gia đình làm mành cọ “ổn lắm”, nhưng sau năm 1991, Liên Xô sụp đổ thì nghề mành cọ ở Đoan Hùng cũng mai một dần.

Dân làm mành cọ phải “đi ké” sản phẩm với các hãng thủ công mây tre đan hoặc các mặt hàng như thảm bẹ ngô chùi chân để đủ chuyến xuất khẩu sang Ba Lan hoặc Bulgaria, nhưng các quốc gia này càng ngày nhập càng ít mành cọ và người làm mành cũng không dám sản xuất đại trà nữa.

Nhà ông Lịch, ông Vinh, nhà ông bà Kế Lý ở Tiêu Sơn đều bỏ nghề mành cọ, chuyển sang sản xuất mành trúc hoặc mành nứa. Cách thức làm cũng gần giống như mành cọ song nguyên liệu sẵn có tại chỗ, sản phẩm dễ tiêu thụ hơn. Khách đặt hàng chủ yếu đến từ Trung Quốc không có nhu cầu mành cọ.

Gia đình ông Thịnh không thuê người làm, chỉ có hai vợ chồng và một người cháu bị khuyết tật làm cùng. Ông nói dù thị trường không còn ưa chuộng mành cọ nhưng nếu Phú Thọ còn nhiều cọ thì dân buôn lá cọ vẫn có cửa làm ăn được. Còn lá cọ thì họ sống khỏe, mang về xuôi, bán cho các chủ tàu thuyền hay các khu vực nuôi cá bè.

“Chủ thuyền mua lá về lợp lên mái tôn, dân nuôi cá lợp mái nhà bè nhằm chống nóng, chống ồn khi có mưa gió”, ông Thịnh cho biết. Giá lá cọ nay chừng 7.000-9.000 đồng một tàu lá đẹp, tức là lá già, mua đổ đồng thì rẻ hơn. “Nhưng cũng chẳng có nhiều để mà mua. Ở Phú Thọ ngày càng ít cọ”, ông Thịnh nói.

Cọ xẻ không chỉ có ở Phú Thọ và không chỉ có ở Việt Nam. Ở Thanh Ba, Đoan Hùng hay Thanh Thủy không còn nhiều cọ, nhưng vẫn còn ở Cẩm Khê, Tân Sơn.

Chỉ có điều, diện tích cọ ở “thủ phủ” Phú Thọ ngày càng thu hẹp và có khả năng còn thu hẹp tiếp do sự “bành trướng” của các loại cây được xem là có hiệu quả kinh tế cao hơn ở thời điểm hiện nay.

“Xã hội vận động, nhiều nơi phá cọ trồng cây khác cũng là bình thường trong phát triển kinh tế. Chỉ có điều, từ lúc sinh ra đến nay, gắn bó lâu năm với hình ảnh cây cọ, lắm lúc tôi cũng thấy bùi ngùi. Chính vì thế tôi giữ lại mấy cây ở góc vườn để con cháu đi xa về nhà là lại nhìn thấy hình ảnh quê nhà”, ông Tảo ở Đào Xá, Thanh Thủy nói. “Sau này, con cháu có chặt bỏ để trồng cây khác thì cũng đành chịu chứ biết sao”.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/giau-cay-co-kho-cay-co-i722951/