Giật mình với chiêu trục lợi tinh vi từ công nghệ xây nhà giá rẻ

Giá rẻ bất ngờ, buộc chủ đầu tư phải cắt giảm tối đa chi phí nguyên vật liệu, cũng như thi công… dẫn đến căn nhà bị 'rút ruột' không thương tiếc. Kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm

Hành vi làm giả, ăn thật làm giàu cho chủ đầu tư nhưng biến khách hàng thành những “con mồi ngon” bị qua mặt ngoạn mục, đã được PV báo ĐS&PL thâm nhập, lật tẩy…

Trần vỏ bê tông, ruột... tôn nát

Sau nhiều lần nài nỉ, cuối cùng chủ thầu một công trình xây dựng trên địa bàn huyện Hóc Môn (TP.HCM) cũng cho phép PV vào phụ việc trong một tổ thợ thi công hơn chục căn nhà mang tên phố, giá rẻ. Do không có kinh nghiệm nên chủ thầu chỉ cho thực hiện việc uốn thép (cùng với vài người khác) và phụ việc lặt vặt.

Thế nhưng, chỉ trong mấy ngày, PV cũng đã quan sát được nhiều điều. Đầu tiên chính là việc đúc sàn giả. Dù đội ngũ “cò” liên tục quảng cáo, căn nhà được đổ bê tông trần, nhưng thực chất đó là kiểu đúc gác giả.

Nghĩa là thay vì kết cấu bê tông, cốt thép và trụ, đà phải được thiết kế kiên cố, theo công thức xây dựng nhất định, các chủ đầu tư lại chỉ đạo thợ phải làm ẩu, bằng cách gác đà ngang bằng xà gồ sắt.

Sau đó, lót các tấm tôn cũ, gỉ sét rồi đổ một lớp bê tông lên. Điều đáng nói, đây đang là chiêu thức hết sức phổ biến hiện nay của các nhà phố giá rẻ. Tương tự, tìm đến một khu xây dựng trên đường Tô Ngọc Vân (phường Thạnh Xuân, quận 12) cũng vậy. Khi PV đến, cũng là lúc tổ thợ đang hoàn thiện phần thô của công trình với 4 căn.

Thấy trần nhà chưa được gắn (bằng thạch cao) còn lòi khung sắt và tôn cũ gỉ sét, PV hỏi ngay một người thợ đang làm việc tại đây. “Nói là sàn đúc nhưng thực chất là chủ đầu tư yêu cầu làm sàn đúc giả thôi.

Vì làm như vậy rất nhanh, tiết kiệm công và giá thành lại rẻ nữa. Chứ đúc thật thì phải làm móng khác, đặc biệt là những nền đất yếu như ở đây, phải đóng cọc dữ lắm mới có thể chịu được. Bởi vì nhà tới một trệt, một lầu còn thêm cả một phòng trên cùng và sân thượng nữa”, người thợ xây nói.

Khi thâm nhập tìm hiểu công trình ở huyện Hóc Môn, PV cũng được những người thợ tiết lộ: “Nếu đúc thật còn phải tính tới xây tường dày bao nhiêu, cột cỡ nào... Khi đổ phải chờ một thời gian sau mới có thể thi công tiếp phần trên. Còn đúc giả thì có thể thi công liên tục mà không phải chờ đợi gì”.

Trần được đúc giả bằng cách lót tôn cũ và đổ lên lớp bê tông.

Đáng nói, đa phần các ngôi nhà có giá từ 1,6 tỉ đồng trở lại, đều được chỉ đạo thực hiện theo cách này để tiết giảm chi phí: Nguyên vật liệu, nhân công và thời gian thi công. Cùng với việc đúc sàn giả, các chủ đầu tư còn chỉ đạo đội ngũ thi công thực hiện công trình trong thời gian nhanh nhất để bán nhà.

Và thông thường, nguyên vật liệu là các loại có giá thành rẻ nhất, trong đó, hàng Trung Quốc chiếm phần nhiều. Do đó, nhiều công trình chỉ xây được vài ba năm là nứt nẻ. Thậm chí có những công trình đang hoàn thiện, nhà chưa bàn giao, tường đã nứt. Điển hình như một công trình trên đường Hà Huy Giáp (phường Thạnh Lộc, quận 12). Vừa bước vào ngôi nhà, PV quan sát thấy ngay hai vết nứt rất lớn ở phía trước cửa đã được trét lại nhưng chưa lăn sơn nên dấu còn mới.

Hỏi người thợ đang thực hiện phần lăn sơn (công đoạn hoàn thiện), anh này cho biết: “Bọn anh chỉ nhận chà nhám và lăn sơn thôi, còn xây dựng là của người khác”. Chính vì những yếu tố trên mà giá mỗi căn nhà khá rẻ.

Anh H., một nhà thầu từng nhận thi công công trình ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh thẳng thắn bày tỏ: “Các công trình này, chủ đầu tư khoán cho bên thi công chúng tôi giá thành 2 – 3 triệu/m2 hoàn thiện, trong khi giá thành ngoài thị trường khoảng 4 – 5 triệu/m2, thì chất lượng chỉ như vậy thôi...”.

Mập mờ chất lượng, thủ tục pháp lý

Theo ghi nhận, tại nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM, hàng loạt công trình đang mọc lên với tốc độ chóng mặt: phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc (quận 12), xã Thới Tam Thôn, Nhị Xuân, Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn), xã Hưng Long, Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh)...

Đây có thể coi là những “thủ phủ” của nhà phố giá rẻ. Đáng chú ý, bên cạnh những căn nhà đủ diện tích tách sổ, đang có hàng loạt căn không đủ diện tích tách sổ theo quy định hiện hành. Lần theo mẩu quảng cáo về căn nhà có diện tích 4x6 (24m2), đúc một trệt, một lầu, giá 650 triệu đồng trên đường TX 21 (phường Thạnh Xuân, quận 12), PV liên hệ với người rao bán tên Tuấn.

Dẫn đi xem nhà, Tuấn cho biết, nhà này là đúc thật, có sổ hồng riêng. Tuy nhiên, khi PV yêu cầu cho xem GCNQSD đất, Tuấn đưa ra một giấy sở hữu chung của 6 căn nhà trong tổng số 14 căn tại đây.

“Hiện nay, nhà đang là giấy tờ chung, còn quyền sở hữu phải chờ vài năm nữa, khi khu này phát triển. Với lại, lúc đó, chính sách thông thoáng sẽ tách thửa được thôi”, Tuấn quả quyết (?!).

Thông thường, người môi giới, bán hàng thường lập lờ thông tin và rao là có “sổ hồng riêng”, hoặc “chính chủ”. Tuy nhiên, khi đến thực tế, đa phần là “cò” hoặc đại lý gom bán lại. Theo ghi nhận của PV, trên địa bàn các quận, huyện ngoại thành, hiện có khá nhiều đầu nậu hoặc “cò” hoạt động mua bán nhà kiểu này. Đa phần họ đều quảng cáo, có thể lo được các thủ tục và “bao” cả chính quyền.

Gặp PV, khi giới thiệu về dự án nhà trên trên địa bàn xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, ông Hoàng “nổ”: “Ở đây anh quen hết, khỏi lo chuyện tách sổ. Em ở trong vòng 1 năm, anh đảm bảo sẽ tách sổ cho em.

Nếu không tách được, em cứ đến gặp anh”. Tuy nhiên, dự án mà ông Hoàng giới thiệu có diện tích 40m2/căn (trong khi theo quy định, tại huyện Hóc Môn, 80m2 mới được tách sổ – PV). Sở dĩ có những khu nhà phố này là do các chủ đầu tư đi mua các đám đất ruộng, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng rồi xây toàn bộ các căn nhà liền kề, giống nhau.

Sau đó, họ tiến hành xin tách thửa, thường là 3 – 5 căn, tùy theo diện tích xây dựng cho phù hợp điều kiện tách thửa tại địa phương để bán lại cho người mua. Đương nhiên, khi đó, nhiều người mua phải chấp nhận sổ chung.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc sở TN&MT TP.HCM cho biết: “TP. đã ban hành quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa ở các khu vực. Trường hợp nào không đáp ứng đủ điều kiện sẽ không được tách thửa. Trường hợp nào vi phạm sẽ kiên quyết xử lý, không bao che dung túng”. Bên cạnh đó, trước phản ảnh về tình trạng nhà phố chung sổ mọc lên nhiều, ông Hà Ngọc Hùng – Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hóc Môn cho biết: “Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, trường hợp nào vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật”.

THANH TÙNG

Xem thêm video:

[mecloud]NOHwnnaAHg[/mecloud]

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/chieu-truc-loi-tinh-vi-tu-cong-nghe-xay-nha-gia-re-a141246.html