Giật mình trước những 'vết thương' của cây cầu Long Biên

Được xây dựng và đi vào hoạt động từ những năm 1902 của thế kỷ XX, cầu Long Biên đã một thời là tuyến đường giao thông huyết mạch của Thủ đô, mang trong mình những giá trị văn hóa lịch sử... Tuy nhiên, hiện cây cầu đang mang trên mình nhiều "vết thương" nặng.

Chân cầu Long Biên những ngày nước sông hạ thấp.

Là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, được người Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1902, trải qua hơn 100 năm tồn tại cùng thời gian, chứng kiến 2 cuộc chiến tranh ác liệt của đất nước, cầu Long Biên hiện nay đã và đang xuống cấp nghiêm trọng với những vết hoen gỉ, bong tróc ngày càng nặng thêm.

Cả một cây cầu nhuốm màu thời gian, màu vàng của gỉ sét.

Các mối nối, bu lông, ốc vặn cũng đang bị ô xi hóa mạnh.

Chân cầu được gia cố bằng những hàng cọc sắt, đường kính khoảng 30- 40 cm, được đóng sâu xuống lòng sông.

Có những cọc sắt bị đổ vẹo so với thiết kế ban đầu.

Những hàng chân trụ là những cọc sắt 'khủng' nhưng cũng đang bị thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt hủy hoại.

Những vết hoen gỉ đang ăn sâu vào mố chân cầu.

Trụ chính giữa sông cũng trơ nhiều phần cốt sắt gỉ sét.

Những mố cầu bị xói mòn tạo nên những lỗ lớn ăn sâu vào trong chân cầu.

Có những trụ sắt chính bị nghiêng.

Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và giao thông đô thị, năm 2010, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu lập dự án khôi phục cầu Long Biên và phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2020.

Những lõi sắt bị trơ khấc không có điểm tựa.

Phần bê tông bị bong để lộ phần cốt thép hoen gỉ.

Chân cầu cũng không tránh khỏi thảm cảnh bị bào mòn bởi sức nước.

Phần mặt dưới cầu cũng bị bong từng mảng lớn, lộ ra tấm lưới sắt sét gỉ.

Thậm chí có những hạng mục bị nứt nẻ, không còn gắn kết với chân cầu.

Được biết, dự án khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 298 tỷ đồng, đã hoàn thành từ cuối năm 2015.

Giai đoạn 2 đặt mục tiêu, khôi phục, cải tạo cầu Long Biên phục vụ đường bộ đô thị sau khi dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) hoàn thành và đưa vào khai thác.

Đã có rất nhiều ý kiến về việc bảo tồn cầu Long Biên được đưa ra, tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ dừng lại ở việc tu sửa, tôn tạo trên cốt cầu cũ.

Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của cầu Long Biên, thiết nghĩ cần có một biện pháp tối ưu để gìn giữ cầu lịch sử này không bị biến dạng, hủy hoại theo thời gian.

Văn Tiến - Thành Đông

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/giat-minh-truoc-nhung-vet-thuong-cua-cay-cau-long-bien-d9657.html