Giật mình ngôi mộ khiến chuyên gia điên đầu suốt 5 thế kỷ

Nicholas Copernicus là nhà thiên văn học nổi tiếng thời Phục Hưng. Ông đưa ra nhận định rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Sau khi Copernicus qua đời năm 1543, giới chức trách và các chuyên gia nỗ lực tìm kiếm mộ phần của ông.

Nhà thiên văn nổi tiếng thời Phục Hưng Nicholas Copernicus (1473 - 1543) chào đời ở Torun, Ba Lan. Ông theo học tại Đại học Krakow từ năm 1491 - 1494 và sau đó học tập tại các trường đại học Italy ở Bologna, Padua và Ferrara.

Sau khi nghiên cứu y học, giáo luật, thiên văn toán học và chiêm tinh học, Copernicus trở về Ba Lan vào năm 1503. Từ đó, ông vừa làm bác sĩ vừa tiếp tục nghiên cứu toán học. Ngoài ra, ông cũng là kỹ sư, tác giả, nhà lý thuyết kinh tế.

Copernicus đạt được nhiều thành tựu nổi bật bao gồm: xây dựng hai lý thuyết kinh tế có sức ảnh hưởng lớn, gồm thuyết số lượng tiền tệ năm 1517 và định luật Gresham năm 1519. Đặc biệt, nhà thiên văn lừng danh thế giới này đã đưa ra nhận định rằng Trái Đất và các hành tinh khác quay quanh Mặt Trời chứ không phải ngược lại.

Trước khi qua đời, nhà thiên văn lỗi lạc Copernicus đã cho xuất bản cuốn sách có tựa đề "De Revolutionibus Orbium Coelestium" (Về sự chuyển động của các thiên tinh cầu). Tác phẩm này được giới nghiên cứu đánh giá đã tạo tiền đề cho những thay đổi lớn trong hiểu biết của nhân loại về vũ trụ, mở đường cho các nhà thiên văn sau này như Galileo Galilei.

Vào năm 1543, Copernicus qua đời tại Frombork, Ba Lan. Ông được chôn cất tại nhà thờ địa phương có tên Frombork (trong ảnh). Nhà thờ này là nơi an nghỉ của hơn 100 người và đa số nằm trong những ngôi mộ không tên. Do đó, việc xác định ngôi mộ của Copernicus không phải nhiệm vụ dễ dàng đối với các chuyên gia trong suốt nhiều năm.

Vào năm 2005, một nhóm nhà khảo cổ Ba Lan bắt tay vào tìm kiếm ngôi mộ Copernicus dựa theo nhận định của nhà sử học Jerzy Sikorski. Theo ông Jerzy, Copernicus được chôn cất gần bệ thờ mà ông phụ trách khi làm giáo sĩ tại đây. Đó là bệ thờ Thánh Wacław, ngày nay gọi là bệ thờ Thánh Giá.

Từ đó, nhóm chuyên gia khai quật và phát hiện 13 bộ xương gần bệ thờ Thánh Wacław. Trong số này có một bộ hài cốt không hoàn chỉnh của một người đàn ông qua đời khi khoảng 60 - 70 tuổi.

Bộ hài cốt này được xác định là có nhiều điểm phù hợp với Copernicus nhưng cần tìm nguồn vật liệu tham chiếu phù hợp. Tuy nhiên, các chuyên gia không tìm được bất cứ bộ hài cốt họ hàng nào của Copernicus nên mọi việc đi vào ngõ cụt.

Bất ngờ, vào năm 2006, các chuyên gia phát hiện vài sợi tóc giữa những trang của một cuốn sách thiên văn mà Copernicus từng dùng trong suốt nhiều năm. Cuốn sách đang thuộc sở hữu của Bảo tàng Gustavianum tại Đại học Uppsala, Thụy Điển.

Qua đó, các chuyên gia kiểm tra, phân tích và so sánh ADN của mẫu tóc với bộ hài cốt trên. Kết quả cho thấy ADN ty thể từ răng và mẫu xương của bộ hài cốt khớp với ADN ty thể của tóc. Nhờ vậy, họ tin rằng thi hài đó thực sự thuộc về nhà thiên văn Copernicus.

Mời độc giả xem video: Chuyên gia hốt hoảng thấy đồng hồ "xuyên không" trong mộ cổ 400 tuổi.

Tâm Anh (theo Space)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/giat-minh-ngoi-mo-khien-chuyen-gia-dien-dau-suot-5-the-ky-1958801.html